Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 1)
Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 2)
Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 3)
2.2. Vai trò, tác động của hoạt động đổi mới công tác tổ chức và đào tạo cán bộ đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bước đầu đánh giá tác động, hiệu quả của Chương trình POSCIS đem lại cho thấy kết quả đầu ra của các DAHP đã góp phần nâng cao đáng kể nhận thức của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, các chuyến công tác, hội thảo, khảo sát đã giúp đội ngũ cán bộ thanh tra tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho việc soạn thảo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các Nghị định, Thông tư, các quy chế, quy trình nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, POSCIS cũng hỗ trợ xây dựng các tài liệu đào tạo, các phương pháp nghiên cứu tình huống, cơ sở dữ liệu cũng như các khóa đào tạo, tập huấn, giúp nâng cao năng lực cán bộ, kỹ năng đào tạo và công tác giảng dạy cũng như trình độ xây dựng văn bản, nghiên cứu khoa học của cán bộ, công chức trong ngành; các văn bản được xây dựng, đưa vào áp dụng đã mang lại những tác động tích cực trong công tác quản lý chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, có tính thực tiễn cao trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã được nhân rộng.
Với sự hỗ trợ hiệu quả của Chương trình POSCIS, các Nghị định số 83/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ, Nghị định số 100/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra, Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của thanh tra các tỉnh, ngành lần lượt được xây dựng và ban hành đã góp phần đổi mới tổ chức thanh tra theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện thành công các nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao.
Có thể nhận thấy sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ với việc thành lập mới 3 Vụ chức năng được quy định tại Nghị định 83/2012/NĐ-CP là: Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp. Trong đó, Vụ Giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ giám sát hoạt động của các Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ; thẩm định báo cáo kết quả thanh tra của Trưởng các Đoàn thanh tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; xem xét, tham mưu cho Tổng Thanh tra giải quyết khiếu nại, kiến nghị về hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Vụ Kế hoạch - Tài chính là đơn vị tham mưu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ tổng hợp tình hình, kết quả công tác và xây dựng các báo cáo về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp xây dựng báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng để báo cáo, trình lãnh đạo Đảng, Quốc hội các kỳ họp; phát ngôn, cung cấp thông tin về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng của cơ quan Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra cho dự luận, báo chí theo quy chế; tham mưu cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ xây dựng chiến lược của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, xây dựng Định hướng chương trình thanh tra của ngành thanh tra hằng năm để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì phối hợp với các vụ, cục của Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra bộ, Thanh tra cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm; phối hợp với Trung tâm thông tin quản lý nội dung thông tin trên Website của Thanh tra Chính phủ. Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư có chức năng giúp Tổng Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư; chủ trì việc tiếp dân tại các trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; quản lý thống nhất việc xử lý đơn thư gửi đến Thanh tra Chính phủ; tổng hợp, báo cáo tình hình chung về công tác tác tiếp dân, xử lý đơn thư; hướng dẫn, trả lời công dân hoặc chuyển khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ chuyển đơn và yêu cầu giải quyết; hướng dẫn nghiệp vụ công tác tiếp dân, xử lý đơn thư trong phạm vi toàn quốc. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ đã góp phần thiết lập rõ từng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra nói chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng của các đơn vị chuyên trách để giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ một cách chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản lý, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Thanh tra và phù hợp với thực tiễn về công tác hiện nay.
Cùng với đó, việc ban hành Nghị định 97/2011/NĐ-CP về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra cũng là một bước đổi mới đáng kể. Trong điều kiện các quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra theo quy định tại Nghị định số 100/2007/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở Luật thanh tra năm 2004 nên một số quy định không còn phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010, Luật cán bộ, công chức 2008 cũng như thực tiễn quản lý, sử dụng thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra. Vì vậy, để thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và để phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, được sự hỗ trợ của Chương trình POSSCIS, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra thay thế Nghị định số 100/2007/NĐ-CP. Nghị định quy định cụ thể tiêu chuẩn các ngạch thanh tra viên; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm; điều kiện bảo đảm hoạt động đối với thanh tra viên... Trong đó, thanh tra viên phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ, thâm niên công tác như có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên; có thời gian ít nhất 2 năm làm công tác thanh tra... Nghị định này được ban hành đã góp phần đổi mới đáng kể công tác tuyển dụng cán bộ, giúp ngành Thanh tra tuyển chọn được những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu công việc.
Ngoài đổi mới công tác tổ chức, Chương trình POSCIS còn có những tác động tích cực, đem lại những thay đổi mang tính chiến lược trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo cho đội ngũ cán bộ của ngành Thanh tra. Trước thực trạng cơ cấu trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ thanh tra còn mang tính chắp vá, được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành. Bên cạnh đó, trước những yêu cầu hiện nay của quản lý nhà nước và hoạt động nghiệp vụ của ngành cho thấy nội dung chương trình đào tạo còn nhiều bất cập. Được sự hỗ trợ về kinh phí từ Chương trình, Trường Cán bộ Thanh tra (tiểu DAHP Thanh tra Chính phủ) đã xây dựng Đề án đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên, trong đó xây dựng mô hình kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; xây dựng khung chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra về nghiệp vụ thanh tra thí điểm và áp dụng. Qua đó, Trường CBTT đã xác định được mô hình bồi dưỡng, đào tạo mới phù hợp với thực tế công việc, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thanh tra về phần nghiệp vụ. Trong năm 2012 với các hoạt động được hỗ trợ, Trường CBTT về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng phương pháp giảng dạy hiện đại; xây dựng bài tập tình huống và giảng dạy bằng bài tập tình huống; đổi mới khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra cho 3 đối tượng: thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, hiện nay, khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra cho 3 đối tượng: thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp, công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành cũng đang trong quá trình hoàn thiện, với các nội dung được biên tập phù hợp với Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình cũ, tăng cường trao đổi thảo luận và đi thực tế cơ sở, phát triển kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Với những đổi mới căn bản về chương trình đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy, chắc chắn sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thanh tra, để đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
|
|
3. Thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3.1. Những kết quả nổi bật.
Việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Thanh tra trong khuôn khổ Chương trình POSCIS được thực hiện trên một số lĩnh vực hoạt động cụ thể như: xây dựng cổng thông tin điện tử, xây dựng các phần mềm hỗ trợ, đặc biệt là trong xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại của công dân. Trong gần 2 năm thực hiện, hầu hết các DAHP đều hoàn thành số lượng các hoạt động. Một số kết quả đầu ra hoàn thành được áp dụng trong các cơ quan Thanh tra đã hỗ trợ ngành Thanh tra thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm một cách thiết thực và hiệu quả, qua đó khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Chương trình trong việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện các hoạt động của DAHP Thanh tra Chính phủ, Trung tâm Thông tin đã xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo. Đây là một giải pháp phần mềm quản lý tương đối toàn diện và hiệu quả quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ cũng đã được xây dựng trên cơ sở khảo sát, phân tích thiết kế hệ thống, lập trình xây dựng hệ thống. Đến nay, Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ đang hoạt động hiệu quả, là địa chỉ cung cấp thông tin tổng hợp về các mặt công tác của ngành Thanh tra, trong đó có công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, là kênh thông tin quan trọng, hữu ích gắn kết người dân, các cơ quan, tổ chức với Thanh tra Chính phủ. Cùng với Trung tâm Thông tin, Báo Thanh tra và Tạp chí Thanh tra là hai đơn vị thuộc DAHP Thanh tra Chính phủ đã lần lượt ra mắt trang điện tử Thanhtra.com.vn và ThanhtraVietnam.vn, trong đó có các chuyên mục với nhiều bài viết cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định của Đảng và Nhà nước, của ngành Thanh tra về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ảnh khá đầy đủ kết quả hoạt động công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, Chương trình cũng hỗ trợ Báo và Tạp chí Thanh tra mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc, phương tiện làm việc cần thiết. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, Trang điện tử của Báo Thanh tra và Tạp chí Thanh tra đã có số lượng người truy cập hàng ngày lớn và đang từng bước được cải thiện, nâng cao về nội dung, hình thức để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cán bộ trong ngành và xã hội.
Tại DAHP Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được sự hỗ trợ của Chương trình, website của Thanh tra Bộ đã được nâng cấp để phục vụ việc tra cứu cho đội ngũ cán bộ của ngành và trở thành diễn đàn trao đổi nghiệp vụ, công khai hóa kết quả hoạt động của thanh tra ngành kế hoạch và đầu tư. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc nâng cấp và vận hành Website. Phần mềm quản lý và lưu trữ tài liệu, hồ sơ của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả cao, vừa góp phần bảo quản an toàn hồ sơ, tài liệu, không để tài liệu lưu trữ bị hư hỏng hoặc mất mát, vừa thuận tiện cho việc tìm kiếm, tra cứu tài liệu, hồ sơ trong những trường hợp cần thiết. DAHP Thanh tra Bộ Công an cũng đã được trang bị đồng bộ thiết bị giám sát an ninh cho các địa điểm tiếp công dân, đồng thời trang bị thiết bị công nghệ thông tin hiện đại nhằm phục vụ công tác cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các DAHP Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng và bước đầu duy trì, phát triển thành công Cổng thông tin điện tử của ngành mình. Đặc biệt, Cổng Thông tin Thanh tra Hà Tĩnh (địa chỉ truy cập: http://thanhtrahatinh.gov.vn), kể từ ngày khai trương 25/4/2011 đến ngày 10/12/2012 đã có gần 1.937 tin, bài được duyệt đưa lên Cổng TTĐT và có hơn 7.990.000 lượt người truy cập khai thác thông tin trên Cổng TTĐT, bước đầu đáp ứng mục tiêu chính là tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong ngành Thanh tra Hà Tĩnh, công bố các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, trả lời đơn thư của công dân… được bạn đọc trong và ngoài tỉnh quan tâm đánh giá cao. Mô hình quản lý, điều hành trong ngành Thanh tra Hà Tĩnh thông qua Website cũng được xây dựng và tổ chức thực hiện (đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng 03 hệ thống camera quan sát, theo dõi hỗ trợ quản lý, chỉ đạo, giám sát hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong ngành). Thanh tra tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng hệ thống đối thoại và hỗ trợ tiếp công dân trực tuyến với các hoạt động như: xây dựng hệ thống trợ giúp người dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và tự động hiển thị thông tin tra cứu; cung cấp trang thiết bị hỗ trợ hệ thống cho 2 phòng tiếp công dân và tổ chức đối thoại (1 ở tỉnh và 01 ở thanh tra huyện, thị xã, thành phố), lắp đặt 4 bảng điện tử cho các hoạt động tuyên truyền ở 4 thành phố/ huyện/ thị xã có mật độ dân số cao, gồm: U Minh Thượng, Tứ Giác Long Xuyên, thành phố Rạch Giá, huyện Phú Quốc.
Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan thanh tra theo Văn kiện Chương trình chưa được đồng bộ và đúng mức với giá trị đầu tư còn hạn chế, chủ yếu là đầu tư ba đầu nên rất khó có điều kiện để phát triển và nhân rộng. Điều này không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay bởi sự thay đổi nhanh chóng và tác động rõ rệt của công nghệ thông tin trong điều hành, tác nghiệp của mỗi cơ quan hành chính đã khẳng định công nghệ thông tin cần được tiếp tục đầu tư đúng mức.
(Còn nữa)
TCTT