Tin liên quan:
> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 3)
>> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 2)
>>> Vai trò, tác động của Chương trình Poscis đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 1)
1.6. Bảo đảm thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra
Thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy sau khi có kết luận thanh tra, việc xem xét, xử lý hay nói cách khác hiệu lực, hiệu quả thanh tra phụ thuộc rất lớn vào thái độ, quan điểm và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Nhiều kết luận thanh tra đã được xử lý kịp thời, người có hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm minh, những sơ hở, yếu kém được sửa chữa, khắc phục nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó, có không ít trường hợp đã có kết luận thanh tra song việc xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra còn chậm chễ hay việc xử lý còn chưa đầy đủ, thiếu nghiêm minh đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả thanh tra, trật tự, kỷ cương, tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước. Để khắc phục hạn chế này, Luật thanh tra năm 2010 đã có những quy định mới, nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra, tăng cường công khai, minh bạch trong việc xử lý kết luận thanh tra.
Ngay trong phần quy định chung, bên cạnh việc tiếp tục ghi nhận trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nói chung như Luật thanh tra năm 2004, Luật thanh tra lần này đã xác định thêm trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải “xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình”.
Cụ thể hóa trách nhiệm này, tại Điều 40 của Luật đã quy định rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra theo các nội dung sau:
- Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế;
- Xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật;
- Áp dụng, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật;
- Xử lý vấn đề khác thuộc thẩm quyền trong kết luận thanh tra.
Luật thanh tra năm 2010 cũng nêu rõ: Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chi tiết hóa quy định này, Điều 77, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ xác định rõ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác không xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Một trong những điểm mới cơ bản khác là Luật thanh tra năm 2010 và Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra. Đồng thời Luật và Nghị định cũng bổ sung những quy định cụ thể về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, qua đó góp phần bảo đảm hiệu lực thi hành các yêu cầu, kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Theo đó, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu có những hành vi vi phạm pháp luật như: không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, chiếm đoạt, thủ tiêu tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra; chống đối, cản trở, mua chuộc, trả thù, trù dập người làm nhiệm vụ thanh tra, người cung cấp thông tin, tài liệu cho hoạt động thanh tra; gây khó khăn cho hoạt động thanh tra; vu cáo, vu khống đối với người làm nhiệm vụ thanh tra; đưa hối lộ; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra... thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Một mặt khác, để đảm bảo pháp chế, Luật thanh tra năm 2010 cũng quy định trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra mà không hoàn thành nhiệm vụ thanh tra hoặc cố ý không phát hiện hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý mà không xử lý, không kiến nghị việc xử lý hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật về thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tóm lại, Luật thanh tra năm 2010 đã có những bước tiến quan trọng so với Luật thanh tra năm 2004 trong việc thể chế hóa, cụ thể hóa trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của cơ quan thanh tra và các chủ thể khác trong hoạt động thanh tra. Luật cũng đưa ra các biện pháp cụ thể để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh tra. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
1.7. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hoạt động thanh tra
Luật thanh tra năm 2010 đã có quy định mới về trách nhiệm phối hợp của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra với cơ quan công an, viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Theo chiều ngược lại, cơ quan công an, viện kiểm sát trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm xem xét kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyển đến và trả lời bằng văn bản về việc xử lý kiến nghị đó. Cơ quan, tổ chức hữu quan khác khi nhận được yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra có trách nhiệm thực hiện và trả lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý đó.
Hướng dẫn thi hành Luật thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm để khởi tố vụ án hình sự, trách nhiệm, thời hạn thực hiện của cả cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lẫn cơ quan điều tra trong việc chuyển và tiếp nhận, xử lý hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố.
Trên cơ sở những quy định của Luật thanh tra năm 2010, Thanh tra Chính phủ cùng với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện KSNDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/03/2012, quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố. Ở địa phương, Thanh tra một số tỉnh, thành phố như: Hà Tĩnh, Kiên Giang...cũng đã ký kết các Quy chế phối với các ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Có thể nói, Luật thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các quy định của ngành đã tạo lập khung pháp lý cho việc xây dựng một mối quan hệ phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan thanh tra với cơ quan công an, viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan trong hoạt động thanh tra, trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, khắc phục những vướng mắc trong thời gian qua, nhất là việc đề nghị cung cấp thông tin hoặc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Qua đó, không chỉ tăng cường hiệu quả hoạt động của từng cơ quan mà còn góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung...
(Còn nữa)
TCTT