Bến Tre: Đã có giải pháp gì cho tình hình hạn hán, xâm nhập mặn theo chu kỳ trong nhiều năm qua

Thứ tư, 19/06/2024 08:55
(ThanhtraVietNam) - Biến đổi khí hậu nóng lên toàn cầu, hiện tượng El Nino, tình trạng nước biển dâng là những thách thức đang đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân. Trong đó, tỉnh Bến Tre là một trong những địa phương mà người dân cảm nhận rõ hiện tượng này với tình trạng xâm nhập mặn dữ dội và có tính chu kỳ trong nhiều năm qua.
leftcenterrightdel
Bản đồ dự báo hạn mặn tỉnh Bến Tre. Ảnh: bentre.dcs.vn/ 

Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân

Theo báo cáo tình hình thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre thì từ đầu năm đến thời điểm hiện nay thì các tháng mùa khô từ tháng 01 đến tháng 04/2024, khu vực tỉnh không mưa, lượng mưa thiếu hụt 100%, cả tỉnh trong tình trạng ngày nắng đến nắng nóng, có những ngày nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất quan trắc được là 38,20C (02/5/2024) đã vượt giá trị lịch sử từng ghi nhận là 38,10C (06/5/2005).

Tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao làm cho nguồn nước trữ bị bốc bốc hơi mạnh. Nguồn nước mặt trên các sông cũng bị thiếu hụt, bị nhiễm mặn do tình trạng xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài hơn trung bình nhiều năm (2012-2023) nhất là các tháng cao điểm cuối tháng 02 đến tháng 04/2024.


Tính từ đầu mùa khô đến nay đợt xâm nhập mặn đợt từ 8-13/3 là đợt xâm nhập mặn sâu nhất, đặc biệt trên sông Cổ Chiên, Cửa Đại độ mặn 1‰ đã sâu hơn ranh mặn 1‰ sâu nhất mùa khô 2015-2016, cụ thể:

Trên sông Cổ Chiên: ranh độ mặn 1‰ sâu hơn 7,8km so với 2016, sâu hơn 25,8km so với TBNN. Độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp Phú Mỹ, xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày Bắc), cách cửa sông 57,2km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 75,8km.

Trên sông Cửa Đại: ranh mặn sâu hơn năm 2016, ranh độ mặn 1‰ sâu hơn 21km so với TBNN: Độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp An Mỹ, xã An Khánh (huyện ChâuThành), cách cửa sông 53km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Ấp Cồn Dơi, xã Phú Đức (huyện Châu Thành), cách cửa sông 71,3km, sâu hơn năm 2016 7,3km.

Trên sông Hàm Luông: ranh độ mặn 1‰ ít sâu hơn 2016 khoảng 5,6km. Sâu hơn 2023 khoảng 6km, sâu hơn TBNN 11km: Độ mặn 4 ‰ xâm nhập đến Ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long (huyện Châu Thành), ấp Tân An, xã Long Thới (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 66,4km. Độ mặn 1 ‰ xâm nhập đến Sơn Quy, thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách), cách cửa sông 76km.

So với mùa khô năm 2015-2016 và mùa khô năm 2019-2020, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 xâm nhập muộn hơn mùa khô năm 2019-2020 nhưng ở mức tương đương mùa khô năm 2015-2016 vào nửa cuối tháng 11. Tuy nhiên, thời gian duy trì về cuối mùa khô thì ở mức tương đương và lâu hơn với khoảng cách xâm nhập mặn trên các sông tháng 04/2024 ở mức sâu hơn năm 2015-2016 trên sông Cửa Đại và Cổ Chiên. Tháng xuất hiện xâm nhập mặn sâu nhất các mùa khô đều xuất hiện trong tháng 3, riêng năm 2020, trên sông Cổ Chiên xuất hiện trong tháng 1.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, thiệt hại do xâm nhập mặn đối với địa phương này là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, ước tính giá trị thiệt hại có thể đã cao hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016 (ước tính thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp do xâm nhập mặn năm 2015-2016 đã lên đến gần 1.800 tỷ đồng).

Còn theo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Bến Tre cũng đối mặt với đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Độ mặn 2‰ hầu như bao phủ toàn tỉnh trong thời gian dài, có thời điểm trên 5‰. Toàn tỉnh có 5.400ha lúa vụ Đông Xuân bị chết; gần 28.000ha cây ăn trái trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng, gần 87.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Ước tính giá trị thiệt hại của riêng ngành nông nghiệp là 1.660 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng và lĩnh vực thủy sản hơn 211 tỷ đồng.

Có thể thấy, tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vào mỗi chu kỳ El Nino với cường độ lặp lại bốn năm một lần lại xuất hiện các đợt hạn mặn đỉnh điểm với mức độ gay gắt, khốc liệt ngày càng tăng, mặn sâu hơn và thời gian mặn kéo dài hơn trong quá khứ.

Điệp khúc mỗi khi hạn mặn khốc liệt xảy ra lại rộ lên việc Ứng phó - Khắc phục - Giải pháp tạm - Kêu gọi Mạnh thường quân… gây lãng phí nguồn lực xã hội, thiệt hại ngân sách nhà nước một cách trầm trọng. Hình ảnh các đoàn xe bồn chở nước cứu trợ, người dân mang từng can nhựa 20 lít đi xa hàng chục kilomet để lấy nước như một thước phim lặp đi lặp lại và chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu

Xác định nước ngọt là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân, là yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương,  ngay từ tháng 1 năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành chương trình về quản lý, đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2030; đạt mục tiêu là tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đến năm 2025 là 70% (trong đó đô thị đạt 93%), đến năm 2030 là 77,5% (trong đó đô thị đạt 95%).

