Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 5)

Thứ bảy, 05/01/2013 12:17
(ThanhtraVietnam) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tố con người trong việc quyết định đến thành công của một cuộc thanh tra, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, Chương trình POSCIS ngay từ khâu lập kế hoạch công tác đã rất chú trọng đến lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra.

Tin liên quan:

> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 4)

>> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 3)

>>> Vai trò, tác động của Chương trình POSCIS đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 2)

>>>> Vai trò, tác động của Chương trình Poscis đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra (Bài 1)


2. Góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra

Hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra trong một chừng mực nào đó phụ thuộc khá lớn vào chất lượng của kết luận thanh tra, kiến nghị của thanh tra. Mà điều này chỉ có thể đạt được khi người làm nhiệm vụ thanh tra là những cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh và năng lực nghiệp vụ, chuyên môn. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhân tố con người trong việc quyết định đến thành công của một cuộc thanh tra, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, Chương trình POSCIS ngay từ khâu lập kế hoạch công tác đã rất chú trọng đến lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan thanh tra.


Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thanh tra được triển khai thực hiện ở hầu hết các Dự án hợp phần với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chẳng hạn như:

- Tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt, học tập các văn bản pháp luật mới như: Luật thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thanh tra; Nghị định số 97/2011/NĐ- CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra; Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành...Đối với các Dự án hợp phần Thanh tra Bộ, ngành, địa phương, khi triển khai việc xây dựng, ban hành các Quy chế, Quy trình mới về thanh tra, hầu như đi liền theo sau đó là mở các lớp tập huấn các Quy chế, Quy trình đó cho đội ngũ cán bộ thanh tra trong ngành, địa phương mình. Tác dụng, hiệu quả của các lớp tập huấn nói trên là rất rõ, thông qua tập huấn đã  giúp cho một số lượng đáng kể cán bộ, công chức, viên chức ở Thanh tra Chính phủ, Thanh tra một số Bộ, ngành, địa phương nắm bắt kịp thời những quy định mới của Luật thanh tra năm 2010, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, các Quy chế, Quy trình thanh tra để áp dụng đúng đắn, hiệu quả vào quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong thực tiễn.

- Bên cạnh các lớp học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức pháp luật, tại một số Dự án hợp phần còn tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn về  nghiệp vụ thanh tra, về áp dụng Quy trình thanh tra nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng công tác, nghiệp vụ thanh tra chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ thanh tra để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra ngày càng nặng nề, phức tạp. Như trong khuôn khổ hoạt động của Dự án năm 2011, Thanh tra Bộ Công an, đã xây dựng, hoàn thành 03 bài giảng về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong CAND; tổ chức được 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng chức danh các ngạch thanh tra viên cho cán bộ Thanh tra CAND. Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh xây dựng kế hoạch tổ chức 05 khóa tập huấn trong 05 năm về thanh tra chuyên đề, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, thanh tra viên, trong đó đã kết thúc 01 khóa trong năm 2011. Thanh tra tỉnh Kiên Giang tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành cho cán bộ làm công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh. Thanh tra TP. HCM triển khai 01 lớp tập huấn cho cán bộ thanh tra về Quy trình thanh tra quản lý, sử dụng đất đai, 03 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Thanh tra Bộ kế hoạch – Đầu tư tổ chức 02 lớp đào tạo kỹ năng nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, viết báo cáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra kế hoạch và đầu tư...Đặc biệt, triển khai kế hoạch công tác của Chương trình POSCIS, tại Dự án hợp phần Thanh tra Chính phủ, sau khi tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam, hiện đang khẩn trương hoàn thành chương trình, nội dung, tài liệu bồi dưỡng, chuẩn bị lực lượng giảng viên.. để thí điểm và triển khai rộng trong toàn ngành 15 lớp kỹ năng theo phương pháp mới, thực hành xử lý tình huống về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

- Tổ chức các Đoàn khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng ở nước ngoài. Ở một số Dự án hợp phần địa phương như Thanh tra tỉnh Khánh Hòa, Thanh tra tỉnh Kiên Giang, Thanh tra TP. HCM..  còn tiến hành trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra trách nhiệm, về các hoạt động của ngành giữa các tỉnh, thành, địa phương trong nước.

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, thanh tra viên để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành, địa phương như: Dự án hợp phần Thanh tra Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Thanh tra TP. HCM..., tại Dự án Thanh tra TP. HCM còn xây dựng, bố trí máy móc, trang thiết bị hiện đại cho các phòng học mẫu để phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho cán bộ Thanh tra thành phố.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thanh tra, dù được tiến hành dưới hình thức nào, ở trong hay ngoài nước, đều được các Dự án hợp phần quan tâm triển khai thực hiện bài bản, chu đáo từ khâu khảo sát, xác định nhu cầu, chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu... cho đến khâu tổ chức thực hiện. Tại Dự án hợp phần Thanh tra Chính phủ còn đẩy mạnh các hoạt động đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cho cán bộ thanh tra; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra viên, thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp và công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành... Chính vì thế, các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đều đạt kết quả tốt, có tác dụng, hiệu quả thiết thực, qua đó đã thực sự giúp cho cán bộ, thanh tra viên bổ sung được những kiến thức, kỹ năng tác nghiệp mới, chuyên sâu về pháp luật thanh tra, về nghiệp vụ thanh tra, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn để đáp ứng tốt hơn yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra mà toàn ngành đang đặt ra...

(Còn nữa)


TCTT

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra