Bộ Công an đề nghị dừng giao dịch tài sản các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận

Thứ sáu, 03/05/2024 10:04
(ThanhtraVietNam) - Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch tài sản của 12 bị can vừa bị khởi tố.

Dừng giao dịch tài sản của 12 bị can

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an vừa gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch tài sản của 12 bị can vừa bị khởi tố.

Theo nội dung văn bản Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận, hiện cơ quan này đang tiến hành điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) theo quyết định khởi tố vụ án số 09/QĐ-VPCQCSĐT ngày 01/3/2023.

Căn cứ Điều 4 Bộ luật hình sự; Điều 5, Điều 168 bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp sở ngành có liên quan rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu và tạm dừng giao dịch: không cho chuyển nhượng, mua bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với tài sản, gồm bất động sản, cổ phần, cổ phiếu của 12 cá nhân vừa bị khởi tố trong vụ án trên.

leftcenterrightdel
 Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành khám xét nhà riêng của một cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hôm 26/4 (ảnh: DQ)

Các cá nhân bị đề nghị tạm dừng giao dịch tài sản, gồm: Lê Tiến Phương - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng - cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận; Đỗ Ngọc Điệp - cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Hồ Như Hải - cựu Phó Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Miền Nam chi nhánh Bình Thuận; Lê Anh Huy - cựu Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận; Nguyễn Xuân Phong - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận.

Và 6 cá nhân đang chấp hành án phạt tù trong vụ án khác: Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh - cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận; Nguyễn Thanh Cho - cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận; Lê Nam Hưng - cựu Chánh Văn phòng sở, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận (Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Bình Thuận).

Hồ sơ tài liệu liên quan 12 cá nhân trên gửi về Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trước ngày 9/5/2024.

Trước đó, ngày 23/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và các quyết định tố tụng hình sự đối với 12 trường hợp trên về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Sau khi được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, trong hai ngày 25 và 26/4/2024, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tổ chức thi hành tống đạt các Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và thực hiện lệnh khám xét nơi ở của các bị can trên. Trong số các bị can trên, có bị can Nguyễn Xuân Phong được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Quá trình chuyển đổi đất “vàng” dẫn đến sai phạm nghiêm trọng

Theo đó, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trên diện tích đất tiền thân là sân golf Phan Thiết, tọa lạc tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết với diện tích hơn 62ha.

Ngày 15/11/2013, tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn tại dự án và chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Rạng Đông với mục tiêu xây dựng và kinh doanh sân golf đạt chuẩn quốc tế và công trình phục vụ kèm theo.

Sau đó, Công ty cổ phần Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để "đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ".

leftcenterrightdel
Dự án gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng (ảnh: TN) 

Tháng 3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất đề nghị trên. Khu đất sân golf được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận quyết định chuyển sang đất đô thị có diện tích hơn 620.000m2 nằm ở vị trí đắc địa tại thành phố Phan Thiết, tiếp giáp bãi biển Đồi Dương và hai trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Tôn Đức Thắng, phần còn lại tiếp giáp khu đô thị hiện có.

Trong đó, diện tích phải thu tiền sử dụng đất hơn 363.000m2, chiếm hơn 58%; diện tích không thu tiền sử dụng đất khoảng 257.000m2, chiếm hơn 41%.

Ngày 25/11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt tổng tiền sử dụng đất phải nộp 936,8 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,5 triệu đồng/m2. Thời điểm này, giá thị trường trên địa bàn Phan Thiết và các tuyến đường nằm quanh dự án thấp nhất khoảng 10 triệu đồng/m2, cao nhất 24 triệu đồng/m2.

Chủ đầu tư sau đó xây dựng hạ tầng, phân lô bán nền với giá từ 20 đến 30 triệu đồng/m2.

Tháng 8/2021, vụ sân golf Phan Thiết thành khu đô thị tại Bình Thuận được Ban chỉ đạo Trung ương Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi sau khi phát hiện dấu hiệu vi phạm. Đây cũng là một trong 9 dự án "đất vàng" tại Bình Thuận mà Bộ Công an đang tiến hành xác minh, điều tra theo đơn tố giác tội phạm của công dân địa phương.

Khánh Nghi

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra