Kết luận nội dung tố cáo (TC) 100/KL-UBND ngày 21/8/2020 nêu rõ nội dung tố cáo như sau: Ông Lương Quốc Việt tố cáo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Đặng Văn Triều có hành vi thực hiện chính sách không đúng quy định trong thanh toán, chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi cho hộ gia đình. Cụ thể: Số lượng lợn bị tiêu hủy ngày 25/4/2019 nhà ông Việt là 28 con (18 con lợn nái đang khai thác và 10 con lợn đang theo mẹ) có tổng khối lượng là 5.342 kg. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khi phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho nhà ông đã không nhân với hệ số 1,8 theo quy định mà chỉ trả 38.000đ/kg nhân với hệ số 1 như lợn thương phẩm là sai. Đến nay, hộ gia đình ông Việt chưa nhận tiền hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.
Theo giải trình của ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức: Từ chiều ngày 18/4/2019 và sáng ngày 19/4/2019, trên địa bàn huyện Mỹ Đức có hiện tượng lợn nghi nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cho lấy mẫu gửi đi xét nghiệm đối với 01 hộ ông Lương Quốc Việt chăn nuôi lợn tại thôn Đốc Tín, xã Đốc Tín. Sau khi nhận được kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi, ngày 22/4/2019, UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo UBND xã Đốc Tín, Trạm Chăn nuôi và Thú y, các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm đếm và cho tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh theo quy định.
Tại hộ ông Việt, do 02 dãy chuồng khác nhau, không lưu thông chung không khí, không chung nguồn nước và có cửa đi riêng biệt nên UBND xã Đốc Tín tổ chức tiêu hủy làm hai đợt (đợt đầu là 39 con lợn, đợt hai là 28 con (chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đợt đầu).
Quá trình tiêu hủy đảm bảo đúng quy trình quy định như đã chuyển Chi cục Thú y xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, sau khi có kết quả dương tính, UBND xã Đốc Tín thành lập Hội đồng Kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại và giám sát việc tiêu hủy. Việc tiêu hủy lợn diễn ra công khai, minh bạch đảm bảo đúng pháp luật. Công dân không có thắc mắc, khiếu nại gì liên quan đến quá trình tiêu hủy.
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Internet
Về hỗ trợ tiêu hủy đối với hộ ông Lương Quốc Việt có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy làm 2 đợt: Đợt 1, tiêu hủy ngày 22/4/2019, giá được áp dụng theo Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố Hà Nội; UBND huyện đã hỗ trợ cho gia đình ông là 126.312.000 đồng. Ông Việt đã nhận đủ số tiền hỗ trợ. Sang đợt 2, tiêu hủy ngày 25/4/2019, giá hỗ trợ cũng được áp theo Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND; UBND huyện đã hỗ trợ cho gia đình ông là 202.996.000 đồng. Tuy nhiên, ông Việt không nhận số tiền hỗ trợ nêu trên vì cho rằng việc tính giá hỗ trợ không đúng theo Văn bản số 2089/UBND-KT ngày 20/5/2019 của UBND thành phố Hà Nội.
Theo quy định, thời điểm xác định mức hỗ trợ là thời điểm tiêu hủy lợn vậy phải áp dụng Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND (chưa áp dụng văn bản số 2089/UBND-KT). Do đó, ông Đặng Văn Triều cho rằng, UBND huyện Mỹ Đức thực hiện đúng chính sách quy định trong việc rà soát quy trình tiêu hủy cũng như trong việc thanh toán, chi trả hỗ trợ tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi đối với hộ ông Lương Quốc Việt; việc này đã được UBND thành phố Hà Nội khẳng định tại Văn bản 5345/UBND-KT ngày 02/12/2019.
“Đến nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức chỉ còn duy nhất 01 trường hợp là hộ ông Lương Quốc Việt chưa nhận hỗ trợ dù UBND xã Đốc TÍn đã nhiều lần mời ông Việt đến nhận tiền”, ông Đặng Văn Triều khẳng định.
Qua xác minh, UBND thành phố Hà Nội kết luận, sau khi phát hiện hộ ông Lương Quốc Việt có lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Mỹ Đức đã cho tiêu hủy và hỗ trợ đợt 1 cho 39 con lợn thương phẩm mắc bệnh, hộ ông Việt đã nhận tiền, không có khiếu kiện.
Đợt 2 phải tiêu hủy 28 con lợn với tổng trọng lượng là 5.342kg của nhà ông Việt nuôi bị mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Đốc Tín đã thực hiện việc tiêu hủy về cơ bản theo đúng quy trình (thời điểm tiêu hủy vào ngày 25/4/2019).
Căn cứ vào Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ và Quyết định số 07/2019/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND thành phố thì hộ ông Việt có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy ngày 25/4/2019 được hỗ trợ 38.000 đồng/kg (không phân biệt lợn nái, lợn thương phẩm). Đến ngày 20/5/2019, UBND thành phố có Văn bản số 2089/UBND-KT cũng quy định mức hỗ trợ tại thời điểm lợn bị tiêu hủy: đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi sau ngày 20/5/2020 mới áp dụng lợn nái = 1,8 x 0,8 x đơn giá thị trường. Do đó, công dân cho rằng Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khi phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho nhà ông Việt đã không nhân với hệ số 1,8 theo quy định mà chi trả 38.000đ/kg nhân với hệ số 1 như với lợn thương phẩm, là không có cơ sở. Nội dung TC là sai.
Căn cứ theo Mục 1 Thông báo 57/TB-UBND ngày 06/3/2019 của UBND thành phố quy định thời gian thanh toán cho các hộ chậm nhất không quá 07 ngày kể từ ngày tiêu hủy. Tuy nhiên, đến ngày 20/5/2019 Phòng Tài chính Kế hoạch, UBND huyện Mỹ Đức mới có Tờ trình số 207/TTr-TCKH về việc xin hỗ trợ kinh phí cho các hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi bị tiêu hủy bắt buộc (trong đó có hộ ông Việt) và ngày 21/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức ra Quyết định số 984/QĐ-UBND hỗ trợ tiền cho nhà ông Việt có 28 con lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi (chậm 19 ngày tính đến ngày có quyết định hỗ trợ); sự việc trên là nguyên nhân dẫn đến công dân cho rằng, đối với 18 con lợn nái của gia đình ông Việt phải được nhân với hệ số 1,8 theo quy định tại Văn bản 2089/UBND-KT ngày 20/5/2019 của UBND thành phố. Trách nhiệm tồn tại trên thuộc về Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Mỹ Đức.
Qua sự việc trên, UBND thành phố giao Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo Phòng Tài chính Kế hoạch, UBND huyện Mỹ Đức nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm về thiếu sót nêu trên./.
Lan Anh