Quy hoạch tỉnh Bến Tre đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có giải pháp quy hoạch hệ thống thủy lợi, cấp nước và tài nguyên nước làm cơ sở trong việc hoạch định các chính sách về tài nguyên nước, thu hút và phân bổ nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi và cấp nước, áp dụng cơ chế thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng cấp nước.

Đến nay sau 3 năm triển khai chương trình, theo báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt được nhiều kết quả tích cực: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch năm 2021 đạt 78,4% cả tỉnh, khu vực nông thôn đạt 76,4%; năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ước đạt 80% cả tỉnh, khu vực nông thôn đạt 78%.

Tỉnh ủy đang tích cực chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước, nguồn cấp nước ngọt thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện tốt công tác kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, ô nhiễm, suy thoái nguồn tài nguyên nước.

Tuy vậy, dù quyết tâm cao nhưng đến nay do việc đầu tư cơ sở hạ tầng theo định hướng quy hoạch chưa đảm bảo do hạn chế nguồn lực, việc huy động vốn khó khăn. Bến Tre vẫn chưa thể đấu nối sử dụng hệ thống cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo định hướng quy hoạch.

Giữa tâm hạn mặn nhưng lợi nhuận của nhà cung cấp nước lại cao bất thường

Trước thực trạng xâm nhập mặn tại địa phương, nhất là trong các tháng cao điểm, người dân dần có tâm lý thích ứng buộc phải chấp nhận sử dụng nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn, để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Ngay trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trong tháng 4/2024, nguồn nước sinh hoạt qua đồng hồ cũng có lúc bị nhiễm mặn, không thể ăn uống trực tiếp hay tưới cây, mà chỉ dùng để tắm giặt và rửa xả. Nguồn nước để ăn uống người dân phải sử dụng các can nhựa để chiết từ các bồn nước tập trung, nguồn nước này còn sử dụng để tắm tráng do khi tắm nước mặn bị rít và ngứa ngáy khó chịu.

Có thể nói, cứ mỗi mùa hạn mặn đỉnh điểm xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, thì các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các tỉnh giáp biển và xa nguồn nước ngọt gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Trong đó, Bến Tre là địa phương luôn nằm trong top mặn gay gắt nhất, chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, giữa tâm hạn mặn thì doanh thu và lợi nhuận Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre (Công ty cấp nước Bến Tre) lại liên tục tăng trưởng, ngay như mùa hạn mặn cao điểm năm 2020, khi mà toàn tỉnh Bến Tre nước bị nhiễm mặn bình quân lên tới 7‰ (cao hơn 15 lần quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế), lợi nhuận sau thuế TNDN của Công ty lại đạt kỷ lục hơn 58,5 tỷ/197,2 tỷ tổng doanh thu.

Tham khảo báo cáo tài chính các năm gần đây của công ty cổ phần này thì có thể thấy lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp/tổng doanh thu của là rất cao:

leftcenterrightdel
 Tổng hợp báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre.

Ngoài ra, trong năm tài chính 2021, nếu công ty này được dụng giá nước theo Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 về việc quy định giá tiêu thụ nước sạch không bị nhiễm mặn trong thời gian hạn mặn của UBND tỉnh Bến Tre, trong đó tại huyện Giồng Trôm, người dân sử dụng nước từ Nhà máy nước Lương Quới phải chịu mức giá 51.500 đồng/m3 thì lợi nhuận sẽ còn cao hơn nữa. Tuy nhiên, quyết định này sau đó được UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định dừng áp dụng do phản ứng gay gắt từ phía người dân và báo chí, dư luận xã hội.

leftcenterrightdel
Nước thô từ thượng nguồn sông Tiền được bơm vào sà lan để đưa vào Nhà máy xử lý nước ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ảnh: tuoitre.vn 

Đây là điều nghịch lý, và cần xem lại trách nhiệm xã hội của Công ty cấp nước Bến Tre khi mà cấp nước không đạt tiêu chuẩn nhưng lợi nhuận “cao bền vững”, lợi nhuận tính trên 1m3 nước từ năm 2020 đến nay ghi thu liên tục cao từ 2.300 - 3.000 đồng/m3. Trong khi, theo quy định tại Điều 8, Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính thì: Lợi nhuận định mức đưa vào phương án giá nước sạch của đơn vị cấp nước đồng thời cho khu vực đô thị và khu vực nông thôn tối đa là 1.500 đồng/m3.

Vậy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm của công ty cấp nước trong việc đảm bảo cấp nước theo quy định tại Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày  11/7/2007 của Chính phủ khi tiêu chuẩn cấp nước không đạt nhưng lợi nhuận liên tục tăng và vượt mức quy định cho phép. Các đơn vị cấp nước có chú trọng việc tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển nguồn cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ không hay đặt lợi nhuận lên trên hết?

Một thực tế khó chấp nhận đã và đang diễn ra là người dân thì vẫn phải sử dụng nguồn nước với độ mặn vượt tiêu chuẩn, đơn vị cấp nước tại địa phương thì vẫn lặp đi lặp lại điệp khúc khó khăn, kêu cứu mỗi khi hạn mặn khốc liệt xảy ra trong khi lợi nhuận thì vẫn tăng đều hàng năm. Đã đến lúc cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ quan thanh tra để quyết liệt làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo cấp nước cho người dân, giải quyết dứt điểm tình trạng người dân phải khổ sở chịu đựng việc thiếu nước sinh hoạt, nước không đạt chuẩn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và tinh thần./.

Vũ Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra