Ninh Bình:

Chủ động, chú trọng đối thoại, nhiều vụ việc được giải quyết từ cơ sở

Thứ năm, 10/03/2022 15:57
(ThanhtraVietNam) - Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài; bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Thời gian qua, lãnh đạo các cấp, các ngành, cán bộ tiếp công dân của tỉnh luôn thực hiện đúng trách nhiệm, đạo đức công vụ trong công tác tiếp dân. Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, tiếp nhận đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh và ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh trình bày. Giải thích, hướng dẫn cho công dân chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn người KNTC, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

Đối với các trường hợp nhiều người cùng KNTC, kiến nghị, phản ánh về một nội dung đều được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, trực tiếp tiếp dân, yêu cầu cử người đại diện để lắng nghe người đại diện trình bày về nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận đơn thư và các thông tin, tài liệu do công dân cung cấp. Trường hợp những công dân chưa có đơn KNTC, kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân yêu cầu người đại diện viết thành văn bản hoặc ghi lại đầy đủ, chính xác nội dung vụ việc do người đại diện trình bày, đọc lại cho họ nghe và yêu cầu ký hoặc điểm chỉ để xác nhận.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên tiếp công dân. Ảnh minh họa: baoninhbinh.org.vn

Các đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người tiếp công dân tiếp nhận, xem xét thụ lý để giải quyết và thông báo cho đại diện của những người KNTC về kết quả xử lý theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Việc giải quyết khiếu nại cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định, đúng thẩm quyền. Các vụ việc khiếu nại khi giải quyết các huyện, thành phố, sở, ngành đều tiến hành tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với công dân đảm bảo theo quy định. Sau khi ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại, đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Đối với các vụ việc liên quan đến khiếu nại quyết định kỷ luật của cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được đơn khiếu nại đã tự mình kiểm tra hoặc phân công cho các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình; nếu thấy trái pháp luật, chưa đảm bảo đã kịp thời sửa chữa, khắc phục kịp thời đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho người khiếu nại; cơ bản các vụ việc đã được giải quyết ngay từ khi phát sinh.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo đã thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục và thi hành kết luận giải quyết tố cáo; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, lĩnh vực quản lý để giải quyết tố cáo được đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước. Việc giải quyết tố cáo cơ bản đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Các vụ việc tố cáo được giải quyết đúng thẩm quyền; sau khi xác minh, đã có Kết luận nội dung tố cáo theo quy định.

UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn chuyên môn đối với UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành trong công tác giải quyết KNTC. Thanh tra tỉnh thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành trong công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư, qua đó nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị trong công tác giải quyết KNTC.

Trong hai tháng đầu năm 2022, công dân đến Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh cơ bản thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp công dân cố tình gấy rối, không chấp hành nội quy tiếp công dân như: tự ý ghi âm, ghi hình khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân; chửi bới, xúc phạm, thiếu tôn trọng cá nhân, cán bộ, công chức nhà nước, gây mất an ninh trật tự; kích động, lôi kéo khiếu nại đông người, vượt cấp.

Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng Hành chính cho phép công dân được khởi kiện ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại. Nhưng thực tế cho thấy công dân rất ít khi khởi kiện vụ án hành chính mà chủ yếu khiếu nại lần hai tại UBND tỉnh, nhiều trường hợp sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng không đồng ý thì tiếp tục đeo bám các cơ quan Trung ương. Một số công dân liên tục gửi các đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan Nhà nước ở Trung ương, cấp tỉnh và cá nhân các đồng chí lãnh đạo Trung ương và lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện với mong muốn qua vụ việc gây áp lực sẽ được xem xét giải quyết thêm về quyền lợi. Điều này gây rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra phương án để chấm dứt việc khiếu nại của người dân.

Qua thực tế thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KNTC, Thanh tra tỉnh Ninh Bình cũng có kiến nghị, đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu ban hành văn bản quy định hướng dẫn các biện pháp chế tài cụ thể áp dụng đối với những người khiếu nại đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời, giải thích, nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại; đồng thời, có giải pháp xử lý nghiêm những người lợi dụng quyền dân chủ, quyền khiếu nại để kích động, lôi kéo khiếu nại đông người, vượt cấp.

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra