Bộ GDĐT chỉ đạo kiểm tra, làm rõ những vấn đề dư luận xã hội quan tâm

Thứ hai, 12/10/2020 14:14
(ThanhtraVietNam) - Sau những phản ánh từ dư luận xã hội và ý kiến phản biện từ các chuyên gia giáo dục liên quan đến nội dung sách giáo khoa (SGK) lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ đúng theo tinh thần định hướng thanh tra, kiểm tra đó là tập trung vào những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Các giải pháp kịp thời, đáp ứng đề xuất cử tri quan tâm

Theo phản ánh, đề xuất từ cử tri trong thời gian gần đây, ngành Giáo dục cần tiếp tục có những giải pháp nâng cao chất lượng GDĐT, chú trọng đến việc đổi mới chương trình giáo dục, quản lý chặt chẽ về giá SGK trong năm học 2020-2021 ở các địa phương tránh tình trạng lợi dụng để tăng giá. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác GDĐT nhằm khắc phục bệnh thành tích, tình trạng nâng điểm trong thi cử, nâng điểm cho học sinh học thêm,...

Theo quy định của Luật Giá 2012, SGK là mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính (là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về giá). Doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính. Để quản lý chặt chẽ giá SGK, trong quá trình các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá SGK lớp 01 năm học 2020-2021 với Bộ Tài chính, Bộ GDĐT đã phối hợp rà soát và có 03 công văn đề nghị các NXB nghiêm túc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, giảm tối đa giá SGK nhằm mục tiêu bình ổn giá, hỗ trợ người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới nhằm khắc phục bệnh thành tích, quản lý chặt chẽ việc cho điểm kiểm tra đánh giá, tránh tình trạng nâng điểm cho học sinh.

Thực tế, hằng năm, Bộ GDĐT ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội trong lĩnh vực giáo dục và tổ chức thực hiện bảo đảm đúng tiến độ và kế hoạch đặt ra; kết luận thanh tra đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách về giáo dục và kiến nghị khắc phục, phát hiện sai phạm, xử lý và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ thường xuyên chỉ đạo các sở GDĐT tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục phổ thông trong công tác giáo dục, đào tạo nhằm hướng dẫn các nhà trường thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời, nghiêm minh.

leftcenterrightdel
 SGK Tiếng Việt lớp 1. Ảnh: Laodong.vn

Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vấn đề dư luận xã hội quan tâm

Những ngày gần đây, trước những phản ánh từ dư luận xã hội về một số nội dung chưa phù hợp của sách Tiếng Việt lớp 1, Người đứng đầu Bộ GDĐT đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp.

Cụ thể, dư luận đặt vấn đề về chương trình lớp 1 là khá “nặng”, một bộ phận học sinh chưa theo kịp, cùng với đó, không ít phụ huynh cũng phản ánh về nội dung tương tự khi hỗ trợ dạy học sinh theo các nội dung của SGK.

Sau khi rà soát ban đầu, ngành giáo dục thông tin chưa đủ thời gian để đánh giá chương trình lớp 1 có nặng hay không.

Ở diễn biến liên quan, Bộ GDĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn Tiếng Việt lớp 1. Trong đó, có nêu nội dung, căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã phê duyệt 05 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Kết quả kiểm tra tại các địa phương cho thấy, SGK lớp 1 đã được các nhà trường lựa chọn, tổ chức dạy học bước đầu đáp ứng yêu cầu; học sinh lớp 1 được làm quen với phương pháp dạy học mới, hứng thú và tự tin trong học tập.

Tuy nhiên, trước những phản ánh từ dư luận về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh lớp 1. Thậm chí có chuyên gia đã nhận định có một vài nội dung trong SGK Tiếng Việt lớp 1 còn được “sáng tạo” so với tinh thần của bản gốc câu chuyện…Vì vậy, Bộ GDĐT đề nghị Hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GDĐT.

Như vậy, việc chỉ đạo, kiểm tra, làm rõ những phản ánh từ dư luận quan tâm từ ngành GDĐT là thực hiện đúng tinh thần về định hướng thanh tra, kiểm tra. Tới đây, những vấn đề dư luận quan tâm sẽ được làm rõ, tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học, khách quan và trả lời dư luận cũng như thông tin rộng rãi tới các bậc phụ huynh.

Tràng An

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra