Tin liên quan:
> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 1)
1. Hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo
1.1. Những kết quả nổi bật
Từ khi tái khởi động, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao, Ban chỉ đạo, Ban quản lý các dự án cũng như các đơn vị thực hiện các DAHP đã triển khai tốt kế hoạch, thực hiện hiệu quả từng DAHP đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, có giá trị thiết thực, hữu ích góp phần xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Dự kiến đến 31/12/2012, toàn Chương trình sẽ triển khai và cơ bản hoàn thành 71% hoạt động đề ra, với tỷ lệ giải ngân cao.
Trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng, nhờ sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, năm 2011, các văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo tiếp tục được hoàn thiện. Để phục vụ cho việc xây dựng hai đạo luật quan trọng là: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Vụ Pháp chế thuộc DAHP Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hai hội thảo rộng giới thiệu những nội dung được đại biểu Quốc hội cho ý kiến và phương án xây dựng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo tại hai khu vực: miền Nam và miền Bắc, đồng thời thuê chuyên gia bình luận dự thảo hai luật, hội thảo hẹp giới thiệu bình luận của chuyên gia và lấy ý kiến về dự thảo Luật cũng được tổ chức. Với sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý, dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII với tỷ lệ tán thành cao. Việc thông qua hai dự án Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm vướng mắc trong công tác giải quyết KN,TC; đặc biệt, tạo được một hành lang pháp lý đủ rộng, bảo đảm quyền cơ bản của người dân trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ DAHP Thanh tra Chính phủ, một số quy trình, quy chế như: Quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo “một đầu mối”, Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính cũng đã được ban hành, góp phần từng bước hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thực hiện tốt công tác quản lý của ngành.
Cùng với DAHP Thanh tra Chính phủ, DAHP Thanh tra Hà Tĩnh cũng cơ bản triển khai thực hiện các hoạt động đầu ra của dự án đảm bảo theo tiến độ, kế hoạch được phê duyệt. Tại các hội nghị kiểm điểm, đánh giá hàng năm, Hợp phần Thanh tra Hà Tĩnh luôn được Thanh tra Chính phủ, các nhà tài trợ ghi nhận, đánh giá cao. Trong khuôn khổ dự án, Thanh tra tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo xây dựng các văn bản về thể chế và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành: Quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; Quy chế tiếp dân một đầu mối ở cấp hành chính; Quy định chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng đối với thủ trưởng các cấp, các ngành trong phạm vi toàn tỉnh; Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo tỉnh; Tổ chuyên môn giúp việc cho Hội đồng; Quy chế hoạt động của Hội đồng và tổ chức các cuộc hội thảo để nhân rộng mô hình này xuống cấp huyện (đến nay đã có 10/12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp huyện). Một số sản phẩm dự án của Hợp phần Thanh tra Hà Tĩnh đã được đề nghị nhân rộng ra toàn chương trình, trong toàn ngành như mô hình “Tổ công tác thực hiện các đầu ra”, mô hình “Tiếp dân một đầu mối’ và mô hình “Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo”.
Trong khuôn khổ các hoạt động đầu ra của Chương trình, DAHP Thanh tra tỉnh Khánh Hòa cũng đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và hệ thống gồm 47 biểu mẫu về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn Khánh Hòa. DAHP Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng có một số sản phẩm đầu ra đạt chất lượng cao gồm 5 quy chế là: Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN giữa Thanh tra tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN giữa Thanh tra tỉnh với VKSND, Công an tỉnh, Sở Tư Pháp, Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN tỉnh; Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN giữa Thanh tra tỉnh với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở TN-MT, Sở Xây dựng; Quy chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và mô hình đối thoại kiểu mẫu trong giải quyết khiếu nại hành chính. DAHP Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành Quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy trình giải quyết khiếu nại đông người.
Có thể nói, công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo nhờ có sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS nên các tiểu hoạt động về khảo sát được triển khai quy mô, cụ thể, theo sát thực tế, kết quả khảo sát rất có ý nghĩa trong việc phân định phạm vi, đối tượng được điều chỉnh trong nội dung văn bản định xây dựng, phù hợp thực tiễn công tác, đảm bảo tính bao quát của văn bản khi có hiệu lực thi hành. Hơn nữa, do có sự hỗ trợ của Dự án mà các cuộc hội thảo được tổ chức diện rộng hơn, tăng số đại biểu là những cán bộ làm công tác quản lý hoặc có nhiều kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các ý kiến tham gia tại hội thảo rất phong phú, có giá trị cao, đại diện cho nhiều vùng miền, địa phương có đặc thù khác nhau, góp phần quan trọng về chất lượng nội dung văn bản, đảm bảo đúng tiến độ đề ra và khi được ban hành đã thực sự có ý nghĩa và đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2012, ở cấp độ DAHP, Chương trình POSCIS cũng đã tiếp tục hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện thể chế của ngành Thanh tra trong đó tập trung vào việc tuyên truyền Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và xây dựng Nghị định 75/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại, Nghị định 76/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo, hoàn thiện và tập huấn, thí điểm và trình ban hành một số quy trình về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện thể chế vẫn còn những tồn tại nhất định. Nhiều Quy trình, Quy chế liên quan đến lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo được mô tả trong Văn kiện DAHP trong đó Thanh tra Chính phủ với vai trò là cơ quan chủ đạo, định hướng thực hiện, song, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các DAHP tham gia Chương trình và DAHP Thanh tra Chính phủ để đảm bảo tính phù hợp về thời gian và nội dung của các văn bản mang tính quy phạm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vì vậy tình trạng trùng lắp, không thích ứng trong xây dựng thể chế đối với các DAHP vẫn còn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận dụng, chia sẻ, nhân rộng về thể chế ở cấp độ DAHP trong Chương trình.
1.2. Vai trò, tác động của hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Được sự hỗ trợ của Chương trình POSIS, thời gian qua công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Kết quả thực hiện Chương trình trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo với sản phẩm đầu ra là 2 đạo luật quan trọng đã được xây dựng và ban hành: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo.
Có thể thấy, sau nhiều năm thực hiện, Luật Khiếu nại, tố cáo đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong việc khiếu nại - một trong những quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm thực hiện. Cụ thể như cơ chế giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ; việc khởi kiện của người dân tại Tòa án còn bị hạn chế; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, vì vậy chưa tạo thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, của luật sư và trợ giúp viên pháp lý trong quá trình giải quyết khiếu nại chưa được quy định cụ thể, còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại như pháp luật về đất đai, Luật Tố tụng hành chính còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Khiếu nại, tố cáo, chưa tạo sự thống nhất trong các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại… Chính vì vậy Luật Khiếu nại năm 2011 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 02 thông qua ngày 11/11/2011, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012 đã đưa ra những quy định mới nhằm khắc phục những nhược điểm này và ngày càng đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Sau khi được ban hành, Luật Khiếu nại trở thành văn bản quy phạm pháp luật cao nhất điều chỉnh hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại, đã khắc phục được những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành được xây dựng và ban hành sau khi Luật được thông qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đã được hình thành thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Luật Khiếu nại thể chế hóa quy định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết khiếu nại. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, Luật Khiếu nại quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, luật sư…. Các quy định này sẽ có tác động đến nhận thức của xã hội, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc giải quyết khiếu nại, việc thực hiện quyền khiếu nại, đồng thời thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ theo luật định nhằm góp phần giải quyết khiếu nại có hiệu quả.
Cùng với Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cũng được xây dựng với những quy định tập trung làm rõ về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước; vấn đề bảo vệ người tố cáo; quản lý về công tác giải quyết tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo. Việc xây dựng và ban hành Luật Tố cáo không chỉ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp nhận, giải quyết và xử lý tố cáo mà còn từng bước nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, đảm bảo hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo và củng cố lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước...
(Còn nữa)
TCTT