Tạo hành lang pháp lý phòng, chống in lậu hiệu quả
Các đại biểu tham dự hội nghị đến từ các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động in, đơn vị phòng, chống in lậu trong cả nước đã được phổ biến kết quả hoạt động trong công tác phòng, chống in lậu, các văn bản pháp luật, nghị định mới của Chính phủ quy định hoạt động in; văn bản quản lý, điều hành hoạt động in; thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống in lậu, các giải pháp nâng cao công tác quản lý in, phòng, chống in lậu trong thời gian tới.
Từ cuối năm 2022 đến nay, lực lượng liên ngành phòng, chống in lậu từ trung ương đến địa phương đã tiến hành 1.833 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, phát hành, cơ sở dịch vụ sao chép văn bản, thực hiện xử phạt 76 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 1,2 tỷ đồng; thu hồi, tiêu hủy hơn 130.000 ấn phẩm và bản thành phẩm không rõ nguồn gốc… Các vụ vi phạm tập trung nhiều ở các địa phương: TP Hà Nội, Hưng Yên, Cần Thơ, Long An…
|
|
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: NT |
Tại hội nghị, các tham luận chỉ ra những yếu tố khó khăn khách quan vẫn tồn tại trước nay gồm: thiếu thốn nhân lực, kinh phí… Mặt khác, các đối tượng in lậu ngày càng tinh vi với nhiều phương thức vi phạm phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.
Bên cạnh đó, một số văn bản luật đã cũ, hết hạn hoặc chưa rõ ràng, đề xuất cần nhanh chóng cập nhật, bổ sung chỉnh sửa để tạo hành lang pháp lý hiệu quả khi áp dụng. Việc điều tra, phát hiện của Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành còn hạn chế. Quá trình phối hợp giữa các đội, ban ngành liên quan dù tiến bộ nhưng chưa thực sự chặt chẽ.
|
|
Quang cảnh Hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu toàn quốc năm 2023. Ảnh: NT |
Nhiều tham luận đề xuất Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ đạo Cục Xuất bản khẩn trương tham mưu bổ sung thể chế, suy nghĩ về một thông tư mới để mở rộng không gian phòng, chống in lậu. Trong đó, nhiệm vụ chủ chốt không chỉ là phòng, chống in lậu mà tiến tới phòng, chống gian lận thương mại.
Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cần phải nâng cao vị trí, vai trò của các bộ ban ngành trong công tác phòng, chống in lậu toàn quốc. Trong đó, vai trò của đoàn, đội liên ngành trung ương và địa phương cần được đẩy mạnh và điều cốt lõi là cần sớm hoàn thiện thể chế. Thời gian qua, phía Cục đã ráo riết chuẩn bị và dự kiến sẽ trình Quốc hội Luật Xuất bản sửa đổi, bổ sung.
Thực tiễn từ cơ sở
Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Quảng Ninh đang phát huy hiệu quả trong cơ cấu tổ chức bộ máy, đặc biệt của Quảng Ninh khi trực tiếp Giám đốc Sở làm Đội trưởng; Chánh Thanh tra Sở làm Đội phó; các thành viên gồm: 01 Lãnh đạo Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản; 01 cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh; 01 cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh và 01 cán bộ Phòng Thanh tra Pháp chế, Cục Quản lý thị trường tỉnh.
|
|
Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Ngô Thị Thúy Hằng đại diện Đội liên ngành phòng, chống in lậu tỉnh Quảng Ninh, tham luận tại Hội nghị. Ảnh: NT |
Đội làm việc theo chế độ tập thể, lấy ý kiến thống nhất bằng biểu quyết theo đa số, bảo đảm thống nhất việc tổ chức thực hiện và phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống in lậu từ Trung ương, tỉnh đến cơ sở; bảo đảm sự phối hợp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Sở, ban, ngành và địa phương; giải quyết công việc đúng phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo các quy định của pháp luật, bảo đảm kịp thời, chất lượng và hiệu quả.
Nhiều năm qua Quảng Ninh đã chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, cơ chế một cửa điện tử, giảm bớt thời gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực xuất bản, in, phát hành.
Kinh nghiệm trong hoạt động của Đội, đã tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước, của ngành về hoạt động xuất bản, in, phát hành cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm kịp thời để các cơ sở nắm biết, chấp hành đúng quy định. Có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực của lãnh đạo cơ quan.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã biểu dương các đơn vị chức năng trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống in lậu. Đồng thời, đề nghị tập trung thực hiện những nhiệm vụ trong thời gian tới: Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương rà soát, hoàn thiện quy chế hoạt động theo hướng kết hợp nhiều cơ quan, nhiều đơn vị để phát huy sức mạnh tổng thể; cần tăng cường nguồn lực, vật lực cho các Đội liên ngành tại địa phương, đáp ứng yêu cầu của đấu tranh chống in lậu hiện nay./.