Đổi mới hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong tình hình mới

Thứ hai, 17/06/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong tình hình mới” là chủ đề Hội thảo do Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức ngày 17/6, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề liên quan đến kết quả đạt được, giải pháp khắc phục một số hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong hoạt động Công đoàn các cấp.

Phát biểu khai mạc, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn trong hệ thống tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở và đoàn viên; thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tuy nhiên, hoạt động của các cấp còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa có giải pháp thật hữu hiệu để nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn với đặc thù đa số cán bộ đoàn viên có trình độ cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, còn nặng về lý luận, chưa có phương pháp đổi mới trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ nhiệm kỳ mới.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Chung Thủy/VOV.VN
Bên cạnh đó, phong trào thi đua tại một số cơ quan, đơn vị còn nặng về hình thức, chưa tạo động lực thi đua từ cơ sở, từ đoàn viên, hiệu quả, tác dụng chưa cao. Công tác tham gia cải cách hành chính còn hạn chế; việc đổi mới phương thức hoạt động công đoàn ở một số công đoàn cơ sở chưa rõ nét; cán bộ công đoàn ở một vài cơ sở còn lúng túng về tổ chức hoạt động cũng như thực hiện vai trò chức năng, nhiệm vụ của công đoàn...

Trước bối cảnh đó, các đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích thực trạng nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam hiện nay; đồng thời, chia sẻ những mô hình, những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả; Đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chung Thủy/VOV.VN

Đề xuất giải pháp “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam trong tình hình mới”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ nêu ý kiến cần phải có sự đổi mới về phong cách, lề lối làm việc của cán bộ công đoàn các cấp. Đồng thời, đề xuất thực hiện các giải pháp:

Thứ nhất, quán triệt chỉ đạo đội ngũ cán bộ công đoàn đổi mới tư duy, thái độ, đổi mới phong cách theo hướng năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ vì mục tiêu chung của tập thể và phục vụ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Thứ hai, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, định hướng thực hiện nhiệm vụ, cần phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ công đoàn; có cơ chế động viên, khích lệ đối với những cán bộ công đoàn tận tâm với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới và đạt thành tích trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Khuyến khích cán bộ công đoàn có tư duy sáng tạo, có cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển và phục vụ lợi ích chính đáng chung của đoàn viên, người lao động.

Cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch những đoàn viên có trình độ, năng lực, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc vào đội ngũ cán bộ công đoàn.

Thứ ba, đối với mỗi cán bộ công đoàn, cần nhận thức đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm của bản thân, trách nhiệm trước công việc; chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, tránh tư duy khuôn mẫu; có tinh thần trách nhiệm, cầu thị, hợp tác, chia sẻ, luôn nỗ lực hết mình, tự khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn; tự giác trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc.

Chấp hành nghiêm quy định của cơ quan, đơn vị về tiến độ và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công.

Đặc biệt, không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc, qua đó tạo được niềm tin của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức Công đoàn.

"Tóm lại, mỗi cán bộ công đoàn đều không ngừng đổi mới phong cách của chính cán bộ công đoàn trong tư duy về hoạt động công đoàn, trong lãnh đạo, vận động và thuyết phục người lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của người lao động" ông Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh./.

K. Dung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra