Bài 1: Loạn cung cấp học liệu giáo khoa phổ thông trên mạng

Thứ sáu, 01/11/2024 11:21
(ThanhtraVietNam) - Khi nhu cầu học liệu điện tử tăng cao, nhiều trang web và ứng dụng đã "nở rộ" cung cấp sách giáo khoa phổ thông dưới dạng file PDF, bản scan hay tài liệu trích dẫn. Tuy nhiên, không ít trong số đó vi phạm bản quyền, tự ý phát hành mà không có sự cho phép từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Phụ huynh và học sinh đứng trước ma trận học liệu với chất lượng không đảm bảo, dễ gây nhầm lẫn và thiếu chính xác trong quá trình học tập.

Có con vào lớp 6 một trường THCS tại quận Long Biên (Hà Nội), chị H.T.P đặt mua sách giáo khoa theo hướng dẫn của giáo viên, đồng thời tìm hiểu về những học liệu điện tử mà con chị cần sử dụng trong suốt những năm cấp II.

Quá trình tìm kiếm sách giáo khoa trên mạng, máy điện thoại chị T.P được gợi ý, đề xuất hàng loạt ứng dụng (app), trang web giới thiệu sách giáo khoa, học liệu điện tử, tài liệu tham khảo, bài giảng mẫu cho học sinh phổ thông.

Trên các website chị T.P truy cập, tràn ngập sách giáo khoa trình bày đa dạng đủ thể loại, từ văn bản text, bản scan nguyên văn sách thành file PDF, bản ghi âm, video ghi hình và video diễn họa có âm thanh. Trong nhóm phụ huynh cùng lớp con chị T.P, nhiều vị than thở “hoa mắt chóng mặt” với sách giáo khoa điện tử.

Một ví dụ, trên website có tên miền ihoc.vn, các vị phụ huynh có thể tìm thấy toàn bộ sách giáo khoa được scan thành file văn bản PDF, sao chép nguyên văn từ sách in. Chủ sở hữu website tự giới thiệu có trụ sở chính tại 69 đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), mục đích tạo ra trang web ihoc.vn nhằm mục đích là thư viện học tập online miễn phí cho mọi cấp học. 

leftcenterrightdel
Trích dẫn sách giáo khoa và nơi tải về bản mềm sách giáo khoa lớp 7 trên website ihoc.vn. Ảnh chụp từ màn hình.

“Đây là nơi cung cấp đầy đủ dữ liệu học online miễn phí, ôn tập SGK, bài giảng, giáo án, giải bài tập, trắc nghiệm miễn phí dành cho giáo viên và học sinh các cấp”, trang web tự giới thiệu về mình, nhưng không đề cập là tổ chức hay cá nhân tạo ra các loại học liệu này.

Ví dụ khác là trang web tên miền sachgiaokhoa.online, cũng tiến hành scan toàn bộ SGK bản in thành file PDF và cho tải miễn phí. Đổi lại, người muốn tải nội dung phải đợi trong 20 giây và bắt buộc xem quảng cáo hiển thị, sau đó mới được tải về một cuốn sách giáo khoa, được đóng gói trong một file văn bản duy nhất.

Đặc biệt hơn, website tên miền loigiaihay.com sử dụng dịch vụ thuê kho dữ liệu Google Drive, tập hợp các bộ SGK vào đây, tạo liên kết tải về cho người dùng. Định dạng tài liệu cũng tương tự như các trang web nêu trên, một cuốn sách giáo khoa đóng gói trong một file văn bản duy nhất. 

Trên website onluyen.vn chạy song song một ứng dụng trên app điện thoại, cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục có thu phí. Dữ liệu của trang onluyen.vn chỉ đến các nội dung cụ thể có trong sách giáo khoa phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, dưới dạng tài liệu trích dẫn.

Ví dụ bài tập “Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương” được trích từ sách giáo khoa lớp 11 (Câu 2 trang 28 SGK môn Văn lớp 11 tập 1). Rất nhiều nội dung tương tự được ứng dụng trích dẫn một phần hoặc toàn bộ từ sách giáo khoa, đính logo nhận diện, trở thành nội dung do onluyen.vn phát hành.

Mức phí của của onluyen.vn thu của người học qua mạng là 899.000 đồng gói 1 năm, 499.000 đồng gói 6 tháng và 99.000 đồng gói 1 tháng. Người học phải thanh toán tiền trước (qua thẻ tín dụng hoặc ví điện tử) để đăng ký học các môn phổ thông.

Một chuyên viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuật lại, năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, một số địa phương phải cho học sinh nghỉ học trực tiếp, giáo viên bắt đầu các buổi dạy trực tuyến. Lúc đó trên mạng cũng “bùng phát” các thể loại sách giáo khoa điện tử lưu trữ trên website do nhiều tổ chức, cá nhân tự thiết lập vận hành.

Lãnh đạo NXB Giáo dục khi đó đã lên tiếng. Trong công văn phát hành tháng 9/2021, NXB Giáo dục khẳng định: “Việc đăng tải và cho phép tải về các phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách bổ trợ khi chưa được sự cho phép của NXB Giáo dục là hành vi vi phạm bản quyền. Đồng thời, nội dung của các phiên bản điện tử này không được NXB Giáo dục kiểm soát nên không đảm bảo tính chính xác, khoa học và cập nhật”.

Sau 3 năm, nhiều phụ huynh vẫn lạc vào “ma trận” sách giáo khoa điện tử khi các website phát hành sách điện tử tiếp tục tồn tại. Thậm chí các chủ thể vận hành website lưu trữ bản mềm sách giáo khoa bất hợp pháp còn mạnh tay chi tiền quảng cáo để tiếp cận phụ huynh và học sinh qua mạng.

Đánh giá về vấn đề vi phạm bản quyền này, LS Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ thì sách giáo khoa, giáo trình là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ các hành vi xâm phạm quyền tác giả tại Điều 28, trong đó các hành vi: xâm phạm quyền nhân thân; xâm phạm quyền tài sản; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ luật quy định … là hành vi xâm phạm quyền tác giả.”

B.S & Ngọc Thanh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra