Vai trò, tác động của Chương trình Poscis đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 1)

Thứ năm, 27/12/2012 09:32
(ThanhtraVietnam) - Với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Chương trình POSCIS, sự nỗ lực, cố gắng của Ban Quản lý các Dự án của Thanh tra Chính phủ, Ban Quản lý các Dự án hợp phần và các đơn vị tham gia, việc triển khai thực hiện các hoạt động tại các Dự án hợp phần và của cả Chương trình trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng cường năng lực tổng thể của ngành Thanh tra.

Đối với hoạt động thanh tra, các hoạt động cùng với sản phẩm của các Dự án hợp phần, của toàn Chương trình đã hỗ trợ trực tiếp và đắc lực trên các mặt công tác: xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về thanh tra... qua đó phục vụ thiết thực cho việc đổi mới, kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

TTCP tổ chức Hội nghị tập huấn diện rộng về Thông tư 02/2012/TT-TTCP bằng nguồn kinh phí tài trợ của Chương trình POSCIS

1.Góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về thanh tra

Gắn với triển khai các hoạt động thuộc Chương trình POSCIS, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật của ngành nói chung, thể chế pháp luật về thanh tra nói riêng đã được tích cực đẩy mạnh, đặt cơ sở và điều kiện pháp lý thuận lợi cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra.

Trong đó, đáng chú ý là với sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, Luật thanh tra do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 15/11/2010 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2011, đánh dấu một bước tiến mới trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức và hoạt động thanh tra. Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị định hướng dẫn để triển khai thực hiện Luật thanh tra năm 2010 như: Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra; Nghị định số 97/2011/NĐ- CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành; Nghị định số 83/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;...Với sự hỗ trợ của Chương trình POSCIS, Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành và đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định của Chính phủ về tổ chức cơ quan thanh tra, về hoạt động thanh tra như: ban hành Thông  tư số 02/2012/TT-TTCP ngày 13/7/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Bộ Nội vụ sửa đổi Thông tư liên tịch số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xây dựng Quy trình kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra...

Hội thảo về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng

Ở cấp độ Thanh tra ngành, địa phương, thông qua triển khai các hoạt động của Dự án hợp phần, Thanh tra một số Bộ, tỉnh, thành phố đã giúp cơ quan quản lý cùng cấp xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, quy trình, quy chế về tổ chức và hoạt động thanh tra nhằm đưa công tác thanh tra của nghành, địa phương đáp ứng và phù hợp với những quy định của Luật thanh tra năm 2010. Cụ thể như:

- Thanh tra Bộ Tài chính giúp Bộ Tài chính xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2012/NĐ- CP ngày 09/10/2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính. Thanh tra Bộ cũng chủ trì soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành Quy trình thanh tra tài chính đối với các dự án đầu tư, xây dựng (ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-BTC ngày 05/7/2011); Quy trình thanh tra tài chính tại các cơ quan hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 1692/QĐ-BTC ngày 18/7/2011); Quy trình thanh tra  giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá và nhà nước bình ổn giá (ban hành kèm theo Quyết định số 2126/QĐ-BTC ngày 01/9/2011); Quy trình thanh tra ngân sách địa phương cấp tỉnh, thành phố; Quy trình thanh tra tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập; Quy trình thanh tra tài chính các doanh nghiệp...

- Thanh tra Bộ Nội vụ giúp Bộ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ...

- Thanh tra Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì soạn thảo trình Bộ trưởng ban hành các Quy trình: thanh tra về dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước; thanh tra về đấu thầu...

-  Thanh tra Bộ Công an giúp Thủ trưởng Bộ xây dựng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra CAND; quy định về hệ thống tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên CAND...

- Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh chủ trì soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành Quy định chế độ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, KNTC, PCTN của Thủ trưởng các cấp, ngành trong tỉnh Hà Tĩnh (ngày 19/9/2011); Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh (ngày 22/11/2012). Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn chủ trì phối hợp với các sở, ngành hữu quan xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thanh tra giữa Thanh tra tỉnh với các cơ quan Sở Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh Hà Tĩnh (ngày 28/9/2011); ra Quyết định ban hành Quy định về việc quản lý, chỉ đạo điều hành hoạt động Đoàn thanh tra (ngày 20/7/2012); ban hành Cơ chế giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, thanh tra viên trong nội bộ Thanh tra Hà Tĩnh;...

- Thanh tra tỉnh Khánh Hòa chủ trì soạn thảo trình UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh; các Quy trình thanh tra chấp hành pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thanh tra tỉnh còn xây dựng và cho áp dụng thí điểm hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 9000: 2008 cho các Quy trình thanh tra trách nhiệm nói trên...

- Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã xây dựng, ban hành các Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra tỉnh với UBKT tỉnh ủy (ngày 01/08/2011); Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra tỉnh với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng (ngày 28/11/2011); Quy chế phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giữa Thanh tra tỉnh với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về phòng, chống tham nhũng (ngày 29/11/2011); Quy chế thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (ngày 18/01/2012); Quy trình khảo sát thu thập thông tin trong xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (ngày 09/07/2012); Quy chế trưng tập công chức, viên chức của các ngành khác tham gia hoạt động với các Đoàn thanh tra trên địa bàn tỉnh Kiên Giang (ngày 09/07/2012)...

- Thanh tra TP. Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo trình UBND thành phố ban hành Quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất đai (ngày 8/1/2011); đồng thời ban hành một số quy trình, quy chế như: Quy chế tuyển dụng cán bộ, công chức cho ngành Thanh tra thành phố...

Như vậy, có thể thấy, thông qua triển khai các hoạt động thuộc Chương trình POSCIS, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành về tổ chức và hoạt động thanh tra đã được xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện trên thực tế. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ quan thanh tra, cho hoạt động thanh tra để đáp ứng những yêu cầu đang đặt ra trong thực tiễn công tác thanh tra và quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, nó cũng xác lập và thúc đẩy việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả thanh tra theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Nhà nước của dân, do dân và vì dân theo chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta...

(Còn nữa)

TCTT

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra