Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 1)

Thứ hai, 07/01/2013 09:44
(ThanhtraVietnam) - Riêng trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng được 2 đạo luật quan trọng là: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và ban hành hệ thống nghị định, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, góp phần quan trọng khắc phục những thiếu sót, bất cập về cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

I. Tổng quan về chương trình POSCIS và các dự án hợp phần 

Được khởi động từ tháng 12/2009, Chương trình “tăng cường năng lực tổng thể ngành thanh tra đến năm 2014” (gọi tắt là POSCIS) do Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển tài trợ hướng tới mục tiêu tổng thể “Xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện thành công các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”. Chương trình có số vốn tài trợ cam kết là 11,7 triệu USD, dự kiến kéo dài đến tháng 11/2014. Chương trình có quy mô triển khai rộng với 10 dự án hợp phần, gồm 10 đơn vị trong ngành Thanh tra tham gia là: Thanh tra Chính phủ (vừa là cơ quan chủ quản Chương trình, vừa là một dự án hợp phần (DAHP) giữ vai trò điều phối việc triển khai thực hiện các dự án hợp phần) và các cơ quan Thanh tra bộ, địa phương (mỗi cơ quan Thanh tra bộ hay địa phương là một DAHP trong Chương trình), bao gồm Thanh tra các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nội vụ, Tài chính và Thanh tra các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Bình Dương, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh.

 Chương trình POSCIS được triển khai ở hai cấp độ: cấp độ Chương trình và cấp độ DAHP, với hai hệ thống đầu ra tương ứng. Ở cấp độ Chương trình, hệ thống đầu ra được khái quát là các đầu ra sẽ được thực hiện bởi DAHP của Thanh tra Chính phủ và các DAHP của các bộ, địa phương. Hệ thống đầu ra ở cấp độ Chương trình cũng sẽ là cơ sở để đánh giá Chương trình. Ở cấp độ DAHP, các dự án sẽ xây dựng các đầu ra phù hợp với những vấn đề ưu tiên và phạm vi về chức năng, nhiệm vụ tương ứng, nhưng trong khuôn khổ Văn kiện Chương trình. Chương trình POSCIS cũng đặc biệt nhấn mạnh cách tiếp cận, đó là việc thực hiện các DAHP cần phải đạt được các mục tiêu chung của Chương trình, song cũng phải phù hợp với tình hình hoạt động và yêu cầu cụ thể của từng đơn vị.

Một trong những điểm đáng chú ý của Chương trình POSCIS trong thời gian gần đây là tăng cường công tác truyền thông, với điểm nhấn quan trọng là việc Giám đốc Ban quản lý các dự án – Thanh tra Chính phủ đã ban hành quyết định số 25/QĐ-BQLDA về Chiến lược truyền thông Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể ngành Thanh tra đến năm 2014”  (Chương trình POSCIS) giai đoạn 2012-2014. Chiến lược này coi truyền thông là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý điều hành chương trình giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Chương trình nói riêng cũng như của toàn ngành Thanh tra nói chung. Mục tiêu chung của Chiến lược là quản lý, điều hành tốt Chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình triển khai chương trình và yêu cầu của các đối tác phát triển, mở rộng hợp tác, đối thoại trong và ngoài chương trình, nâng cao nhận thức của xã hội đối với Chương trình và ngành Thanh tra. Việc ban hành chiến lược này cũng là để qua đó những thông tin chung về Chương trình sẽ được chia sẻ, trao đổi, phản ánh với các đối tác bên ngoài, với cộng đồng xã hội nhằm tạo sự hiểu biết, đồng thuận, ủng hộ Chương trình, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác ngoài Chương trình. Ngoài ra, thông qua hoạt động truyền thông, những kết quả của Chương trình cũng sẽ được chia sẻ, trao đổi trong toàn ngành Thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

II. Thực trạng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua

1. Tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 - 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Số lượng công dân khiếu nại, tố cáo ngày càng tăng cả về số đoàn đông người, số vụ việc (từ 187.037 vụ việc năm 2008 tăng lên 236.466 vụ việc năm 2011, tỉ lệ tăng 26,4%; từ 2.466 lượt đoàn năm 2008 tăng lên 4.056 lượt đoàn năm 2011 tỉ lệ tăng 64,5%). Các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn khiếu nại, tố cáo với 495.017 vụ việc, trong đó có 329.672 vụ việc thuộc thẩm quyền, đã giải quyết 257.419 đơn khiếu nại và 33.160 đơn tố cáo. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi về cho Nhà nước gần 1.026 tỷ đồng, 1.241 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỷ đồng và 936 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ với 382 người.

Trên cơ sở phân tích tình hình khiếu nại, tố cáo cho thấy, về tính chất, mức độ phức tạp mặc dù so với những năm 2006-2007 tình hình khiếu nại, tố cáo từ 2008 – 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan thì tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng; tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị (họp Trung ương, họp Quốc hội, Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại hội Đảng…). Nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn không nhất trí tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án tại các địa phương như TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương, Đăk Lăk, Đắc Nông, Thanh Hóa, An Giang, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…., các vụ việc đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nội bộ nhân dân tại các địa phương như: Long An, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh… Có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại “liên kết” với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước. Đáng chú ý là trong một số trường hợp có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người đi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối. Tình hình khiếu nại, tố cáo nêu trên đã ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất ổn định chính trị - xã hội tại một số địa phương trong một số thời điểm. Trong một số trường hợp đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh giữa người dân với chính quyền, giữa người dân với nhà đầu tư. Trong nhiều dự án, do tác động của tình hình khiếu nại, tố cáo nên đã làm cho dự án bị chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế xã hội. Một số vụ việc khiếu kiện người dân thể hiện thái độ sẵn sàng đối đầu, bất phục tùng chính quyền, thậm chí hăm dọa cán bộ có trách nhiệm. Điều đáng lo ngại là tình hình khiếu nại, tố cáo đã tác động tiêu cực vào tâm lý, hành động của một bộ phận cán bộ, vào đời sống xã hội và niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền, đòi hỏi phải được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Đánh giá về kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua cho thấy, hầu hết các địa phương đã có sự nỗ lực trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số địa phương đã có những cố gắng, giải quyết được khối lượng lớn vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh và nhiều vụ khiếu kiện đông người, phức tạp. Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cũng đã tích cực thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật khiếu nại, tố cáo ở các địa phương, phối hợp với các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp thanh tra, kiến nghị Thủ tướng giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp; đã tổ chức tiếp trên một trăm ngàn lượt công dân, hàng nghìn đoàn khiếu kiện đông người; phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống phát sinh. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền ở nhiều địa phương cũng ngày càng tập trung và quyết liệt hơn trước, đã đề ra và thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp tích cực để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội trong phạm vi địa phương nên đã góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện mới. Một số cấp uỷ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xây dựng kế hoạch thực hiện. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có chương trình, kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, tổ công tác để kiểm tra, xác minh, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực nói trên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn không ít những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như: Công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương, đơn vị chưa tốt nên kết quả, hiệu quả giải quyết chưa cao. Việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo chưa chắc, theo dõi, thống kê các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa chính xác, chưa kịp thời, thực tế còn bị động, lúng túng trong chỉ đạo xử lý tình huống phức tạp xảy ra; kế hoạch giải quyết ở các cấp chưa cụ thể, từng cấp chưa làm đầy đủ trách nhiệm, còn bị động đối phó, chưa giải quyết các vấn đề cơ bản, nhất là cơ chế, chính sách và trong chỉ đạo điều hành. Số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng vẫn còn nhiều; những vụ việc phát sinh mới có nơi chưa giải quyết kịp thời. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, để công dân khiếu nại nhiều lần, vượt cấp, một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và phù hợp với thực tế nên không dứt điểm. Nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm vụ việc. Còn hiện tượng giải quyết né tránh, đùn đẩy, thấy sai nhưng không chịu sửa làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài, cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền được giao, có hành vi bao che, cố ý làm sai; một số vụ việc mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương nhưng chính quyền địa phương thực hiện chưa triệt để, không nghiêm túc dẫn đến người dân tiếp tục khiếu kiện gay gắt.

Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các quyết định xử lý về tố cáo ở địa phương còn chậm và hạn chế. Từ đó, dẫn đến người khiếu nại, tố cáo tiếp tục gửi đơn với thái độ rất bức xúc, hoặc quay sang tố cáo chính quyền cố tình bao che sai phạm, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng một số cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có hành vi tiêu cực, vụ lợi. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. 

Dễ nhận thấy, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo xuất phát từ việc một số quy định của pháp luật còn bất cập, thiếu rõ ràng, cụ thể hoặc có sự chồng chéo mâu thuẫn, làm cho tình hình KNTC và công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân thêm phức tạp và khó giải quyết. Việc phối hợp giải quyết giữa các cơ quan có thẩm quyền chưa được chặt chẽ và thống nhất, tình trạng “đùn đẩy trách nhiệm, chuyển đơn lòng vòng” của một bộ phận không nhỏ cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm vẫn diễn ra gây bức xúc cho người dân. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều sai sót, việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu cũng là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chưa kể, một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng lại thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực trình độ chuyên môn còn hạn chế hoặc thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, hoặc có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời hoặc chưa bảo đảm vụ việc được giải quyết hợp lý, hợp tình nên công công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại.  

III. Vai trò, tác động của chương trình POSCIS với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Căn cứ vào Văn kiện của Chương trình và định hướng nhiệm vụ công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra trong từng năm, Chương trình POSCIS đã xác định một số nội dung cơ bản, quan trọng đối với các hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới tổ chức và đào tạo cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác của ngành Thanh tra. Kết quả và tác động của Chương trình POSCIS đối với ngành Thanh tra trên lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Riêng trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng được 2 đạo luật quan trọng là: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và ban hành hệ thống nghị định, các quy chế, quy trình nghiệp vụ, góp phần quan trọng khắc phục những thiếu sót, bất cập về cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời đội ngũ cán bộ làm công tác này cũng được hỗ trợ đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm quốc tế về giải quyết khiếu nại, tố cáo, năng lực, trình độ được nâng lên đáng kể, tạo cơ sở cho việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sau gần 2 năm thực hiện, các nhà tài trợ và đại diện các Ban Quản lý đều đánh giá Chương trình POSCIS được xây dựng phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam nói chung cũng như yêu cầu đổi mới và phát triển của ngành Thanh tra nói riêng, đặc biệt Chương trình cũng đã có tác động đáng kể đến việc tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo...

 (Còn nữa)

 TCTT

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra