Thanh Hóa:

Đối thoại là khâu quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ tư, 26/01/2022 08:20
(ThanhtraVietNam) – Từ thực tế giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định đối thoại là một khâu quan trọng trong giải quyết KNTC. Thông qua đối thoại không chỉ giúp các vụ việc được giải quyết nhanh chóng mà hoạt động này còn thể hiện tính dân chủ mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến đất đai

Tình hình KNTC trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ việc và có một số đoàn khiếu kiện đông người. Các vụ việc đã được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết khách quan, đúng pháp luật, hết thẩm quyền, đạt nhiều kết quả tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đối thoại, trả lời nhiều lần, ban hành văn bản từ chối tiếp, giải quyết, nhưng người dân vẫn cố tình kéo dài gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nội dung các vụ việc chủ yếu liên quan đến đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng; việc thực hiện chế độ, chính sách.

Trong năm 2021, các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh tiếp nhận 2.240 đơn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân khách quan của tình hình KNTC là do thời gian qua trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn và một số địa bàn (thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân...); giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, các dự án khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, có diện tích thu hồi đất nhiều, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.

Hơn nữa, năm 2021 là thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mặt khác, cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, lao động thương binh xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.

Về nguyên nhân chủ quan, một số vụ việc đã có quyết định giải quyết, nhưng chậm triển khai thực hiện quyết định, xử lý chưa nghiêm, chưa tương xứng với khuyết điểm, sai phạm; một số vụ việc chưa giải quyết theo đúng trình tự giải quyết KNTC theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; một số vụ việc còn khó khăn vướng mắc trong giải quyết do hồ sơ giấy tờ lưu trữ không đầy đủ, quan điểm giải quyết các ngành còn trái ngược, đặc biệt trong việc xác định nguồn gốc đất, việc xem xét chấp thuận các phiếu thu tiền khi giao đất trái thẩm quyền để xác định nghĩa vụ tài chính khi công nhận và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., nên công dân tiếp tục khiếu kiện.

Đáng nói, công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành nhiệm vụ, khi làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân. Thậm chí, có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, dẫn đến việc công dân bức xúc, phát sinh KNTC.

Việc kiểm tra, rà soát các điều kiện, tiêu chuẩn của những người tham gia ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chưa chặt chẽ. Một số đối tượng lợi dụng sự kiện chính trị này để làm đơn phản ánh, kiến nghị và tố cáo nhằm làm giảm uy tín của ứng cử viên là cán bộ lãnh đạo, chia rẽ đoàn kết nội bộ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet

Tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt 93,37%

Năm 2021, Chủ tịch UBND các cấp, Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất theo quy định và các văn bản chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tại các buổi tiếp công dân định kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung giải quyết dứt điểm, kịp thời không để phát sinh các điểm nóng. Thông qua việc tiếp công dân đã giải thích, giải đáp chính sách pháp luật, hướng dẫn công dân chấp hành các quyết định, kết luận giải quyết KNTC và thực hiện quyền KNTC theo quy định của pháp luật.

Kết quả, các cơ quan hành chính trong tỉnh đã tiếp tổng số 13.738 lượt với tổng số 15.821 người. Số đoàn đông người được tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân tỉnh là 32 đoàn. Đồng thời, đã giải quyết 6.188/6.627 đơn KNTC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 93,37%.

Đáng chú ý, để giải quyết tốt các vụ việc KNTC, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn xác định đối thoại là một khâu quan trọng trong quá trình giải quyết. Chính vì vậy, từ khi Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2012) đến nay, việc thực hiện đối thoại trong giải quyết KNTC đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.

Đặc biệt, việc đối thoại không chỉ được thực hiện trong quá trình giải quyết KNTC mà tại các buổi tiếp công dân, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước đã trực tiếp đối thoại, giải thích cho công dân về chế độ chính sách, các quy định của pháp luật có liên quan để người dân hiểu, chấp hành.

Năm 2022, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, giải quyết vụ việc KNTC, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Ngoài ra, tiếp tục rà soát vụ việc tồn đọng, kéo dài, thống nhất với các ngành, địa phương đưa ra phương án xử lý dứt điểm; tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc tiếp công dân và giải quyết những vụ việc KNTC phức tạp…/.

Hoàng Minh

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra