|
|
Lãnh đạo TP Long Khánh thăm hỏi, động viên người thân và các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn bánh mì. Ảnh: NLĐ |
Theo đó, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đang điều trị cho 321 ca, xuất viện 19 ca, chuyển viện 11 ca, điều trị tại nhà 96 ca. Các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đều ổn định. Hiện bệnh viện đang tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân vào viện.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Cao su Đồng Nai tiếp nhận chữa trị 22 ca, trong đó có 9 trẻ em và không có ca nặng.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai đang chữa trị cho 12 bé bị ngộ độc. Trong đó, có 5 ca bệnh nặng.
|
|
Các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Ảnh: NLĐ |
Cụ thể, 2 ca đang phải lọc máu, thở máy là bé trai T.G.H. (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TP Long Khánh). Bé H. ăn bánh mì vào tối 30/4, đến ngày 1/5 thì nôn ói, tiêu lỏng. Ngày 2/5, bé nôn ói nhiều, tiêu lỏng nhiều, co giật nên được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Sau khi được sơ cấp cứu, bé H. được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng hôn mê, tổn thương tim, gan, thận. Các bác sĩ đang tiếp tục dốc sức điều trị, chăm sóc cho bệnh nhi.
Trường hợp thứ 2 là bé trai T.Đ.N.A. (7 tuổi, ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) cũng ăn bánh mì ngày 30/4, sau đó bị nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng lừ đừ, tụt huyết áp. Sáng 3/5, tình hình bệnh nhi N.A. có cải thiện, huyết áp đã ổn định, tim ổn định, đi tiểu được.
|
Tiệm bánh mì Băng ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai bán hơn 1.000 ổ mỗi ngày nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Liên quan vụ việc hơn 300 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm Băng (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình), báo cáo của UBND thành phố Long Khánh cho thấy tiệm này do bà N.T.K.B. làm chủ, có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ/ngày (2 buổi sáng - chiều).
Tiệm Băng bán bánh mì thịt, gồm thịt (tự chế biến); ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua); chả lụa, pa tê, nước sốt (tự làm)... Nguyên liệu được sơ chế và chế biến tại tiệm. Trong ngày 30/4, tiệm bán khoảng 1.100 ổ bánh mì. Người mua bánh mì tại tiệm Băng ăn hôm 30/4, sáng hôm sau thì có dấu hiệu tiêu chảy, nôn ói và bắt đầu nhập viện.
Theo báo cáo của UBND thành phố Long Khánh, tiệm bánh mì Băng thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ; tiệm không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào. Tiệm có 4 nhân viên bán bánh mì nhưng không khám sức khỏe định kỳ.
Ngay khi sự việc xảy ra, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Long Khánh đã đến kiểm tra cơ sở, tiến hành niêm phong tủ cấp đông (trong đó có nhiều nguyên liệu), buộc cơ sở ngưng hoạt động từ 11 giờ ngày 1/5. Đồng thời có văn bản yêu cầu các phường, xã rà soát tăng cường kiểm tra các nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, hàng rong… trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Về vấn đề vì sao tiệm bánh mì bán 1.000 ổ/ngày mà không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, lãnh đạo TP Long Khánh đã chỉ đạo rà soát, làm rõ.
|