Bộ Ngoại giao:

9 tháng không có vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp

Thứ tư, 13/10/2021 17:26
(ThanhtraVietNam) - Với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Ngoại giao không có vụ việc phức tạp, đông người, vượt cấp. Đây là kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhiều đơn khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền

Do đặc thù của lĩnh vực đối ngoại, đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC) gửi đến Bộ Ngoại giao không nhiều, hầu hết không thuộc thẩm quyền. Các kiến nghị, phản ánh (KNPA) của công dân liên quan đến công tác bảo hộ công dân được các đơn vị chức năng, cơ quan đại diện (CQĐD) giải thích, hướng dẫn kịp thời, không để phát sinh thành vụ việc KNTC. Tuy nhiên, tình trạng đơn KNTC không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Ngoại giao vẫn còn phổ biến do công dân không không nắm rõ quy định pháp luật hoặc nhằm mục đích gây sức ép với cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ nhận được 49 đơn; số đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý: 45. Cụ thể: khiếu nại (7), tố cáo (4), KNPA (34); thuộc thẩm quyền (13), không thuộc thẩm quyền (36); số đơn đã xử lý/tổng số đơn đã tiếp nhận: 49/49, đạt tỷ lệ 100%.

Tại Bộ Ngoại giao, trong nhiều năm qua, không có các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài. Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC luôn được Lãnh đạo chú trọng, thường xuyên chỉ đạo triển khai bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả; kịp thời giải quyết dứt điểm các KNPA, không để phát sinh thành vụ việc KNTC phức tạp.

Bênh cạnh đó, công tác PCTN đã được triển khai nghiêm túc, hiệu quả; tổ chức phổ biến, quán triệt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTN tới toàn thể cán bộ, công chức của Bộ; xây dựng, ban hành và triển khai các văn bản liên quan để PCTN; thực hiện có hiệu quả một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng. 9 tháng đầu năm, Bộ Ngoại giao chưa phát hiện vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Bộ đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong thực hiện công tác thuộc phạm vi quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước LHQ về chống tham nhũng (UNCAC), bao gồm: tham gia tổ chức công tác liên ngành bảo vệ kết quả đánh giá việc thực thi UNCAC của Việt Nam; tham gia Nhóm chuyên gia của Việt Nam đánh giá việc thực thi UNCAC của Cộng hòa Áo. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong xử lý và phong tỏa tài sản của Phan Sào Nam tại Ngân hàng DBS, Singapore; với Đại sứ quán Tây Ban Nha và Nhật Bản tại Hà Nội, chỉ đạo CQĐD tại hai nước tích cực thúc đẩy cơ quan chức năng của Bạn sớm giải quyết đề nghị tương trợ tư pháp của Việt Nam để phục vụ điều tra xử lý vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Về công tác cải cách hành chính (CCHC), Bộ đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, như: Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử; nâng cấp/xây dựng mới phần mềm nghiệp vụ công tác lễ tân; hồ sơ điện tử cán bộ, công chức; hỗ trợ phần mềm kế toán ngoài nước; triển khai Đề án phần mềm Quản lý đảng viên… Từ nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao đã thực hiện 100% việc trả lương cho cán bộ, nhân viên qua tài khoản ngân hàng.

leftcenterrightdel
 Trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh minh họa: vov.vn

Tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo

Theo báo cáo, Bộ đã thực hiện chuyển đổi 42 vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; hoàn thành việc kê khai tài sản thu nhập lần đầu đối với 1.695 trường hợp; thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch đối với công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, phân công, bố trí sử dụng, xét cử cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại CQĐD; rà soát, sắp xếp, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công của Bộ, thực hiện quy trình mua sắm tài sản công theo quy định của pháp luật đấu thầu; tổ chức triển khai tốt pháp luật quản lý tài sản công tại các đơn vị trực thuộc

Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, tham mưu cho Bộ trưởng ban hành và tổ chức triển khai các Kế hoạch: thực hiện công tác PCTN năm 2021, kiểm tra chuyên đề về PCTN năm 2021, triển khai công tác kiểm soát tài sản, thu nhập tại Bộ Ngoại giao; hướng dẫn công tác kê khai tài sản, thu nhập theo quy định mới; kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại 01 đơn vị thuộc Bộ.

Từ những kết quả đã đạt được, Thanh tra Bộ tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương báo cáo kết quả thanh tra phục vụ tổng kết công tác thanh tra chuyên ngành năm 2021. Xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Ngoại giao phù hợp với định hướng đã được phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo, theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Căn cứ tình hình dịch bệnh, tập trung triển khai thanh tra hành chính đối với 04 đơn vị thuộc Bộ và thanh tra chuyên ngành tại 05 địa phương; rà soát điều chỉnh kế hoạch (nếu cần thiết); ban hành Kết luận thanh tra đối với 01 cuộc thanh tra trong Quý III/2021; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra.

Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chế độ báo cáo; thường xuyên cập nhật thông tin trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giải quyết KNTC theo quy định./.

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra