Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (Bài 3)

Thứ tư, 23/01/2013 16:16
(ThanhtraVietnam) - Mặc dù quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, song Chương trình POSCIS đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần tăng cường năng lực của ngành Thanh tra trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.


Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (Bài 1)

Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (Bài 2)

IV. NHỮNG KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH POSCIS GIAI ĐOẠN 2009 - 2012

Mặc dù quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do những yếu tố tác động như đã phân tích ở trên, song Chương trình POSCIS đã đạt được những kết quả quan trọng góp phần tăng cường năng lực của ngành Thanh tra trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Những kết quả đạt được thể hiện trên một số mặt sau:

1. Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng:

Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình đã dần từng bước xây dựng và hoàn thiện thể chế nhằm tạo khuôn khổ pháp luật toàn diện trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Theo đó, các văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành. Cụ thể như sau:

1.1. Hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

 a) Luật thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới so với Luật thanh tra năm 2004. Xét dưới góc độ phòng, chống tham nhũng, Luật thanh tra năm 2010 đã đưa ra nhiều quy định quan trọng, bao gồm:

- Thứ nhất là tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra nhằm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng phát sinh trong lĩnh vực hoạt động này như công khai kết luận thanh tra; việc gửi kế hoạch thanh tra cho các đối tượng thanh tra;

- Thứ hai là tăng cường các biện pháp phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng thông qua cơ chế kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của các kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên đối với cơ quan thanh tra nhà nước cấp dưới; chế định thanh tra lại nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động thanh tra; chế định theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng;

- Thứ ba là tăng cường cơ chế phối hợp giữa các có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng, đặc biệt là giữa cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân các cấp với việc ban hành Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

b) Luật khiếu nại và Luật tố cáo năm 2011 được Quốc hội thông qua với nhiều quy định quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, cụ thể:

- Thứ nhất là tạo điều kiện tối đa cho người dân trong việc khiếu nại các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước để họ có thể lựa chọn phương thức bảo vệ quyền phù hợp, tránh nhũng nhiễu hoặc gây phiền hà từ phía cơ quan nhà nước;

- Thứ hai là tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại hành chính thông qua quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin về vụ việc, về kết quả thụ lý và giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, việc quy định quyền yêu cầu tổ chức đối thoại của người khiếu nại và nghĩa vụ tổ chức đối thoại của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân khi có xung đột với các cơ quan nhà nước;

- Thứ ba là nâng cao vai trò của luật sư, cộng tác viên pháp lý trong việc đại diện cho người dân khi làm việc với các cơ quan nhà nước nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Theo đó, khi được ủy quyền, luật sư có thể thực hiện các quyền của người khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại;

- Thứ tư là quy định các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo và những người thân thích của họ, gồm vợ/ chồng; bố, mẹ, anh chị em ruột và con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Các biện pháp bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, vị trí công tác hoặc việc làm của người tố cáo và những người thân thích của họ. Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng của pháp luật Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tố cáo và tham gia một cách chủ động vào phát hiện các hành vi tham nhũng.

1.2. Pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến quan trọng nhằm khắc phục tính hình thức trong việc thực hiện các giải pháp cụ thể.

a) Luật phòng, chống tham nhũng được sửa đổi theo hướng tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cụ thể như sau

- Bãi bỏ quy định liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (khoản 4 Điều 55 và Điều 73). Theo đó, thực hiện Kết luận Trung ương 5 khóa XI, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng đã bỏ cụm từ “Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng” tại khoản 4 Điều 55 và bãi bỏ Điều 73, Luật phòng, chống tham nhũng. Như vậy, ở Trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng; ở địa phương sẽ không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng, không quy định trong Luật;

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai, minh bạch. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 2 Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng về hình thức công khai. Theo đó, các hình thức công khai bắt buộc mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lựa chọn được quy định từ điểm b đến điểm e (khoản 1 Điều 12, Luật phòng, chống tham nhũng) khi pháp luật không có quy định về hình thức công khai. Các hình thức này bao gồm: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa lên trang thông tin điện tử. Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thêm hình thức công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân (điểm a, điểm g khoản 1 Điều 12, Luật phòng, chống tham nhũng);

- Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định thêm một số lĩnh vực công khai, minh bạch như công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản; trong quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Điều 14; trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thu phí, lệ phí phải công khai căn cứ tính mức thu, số thu thực tế, đối tượng miễn, giảm và căn cứ miễn, giảm các khoản thu ngân sách; trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung gồm vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc lập và sử dụng quỹ, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng. Đồng thời, định kỳ hằng năm, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm báo cáo về các nội dung công khai ở trên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp; làm rõ nội dung phải được công khai liên quan đến doanh nghiệp được cổ phần hóa, bao gồm: báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng cổ phần hóa khép kín hoặc biển thủ tiền, tài sản của Nhà nước trong quá trình thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp trong việc công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có); đổi tên Điều 21 về công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất thành công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời bổ sung thêm quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước; trong quản lý nhà nước về môi trường. Nội dung thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực này tập trung vào điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức; sửa đổi khoản 2 và bổ sung thêm khoản 3 vào Điều 23 về công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục, cũng như các khoản đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục đối với cơ quan quản lý giáo dục; cam kết chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí và các khoản thu, chi tài chính khác đối với cơ sở giáo dục công lập; bổ sung thêm các Điều 26a về công khai, minh bạch trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; Điều 26b về công khai, minh bạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Điều 26 c về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; Điều 26d về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách dân tộc; sửa đổi, bổ sung Điều 30 về công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ. Theo đó, mọi nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ từ tuyển dụng, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí, chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đến nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc trong cơ quan, tổ chức;

- Sửa đổi khoản 3 Điều 32 về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước liên quan đến việc thông báo cho người dân biết khi chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ; bổ sung Điều 32a quy định về trách nhiệm giải trình. Theo đó, khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình;

- Bổ sung Điều 46a về công khai bản kê khai tài sản. Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai trong khoảng thời gian từ 01 tháng 1 đến 31 tháng 3 hằng năm dưới hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục;

- Bổ sung Điều 46b về nghĩa vụ giải trình tài sản tăng. Theo đó, trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong kỳ kê khai. Đồng thời, Luật đã giao Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm, việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục của việc giải trình;

- Sửa đổi, bổ sung Điều 47 về xác minh tài sản nhằm quy định rõ hơn về căn cứ xác minh tài sản trên tinh thần Kết luận Trung ương 5 khóa XI của Đảng;

- Bổ sung Điều 47a về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản. Ngoài ra, để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền trong những lĩnh vực này có quyền yêu cầu xác minh tài sản để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi vi pháp luật liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xác minh tài sản vào khoản 6 Điều 48;

- Bổ sung thêm Điều 53a về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Đồng thời khoản 2 Điều 53a cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời này khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ.

Tuy nhiên, nhằm hạn chế việc sử dụng các biện pháp này vào mục đích trái pháp luật, khoản 3 Điều 53a quy định về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, cũng như thông báo công khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và khôi phục quyền, lợi ích pháp cho cán bộ, công chức, viên chức khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng; khoản 4 Điều 53a đã giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.

b) Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp trong thanh tra, kiểm tra và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng:

Ngoài việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng, trong khuôn khổ Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, tỉnh, thành phố tham gia Chương trình cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả và cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra và phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng như Thông tư liên tịch số 12/2011/TTLT-TTCP-VKSTC-TATC-KTNN-BCA ngày 15/12/2011 quy định việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng; Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/1/2011 quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra và nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng khác

(Còn nữa)

TCTT

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra