Nhiều đối tượng lợi dụng tình hình bão lũ để thông tin giả mạo
Hình ảnh những cụ già, học sinh, công chức về hưu, người bán vé xố, người làm thuê… đã dành một khoản thu nhập ít ỏi của mình để quyên góp, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khiến chúng ta không khỏi cảm phục trước tấm lòng của người dân hướng về bà con vùng lũ.
Những hình ảnh đẹp về các lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục sau bão lũ được lan tỏa khiến chúng ấm lòng. Và nhiều hình ảnh đẹp, ý nghĩa, tình cảm của người dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế với đồng bào các tỉnh miền Bắc được lan tỏa, chia sẻ rất tích cực. Các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội cũng hưởng ứng, thông tin kịp thời, lan tỏa hình ảnh đẹp này.
Song, bên cạnh đó, một số trang mạng xã hội cũng lan truyền thông tin giả mạo, tác động tiêu cực, gây hoang mang dư luận, cộng đồng. Đặc biệt, có nhiều hình ảnh, clip được dàn dựng để câu like trong thời điểm bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai gây tâm lý lo âu, hoảng loạn, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác phòng, chống thiên tai và tình hình an ninh trật tự của địa phương, gây bức xúc dư luận trong quần chúng nhân dân.
Điều đáng nói, nhiều đối tượng xấu lợi dụng tình hình bão lũ và công tác khắc phục hậu quả để mạo danh các cơ quan, tổ chức và cung cấp thông tin, tài khoản cá nhân (không phải tài khoản của cơ quan, tổ chức) để đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ nhằm thu lợi bất chính.
Để loại bỏ thông tin giả mạo trên mạng xã hội có liên quan đến tình hình bão lũ ở các tỉnh phía Bắc, các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm xử lý các đối tượng phát tán tin giả, lan truyền thông tin giả mạo, đảm bảo môi trường mạng an toàn, trong sạch. Nhiều địa phương đã thành lập bộ phận chuyên trách xử lý tin giả nên đã góp phần quan trọng vào việc cảnh báo, bác bỏ và xử lý các thông tin giả mạo, như: Quảng Ninh đã nhanh chóng xử lý tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả, gây hoang mang lớn cho người dân.
|
|
Các lực lượng Công an, Quân đội tham gia cứu nạn, cứu hộ sau vụ sạt lở đất tại bản Làng Nủ, Lào Cai. Ảnh: Hoàng Phong |
Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê. Phú Thọ cũng đã mạnh tay xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hoà.
Hà Giang, nơi một đoạn video về một người mẹ bế con ngồi trong thau được lan truyền với thông tin cho rằng đây là người dân cần cứu trợ trong bão lũ. Sau khi cơ quan chức năng địa phương xác minh, kết quả cho thấy đây là tin giả, được dàn dựng bởi một YouTuber.
Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm còn người dân cần kiểm chứng thông tin
Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ (sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ) quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong nhân dân. Do đó, người dân cần tỉnh táo, không vội tin mà phải kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trên mạng xã hội trước khi chia sẻ để tránh vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.
Để người dân cảnh giác với những thông tin giả mạo, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cảnh báo người dân không nên tin theo thông tin giả mạo. Khi xuất hiện thông tin giả mạo, các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành ngay việc chỉ đạo kiểm tra, xác minh làm rõ và công khai để nhân dân được biết. Đồng thời, truy tìm bằng được người tung tin giả mạo để xử lý nghiêm theo quy định; tùy theo tính chất, mức độ có thể xử lý hành chính hoặc hình sự và yêu cầu bồi thường nếu thiệt hại xảy ra. Việc xử lý không chỉ đối với người tung tin giả mạo mà phải xử lý cả những người tiếp tay cho việc lan truyền thông tin giả mạo đó và công khai để người dân được biết.
Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội đã đem lại nhiều tiện ích, kết nối mọi người lại với nhau; đồng thời, việc chia sẻ thông tin nhanh chóng, thuận lợi sẽ giúp người sử dụng chủ động hơn trong cuộc sống… Tuy nhiên, mặt trái của mạng xã hội là những thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, xuyên tạc, vu khống... được tung lên mạng để thu hút người xem và bình luận, gây mất an ninh trật tự, thậm chí gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế hoặc xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.
Trước các thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội, hơn ai hết, mỗi người dân cần phải đề cao tinh thần cảnh giác, không nên lệ thuộc, tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng. Khi tiếp nhận thông tin, người dân có thể tự xác minh thông tin hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thông tin đó. Mặt khác, trước “rừng” thông tin trên mạng, người dân càng phải sáng suốt lựa chọn những trang thông tin chính thống để tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ thông tin…; đồng thời, né tránh những trang thông tin tiêu cực, phản động, tung tin thất thiệt để câu like, kích động, lôi kéo, dụ dỗ… người dùng mạng xã hội.
Khi người dân nghi ngờ những thông tin bị giả mạo thì cần phải cảnh báo người thân, bạn bè và mọi người được biết để né tránh; đồng thời, trình báo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Có như vậy, mới có thể ngăn chặn hành vi của những đối tượng xấu cố tình tung tin giả mạo đã và đang gây ra những hệ lụy cho xã hội, làm mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là những thông tin xuyên tạc tình hình bão lũ ở các tỉnh phía Bắc vừa qua./.