Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 5)

Thứ sáu, 11/01/2013 16:10
(ThanhtraVietnam) - Ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đơn thư trùng lắp, tập trung đơn thư về một đầu mối, đảm bảo tính chính xác của các số liệu báo cáo và hỗ trợ cho việc điều hành trực tuyến. 


Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 1)

Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 2)

Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 3)

Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (Bài 4)

3.2. Vai trò, tác động của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

Thời gian qua, các ngành, các cấp nói chung và Thanh tra các tỉnh, thành trong cả nước nói riêng đã có nhiều cố gắng trong công tác xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng cũng như các vụ việc mới phát sinh đã được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở, qua đó góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, hiện tượng đơn thư trùng lắp, sự chồng cháy, đùn đẩy trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và những khó khăn trong công tác thống kê, báo cáo các số liệu liên quan đến khiếu nại, tố cáo đã phần nào ảnh hưởng đến việc đánh giá về diễn biến, tình hình khiếu nại, tố cáo cũng như hiệu quả của công tác này. Được sự hỗ trợ của Chương trình POSSCIS, Trung tâm Thông tin thuộc DAHP Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, nhằm từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay. Một số DAHP thanh tra các tỉnh, thành phố, bộ, ngành cũng đã xây dựng các phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, hệ thống đối thoại và hỗ trợ tiếp công dân trực tuyến.

Ưu điểm của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về cơ bản đã khắc phục được tình trạng đơn thư trùng lắp, tập trung đơn thư về một đầu mối, đảm bảo tính chính xác của các số liệu báo cáo và hỗ trợ cho việc điều hành trực tuyến. Đáng chú ý, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo và phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo do Trung tâm thông tin thuộc DAHP Thanh tra Chính phủ xây dựng đã bám sát các quy trình nghiệp vụ, góp phần phục vụ công tác xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc ứng dụng thành công hệ thống cơ sở này không chỉ có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo mà còn góp phần nâng cao hơn nữa vị thế của ngành Thanh tra. Hiệu quả rõ rệt nhất hiện nay, là đã bước đầu xử lý được tình trạng đơn thư trùng lắp. Nếu như trước đây, cán bộ xử lý đơn thư phải mất rất nhiều thời gian để phân loại các đơn thư thì với hệ thống cơ sở dữ liệu này, bộ phận xử lý đơn thư đã nhận biết được ngay đơn thư này có trùng lắp hay không. Do đó, đã rút ngắn thời gian giải quyết các công việc, giảm bớt các khâu trung gian trong quá trình xử lý đơn thư. Việc xử lý theo phương thức thủ công đã được thay thế bằng việc xử lý trên máy tính, góp phần tăng hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian, nhân lực và chi phí cho nghiệp vụ nhập hồ sơ xử lý đơn thư, phân loại đơn thư, cập nhật quá trình xử lý đơn thư. Bên cạnh đó, công tác tổng hợp, báo cáo cũng đã có sự thuận lợi hơn, chính xác và chi tiết hơn. Với những số liệu thống kê đó, hệ thống cũng đã vẽ được những đặc tuyến về mỗi lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, từ đó ghi nhận, so sánh, đối chiếu về tình hình, diễn biến khiếu nại, tố cáo trong từng thời điểm cụ thể. Trong trường hợp số liệu thống kê cho thấy khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng, hệ thống sẽ tự động đưa ra sự cảnh báo cùng các giải pháp khắc phục.

Có thể thấy, thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, việc thống kê các nội dung khiếu nại, tố cáo theo từng lĩnh vực hay theo thời gian đã được thực hiện chính xác hơn, đặc biệt, những khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng đã được hệ thống tự động chuyển sang cơ sở dữ liệu về phòng, chống tham nhũng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thực sự là một giải pháp tương đối toàn diện và hiệu quả quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Bên cạnh đó, Chương trình POSCIS cũng đã hỗ trợ các DAHP mua sắm các trang thiết bị cần thiết để nâng cấp và vận hành các Cổng thông tin giao tiếp điện tử. Các website này hiện đang hoạt động có hiệu quả, trở thành công cụ quan trọng để thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của ngành Thanh tra nói chung, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng, là cầu nối thông tin giữa cơ quan thanh tra và người dân. Trên các Cổng thông tin giao tiếp điện tử không chỉ hướng dẫn cụ thể tất cả các thủ tục hành chính mà các văn bản pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành và các thông tin liên quan đến hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được cập nhật một cách có hệ thống. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo mà còn đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan thanh tra. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn góp phần đổi mới phương thức quản lý thông tin trong các cơ quan thanh tra, tạo thói quen làm việc của cán bộ, công chức trên môi trường mạng và hệ thống thông tin trợ giúp, thay thế văn bản giấy thông thường.

IV. Kiến nghị

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể nói, Chương trình POSCIS đã có những tác động tích cực và giữ vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai Chương trình cũng còn một số bất cập, hạn chế, do đó đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả hỗ trợ của Chương trình. Để đảm bảo các hoạt động của Chương trình được triển khai thực hiện một cách hiệu quả theo mục tiêu đề ra, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, cần thay đổi cách tiếp cận về xây dựng thể chế, trong đó xác định vai trò chủ đạo của DAHP Thanh tra Chính phủ phù hợp với các quy định hiện hành, mang tính thống nhất cho toàn ngành. Điều chỉnh và hạn chế tối đa các hoạt động xây dựng quy trình quy chế dẫn đến việc thiếu thống nhất và trùng lắp đối với các DAHP. Xem xét các yếu tố kỹ thuật trong xây dựng thể chế nhằm đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng và tiến độ qua việc cơ cấu lại số lượng hội thảo, đối tượng tham gia, thời gian hoàn thành... khi triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó cần tổ chức việc rà soát, tổng kết, chia sẻ và rút kinh nghiệm về công tác xây dựng thể chế trong toàn Chương trình để xem xét các sản phẩm đầu ra có đạt chất lượng và phù hợp hay không, qua đó định hướng việc áp dụng hoặc nhân rộng trong toàn ngành.       

Hai là, DAHP Thanh tra Chính phủ cần tiếp tục có sự phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan thanh tra nhà nước. 

Ba là, tập trung xây dựng tài liệu bổ trợ kỹ năng chuyên sâu đối với lĩnh vực công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục có biện pháp để xây dựng tài liệu và tổ chức các lớp kỹ năng cho đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra. Phát huy vai trò của Chương trình trong việc điều phối các hoạt động khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế thông qua xác định nội dung, địa điểm học tập, yêu cầu về kết quả cũng như sự phối kết hợp giữa các đơn vị tham gia Chương trình đối với việc học tập kinh nghiệm quốc tế. Ngoài ra, cần xem xét thay đổi phương thức học tập cho đội ngũ cán bộ trong ngành.

Bốn là, hiện đại hóa hành chính qua việc tiếp tục đầu tư công nghệ thông tin cho Chương trình thông qua việc xây dựng các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia, tích hợp một số phần mềm cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia kết nối trong toàn Chương trình cũng như các cơ quan có liên quan, xây dựng các phần mềm về nghiệp vụ để tiến tới việc kết nối Chương trình và toàn ngành./. 

TCTT

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra