Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (Bài 1)

Thứ hai, 21/01/2013 09:25
(ThanhtraVietnam) - Qua đánh giá công tác này trong thời gian từ 2006 đến nay cho thấy, vấn đề tồn tại cơ bản nhất là hiệu quả hoạt động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng của ngành Thanh tra còn chưa cao.

I. TỔNG QUAN CHUNG

1. Chương trình “Tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra giai đoạn 2009 - 2014” - Chương trình POSCIS được xây dựng và phê duyệt trong bối cảnh ngành Thanh tra nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới trong quá trình đổi mới và phát triển. Đây là giai đoạn nước rút cho việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, chương trình và kế hoạch quan trọng như thực hiện Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010; Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010... Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước tiếp tục khẳng định cam kết và quyết tâm mạnh mẽ nhằm từng bước kiểm soát, tiến tới đầy lùi tệ nạn này thông qua nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X (năm 2006); Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (năm 2009); việc phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (năm 2009)...

2. Nhằm tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức, Chương trình POSCIS trọng tâm hỗ trợ ngành Thanh tra xây dựng năng lực toàn diện trên các lĩnh vực công tác, bao gồm cả năng lực thể chế, năng lực tổ chức và năng lực thực thi trên cả 3 lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, với cách tiếp cận cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, Chương trình cũng hướng tới việc xây dựng và thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực mang tính bền vững dựa trên những định hướng đổi mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung. Bên cạnh đó, với cách tiếp cận ngành, Chương trình cũng được thiết kế nhằm tạo ra những tác động mang tính lan tỏa, đặc biệt là thông qua các hoạt động tập huấn, tổng kết và đánh giá thực tiễn tốt để qua đó nhân rộng, triển khai áp dụng trong toàn ngành Thanh tra. Xuất phát từ tầm nhìn của ngành Thanh tra đến năm 2020, Chương trình hướng tới đạt được các mục tiêu sau:

- Mục tiêu chung: Xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyên nghiệp, hiện đại và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

- Mục tiêu cụ thể 1: Tăng cường tính chuyên nghiệp của hoạt động thanh tra thông qua việc chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ thanh tra, thông qua việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, và thông qua việc phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý để trở thành động lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước.

- Mục tiêu cụ thể 2: Tăng cường vai trò của ngành Thanh tra trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, đổi mới mô hình tiếp dân theo hướng đơn giản hoá thủ tục, hoàn thiện chính sách, pháp luật và chuẩn hoá các quy trình có liên quan, với việc tính đến những khác biệt giữa nông thôn và thành thị.

- Mục tiêu cụ thể 3: Tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành Thanh tra trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thông qua việc củng cố bộ phận chuyên trách và xây dựng hệ thống cảnh báo rủi ro.

- Mục tiêu cụ thể 4: Đổi mới công tác quản lý cán bộ nhằm thu hút nhân tài và tránh những rủi ro của tình trạng biến động về đội ngũ cán bộ.

- Mục tiêu cụ thể 5: Đổi mới công tác nghiên cứu và đào tạo nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu từ 1 đến 4.

- Mục tiêu cụ thể 6: Tăng cường quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát.

- Mục tiêu cụ thể 7: Tăng cường quan hệ giữa ngành Thanh tra và công chúng theo hướng công khai, minh bạch.

- Mục tiêu cụ thể 8: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đạt được các mục tiêu từ 1 đến 7.

- Mục tiêu cụ thể  9: Xây dựng năng lực cho việc theo dõi giám sát dựa trên kết quả để đánh giá tác động của các mục tiêu từ 1 đến 8.

II. CÁC VẤN ĐỀ ĐƯỢC NHẬN DIỆN VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG KHUÔN KHỔ CHƯƠNG TRÌNH POSCIS

1. Các vấn đề được nhận diện:

1.1. Vấn đề tồn tại

Qua đánh giá công tác này trong thời gian từ 2006 đến nay cho thấy, vấn đề tồn tại cơ bản nhất là hiệu quả hoạt động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng của ngành Thanh tra còn chưa cao.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng được thể hiện thông qua: (i) hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp phát hiện tham nhũng; (ii) những kiến nghị qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp khắc phục những lỗ hổng trong quản lý nhà nước, giảm thiểu cơ hội tham nhũng; (iii) xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; (iv) xây dựng, vận hành hệ thống dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng; (v) xây dựng Báo cáo của Chính phủ về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước trình Quốc hội. Tuy nhiên, vai trò nói trên của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa được phát huy đúng mức, với những biểu hiện cụ thể sau:

- Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa hoàn thiện; hệ thống dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng chưa hình thành; chất lượng các báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng trình Quốc hội chưa cao;

- Hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn yếu và chưa đi vào chiều sâu;

- Tỷ lệ số vụ việc tham nhũng phát hiện qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên tổng số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn thấp;

- Những sai phạm dẫn đến tham nhũng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước chậm được khắc phục.

1.2. Nguyên nhân

Thực trạng trên được phân tích xuất phát từ một số nguyên nhân chính dưới đây:

a) Thứ nhất là bộ phận chuyên trách về phòng chống tham nhũng của TTCP và các cơ quan thanh tra nhà nước chậm được kiện toàn và còn thiếu rõ ràng trong tổ chức, hoạt động.

Một trong những vai trò quan trọng của các cơ quan thanh tra nhà nước trong phòng chống tham nhũng được thể hiện thông qua công tác thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, Cục phòng chống tham nhũng của TTCP mới được thành lập, vẫn còn đang trong giai đoạn kiện toàn tổ chức; tổ chức bộ phận làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng chuyên trách trong các cơ quan thanh tra nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh chưa được xác định rõ, thể hiện ở một số khía cạnh sau:

- Chưa có sự phân định rõ giữa thanh tra kinh tế - xã hội với thanh tra phòng, chống tham nhũng về chức năng, nội dung, đối tượng và quy trình nghiệp vụ;

- Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục mới được xây dựng bắt đầu từ năm 2007 (được hỗ trợ trong Giai đoạn khởi động Chương trình);

- Quy trình thanh tra phòng, chống tham nhũng mới được xây dựng bắt đầu từ năm 2007 (được hỗ trợ trong Giai đoạn khởi động Chương trình);

- Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chức năng phòng ngừa và phát hiện tham nhũng đối với các cơ quan thanh tra cấp bộ, cấp tỉnh.

b) Thứ hai là chưa thiết lập hệ thống cảnh báo nguy cơ tham nhũng (rủi ro) trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thông qua hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chức năng cảnh báo nguy cơ tham nhũng và góp phần loại bỏ các cơ hội tham nhũng. Tuy nhiên, trên thực tế, chức năng này chưa được thực hiện tốt, với một số biểu hiện cụ thể như sau :

- Thiếu hệ thống chỉ số đo lường về thực trạng tham nhũng;

- Thiếu hệ thống chẩn đoán, dự báo tình hình tham nhũng;

- Thiếu hệ thống tiêu chí cảnh báo nguy cơ tham nhũng;

- Thiếu cơ chế theo dõi, giám sát việc khắc phục các nguy cơ tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

- Thiếu hệ thống các biện pháp phòng, chống tham nhũng đồng bộ, trung hạn và dài hạn trên các lĩnh vực quản lý nhà nước;

- Có trường hợp tham nhũng phát sinh ngay trên các lĩnh vực đã qua thanh tra.

c) Thứ ba là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát và các tổ chức xã hội, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng đạt hiệu quả chưa cao.

Với vai trò quan trọng và chủ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng, ngành Thanh tra cần phải xây dựng được mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, cũng như với xã hội nói chung, đặc biệt là cơ quan kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí… Mặc dù, pháp luật hiện hành đã quy định, song trên thực tế, công tác phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế với những biểu hiện cụ thể như sau:

- Thiếu cơ chế xác định, xử lý trách nhiệm trong trường hợp có sự khác biệt ý kiến giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra và kiểm sát về cùng một hành vi vi phạm pháp luật;

- Tính kế thừa về hồ sơ và kết quả giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát còn thấp, đặc biệt là trong việc thực hiện xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức và xử lý tài sản nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát;

- Thiếu biện pháp cụ thể nhằm thực hiện cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các tổ chức xã hội, báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về phòng, chống tham nhũng.

d) Thứ tư là đội ngũ cán bộ thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Mặc dù nguyên nhân này được nhận diện trong cả ba mảng công tác chính của ngành Thanh tra. Chỉ xét riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng, nguyên nhân này được biểu hiện dưới một số khía cạnh sau:

- Nội dung, trình tự, thủ tục thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn là những vấn đề mới đối với đội ngũ cán bộ thanh tra;

- Nội dung tham mưu, kiến nghị giải pháp kiện toàn cơ chế quản lý, hoàn thiện chính sách, pháp luật nói chung và phòng, chống tham nhũng nói riêng còn hạn chế. 

(Còn nữa)

 
TCTT

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra