Nội dung thông tin thất thiệt liên quan đến tài xế Doãn Quý Phiến. (Ảnh: QĐ)
Mới đây nhất, mạng xã hội xôn xao bởi thông tin tài xế Doãn Quý Phiến (SN 1966, ở Cầu Giấy, Hà Nội), trong vụ cháu bé học trường Gateway tử vong trên xe đã “chết bất thường”. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đồng chí Trung tá Trần Văn Hóa, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định, không có chuyện tài xế Phiến tử vong. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Cầu Giấy chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ gia đình ông Phiến về việc lái xe này tử vong như những thông tin đồn ác ý trên mạng xã hội. Mọi người cần cẩn trọng trước những thông tin chưa được kiểm chứng, không đồn thổi, suy diễn ác ý gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua đã xuất hiện không ít hiện tượng cá nhân cố tình tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội nhằm mục đích câu view, câu like để được nổi tiếng, được quan tâm. Điển hình là việc tài khoản facebook có tên là “Đầm Bầu Thời Trang Mami” đã đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn vì có thể lây sang người. Thông tin thất thiệt trên không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn dồn người nông dân đang khó khăn vì bệnh dịch nay lại lâm vào bế tắc, phá sản.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội về dịch tả lợn châu Phi. Sau đó, chủ nhân tài khoản facebook “Đầm Bầu Thời Trang Mami” đã bị xử phạt 20 triệu đồng.
Văn bản Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiến nghị xử lý việc tung tin thất thiệt trên mạng xã hội về dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: QĐ).
Trước đó, cũng tại Hà Nội, Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập Trần Văn Thước (sinh năm 1997, quê Nghệ An) đang làm công nhân tại một dự án trên địa bàn huyện để làm rõ hành vi đăng tải thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Tại cơ quan Công an, Trần Văn Thước khai nhận: Do nghe lời người khác đã tiến hành quay clip tòa nhà nơi mình làm và đăng tải lên mạng xã hội kèm thông tin “sự cố điện” khiến 24 người thiệt mạng. Ngay sau khi nắm được thông tin gây hoang mang dư luận, Công an huyện Gia Lâm đã ngay lập tức xác định không có sự việc như trên xảy ra. Vụ việc 24 người tử vong trong khi lao động hoàn toàn chỉ là thông tin thất thiệt.
Theo các chuyên gia, những tin đồn thất thiệt trên các trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận trong thời gian qua đã khiến không ít người hoang mang. Chính vì thế, mọi người cần bình tĩnh, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự. Điều này đã được quy định rất rõ tại Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp quy.
Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.
Luật sư Đỗ Xuân Đang. Ảnh: QĐ
“Cách đây chưa lâu, Công an TP Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng, gồm: Ngô Bá Sơn (SN 1984) và Vũ Văn Bằng (SN 1989) về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Tuy nhiên, việc khởi tố hình sự đối với những hành vi như thế này còn khá hiếm hoi”, Luật sư Đỗ Xuân Đang chia sẻ.
Cùng với sự phát triển của đời sống, các trang mạng xã hội đã ngày càng có những ảnh hưởng trực tiếp tới nhận thức, tình cảm, thái độ hành vi của con người và toàn xã hội. Mặc dù vậy, hiện nay vẫn có không ít người cho rằng mạng xã hội là môi trường “ảo” nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. Suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm bởi việc tung tin thất thiệt, sai sự thật gây hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi và hậu quả của việc tung tin tác động đến xã hội như thế nào sẽ có hình phạt tương ứng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên vào cuộc để phản hồi thông tin, đồng thời xử phạt nghiêm đối với các đối tượng tung tin đồn thất thiệt nhằm tăng tính răn đe, trấn an dư luận.
Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Và người tiếp nhận cần tỉnh táo trước các thông tin mà mình tiếp nhận, nhất là những thông tin chưa được kiểm chứng./.
Theo Quang Đạo (dangcongsan.vn)