Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm đã tiến hành 03 hoạt động. Cụ thể, nghiên cứu những vấn đề lý luận và pháp lý về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong hoạt động này, nhóm đã rà soát, tập hợp các công trình nghiên cứu có liên quan, phân tích, đánh giá các kết quả nghiên cứu đã có và xác định những vấn đề cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu; rà soát, đánh gia khuôn khổ thể chế, chính sách, pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Hoạt động thứ hai, nhóm đã điều tra, khảo sát thực trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Ở hoạt động này, nhóm đã tổ chức tọa đàm tại nơi khảo sát, tổ chức phỏng vấn sâu và phát phiếu khảo sát tại nơi khảo sát. “Xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, khảo sát về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là hoạt động cuối cùng mà nhóm đã tiến hành”, ông Khanh cho biết.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: L.A
Chia sẻ về khó khăn và hạn chế của nghiên cứu, khảo sát, ông Khanh nhấn mạnh, do tính nhạy cảm của vấn đề và tâm lý né tránh của đối tượng khảo sát nên các thông tin thu được từ khảo sát chỉ mang tính tương đối. Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn lực nên quy mô khảo sát ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương ở mức độ nhất định, không đủ lớn để có thể điều tra ý kiến của tất cả các nhóm đối tượng.
TS. Đinh Văn Minh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: L.A
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, đại diện VCCI chia sẻ, hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hiện là vấn đề rất nóng, nhóm nghiên cứu đã kết hợp được giữa lý luận và thực tiễn; các doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao hoạt động này. Kết quả khảo sát sẽ rất có ý nghĩa đối với Chính phủ trong thời gian tới.
“Một vấn đề lớn hiện nay là việc ra quyết định thanh tra không dựa trên nguy cơ vi phạm mà dựa trên ý chí chủ quan, mang tính “trả đũa”, thậm chí cơ quan đưa ra quyết định thanh tra dựa trên ngành nghề. Hơn nữa, sự chồng chéo đã dẫn đến lãng phí nguồn lực”, ông Tuấn tâm tư.
Thực tế đáng buồn ở Việt Nam, doanh nghiệp càng lớn thì càng đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ muốn kinh doanh ở tầm vừa. Điều này đã phản lại động lực phát triển. Đưa ra giải pháp cho thực trạng trên, ông Tuấn khẳng định: "Phải có đầu mối để giảm chồng chéo; công khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra; phải kết nối, chia sẻ thông tin lẫn nhau giữa các cơ quan với nhau và sửa đổi pháp luật.”
Tại buổi Hội thảo, đại diện Thanh tra Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định, nhóm nghiên cứu đã có nội dung khảo sát thiết thực, cần thiết; tuy nhiên, cần tập hợp thêm một vài kết luận thanh tra, kiểm tra để nội dung được phong phú và sinh động hơn./.
Lan Anh