Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 2)

Thứ sáu, 28/12/2012 15:24
(ThanhtraVietnam) - Tựu trung lại, sự ra đời của hàng loạt các văn bản, quy định trên cơ sở hỗ trợ của Chương trình POSCIS, gắn với triển khai các hoạt động của Chương trình đã có những tác động rất tích cực và quan trọng đối với việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, tăng cường năng lực của bộ máy các cơ quan thanh tra và đội ngũ cán bộ thanh tra, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Tin liên quan:

>
Vai trò, tác động của Chương trình Poscis đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 1)

1. Nâng cao địa vị pháp lý, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tính độc lập tương đối của các cơ quan Thanh tra nhà nước

Những quy định mới của pháp luật, nhất là của Luật thanh tra năm 2010 đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thanh tra trước đây, đó là chưa thể hiện rõ vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý, điều hành của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Luật thanh tra cũ cũng chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng tiến hành thanh tra theo thẩm quyền của các cơ quan thanh tra.  Vì vậy, trên thực tế có nơi coi thanh tra chỉ đơn thuần là công cụ của Thủ trưởng cơ quan quản lý. Trong hoạt động, các cơ quan thanh tra chưa phát huy được tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo quy định cũ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cũng chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngoại trừ Thanh tra Chính phủ, các cơ quan thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật không có quyền ra quyết định thanh tra. Luật thanh tra trước đây cũng chưa quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho các cơ quan thanh tra để thực hiện việc tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; chưa quy định các cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp thanh tra lại những vụ việc đã được cơ quan cấp dưới thanh tra và kết luận song có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Để khắc phục những nhược điểm đó, Luật thanh tra năm 2010 đã quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng thanh tra tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối. Các cơ quan thanh tra không chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ trưởng cơ quan quản lý mà còn là cơ quan chức năng, có tính độc lập tương đối trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan thanh tra vừa là công cụ phục vụ quản lý, vừa là cơ quan kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền việc tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Cụ thể, đối với Thanh tra Chính phủ được xác định vừa là cơ quan ngang bộ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng vừa là cơ quan thực hiện hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định thanh tra của mình. Đối với các cơ quan thanh tra khác cũng được tổ chức theo hướng này.

Để nâng cao vai trò, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan Thanh tra nhà nước, Luật thanh tra năm 2010 đã quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra. Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ lập kế hoạch thanh tra của mình để triển khai thực hiện; các cơ quan thanh tra khác có quyền chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra của cấp mình trình Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phê duyệt. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan Thanh tra nhà nước có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp (các Điều 15, 16, 18, 19, 21, 22, 24, 25, 27 và 28); quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định việc tiến hành thanh tra đối với vụ việc đó (điểm c khoản 2 Điều 16, điểm c khoản 2 Điều 19, điểm c khoản 2 Điều 22); quy định Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước có quyền quyết định thanh tra lại đối với các vụ việc thanh tra đã được Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp kết luận nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi được Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao hoặc tự mình quyết định việc thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan Thanh tra nhà nước cấp dưới trực tiếp kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật (điểm b khoản 2 Điều 16, điểm b khoản 2 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 22, điểm b khoản 2 Điều 25)…

Luật Thanh tra năm 2010 cũng phân biệt rõ hơn chức năng quản lý nhà nước với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý nhà nước với nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra của cơ quan này. Điều 5 của Luật quy định về chức năng của cơ quan Thanh tra nhà nước như sau:“Cơ quan Thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật”. Trên cơ sở đó, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra đã cụ thể hóa chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan Thanh tra nhà nước.  Có thể nói, các quy định mới của Luật thanh tra năm 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ đã tạo ra khuôn khổ pháp lý mạnh hơn để các cơ quan Thanh tra nhà nước tập trung thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Một buổi họp của DAHP Thanh tra Chính phủ

1.2. Tổ chức, sắp xếp lại các cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực để khắc phục tình trạng phân tán, thiếu thống nhất trong tổ chức thanh tra, chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra

Trong những năm trước đây, để đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực, đã có 21 Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục; ở địa phương, nhiều Chi cục thuộc Sở như: các Chi cục Bảo vệ thực vật, Bảo vệ đề điều, Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Sở Y tế ...đã tổ chức cơ quan Thanh tra chi cục. Tình trạng thành lập tràn lan các cơ quan thanh tra chuyên ngành cũng như sự thiếu thống nhất trong việc tổ chức cơ quan thanh tra loại này giữa các bộ, ngành đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực trong thời gian qua.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Khoản 1, Điều 30, Luật thanh tra năm 2010 quy định: Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Hoạt động thanh tra chuyên ngành do người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, theo quy định của Luật thanh tra năm 2010, ở các Tổng cục, Cục, Chi cục sẽ không có cơ quan thanh tra chuyên trách như đang được tổ chức ở nhiều Bộ, ngành. Chức năng thanh tra chuyên ngành được giao cho chính các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực là các Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Cục thuộc Tổng cục, Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục thực hiện. Ngoài ra, theo quy định của Luật thanh tra năm 2010, không phải mặc nhiên tất cả các Tổng cục, Cục, Chi cục đều được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành thì cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra gồm có:

- Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bao gồm:

1. Bộ Công Thương: Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

2. Bộ Giao thông vận tải: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tổng cục Thống kê.

4. Bộ Khoa học và Công nghệ: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Tổng cục Dạy nghề, Cục Quản lý Lao động ngoài nước.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục Thủy lợi; Tổng cục Lâm nghiệp; Tổng cục Thủy sản; Cục Thú y; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Trồng trọt; Cục Chăn nuôi; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối.

7. Bộ Ngoại giao: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

8. Bộ Nội vụ: Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ.

9. Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai.

10. Bộ Tài chính: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm.

11. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Báo chí; Cục Xuất bản.

12. Bộ Y tế: Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Cục Quản lý dược; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Cục Quản lý môi trường y tế; Cục Y tế dự phòng; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

- Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bao gồm:

1. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

2. Cục Hải quan.

3. Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Cục Thuế.

5. Cục Thống kê.

- Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bao gồm:

1. Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

2. Chi cục Thuế.

3. Trung tâm Tần số khu vực.

4. Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

5. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế.

6. Chi cục về bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở những nguyên tắc chung đó, các Nghị định khác của Chính phủ khi quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của ngành, lĩnh vực nào đã xác định cụ thể cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong ngành, lĩnh vực đó, như: Nghị định số 82/2012/NĐ- CP ngày 09/10/2012 về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tài chính; Nghị định số 90/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Nội vụ...

Việc không tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập hay nói cách khác là cơ quan thanh tra chuyên trách ở các Tổng cục, Cục, Chi cục mà giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành cho chính các công chức chuyên môn ở đó đã khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành, đảm bảo mỗi Bộ, mỗi Sở chỉ có một cơ quan thanh tra là Thanh bộ, Thanh tra sở. Việc thực hiện quy định trên cũng đạt được một mục đích là không làm tăng biên chế, tổ chức bộ máy thanh tra, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính của nhà nước ta hiện nay. Đặc biệt, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực (Tổng cục, Cục, Chi cục) trực tiếp thực hiện đã thực sự đáp ứng được những yêu cầu mang tính đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành. Bởi vì, để nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước thì hoạt động thanh tra  chuyên ngành phải được tiến hành kịp thời, chủ động, thường xuyên nhằm phát hiện ra những sơ hở, vi phạm để khắc phục, xử lý. Đồng thời, hoạt động thanh tra chuyên ngành đòi hỏi người tiến hành phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyên ngành thực hiện, ví dụ như, hàng hải, hàng không, tần số, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông lâm sản và thủy sản... Do đó, việc giao cho chính những công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong những cơ quan này trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử lý vi phạm đã bảo đảm được tính kịp thời, hiệu quả của hoạt động thanh tra, bảo đảm được cả về số lượng và chất lượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành...

(Còn nữa)

TCTT

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra