Bước đầu xác định, bằng thủ đoạn hết sức tinh vi là thành lập chương trình, gây quỹ "Cây Chổi Vàng" với danh nghĩa để tôn vinh, ủng hộ, làm công tác từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc có hoàn cảnh khó khăn. Sau đó, núp dưới "vỏ bọc" của chương trình thiện nguyện, ông Tổng biên tập đã chỉ đạo phóng viên, cộng tác viên đi kêu gọi, vận động các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia ủng hộ tiền, nhưng thực chất là cưỡng đoạt với tổng số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Bằng cách truy tìm, săn lùng các dấu hiệu sai phạm từ lớn đến nhỏ, trọng tâm là bến bãi, công trường, xây dựng giao thông, nghĩa trang, xe cộ quá tải..., sau đó gây sức ép với các chủ đầu tư, nhà thầu, cá nhân, doanh nghiệp... yêu cầu đưa tiền, thông qua hợp đồng "tài trợ" chương trình "Cây Chổi Vàng".
Rồi đây cơ quan công an sẽ điều tra, có kết luận rõ ràng những sai phạm của ổ nhóm tội phạm ở Tạp chí Môi trường và đô thị. Nhưng cái ác, cái xấu không thể tồn tại trong thời gian dài như thế nếu không có sự thỏa hiệp của chính những người trong cuộc.
Vì lo sợ các vi phạm, sai phạm của mình bị đưa ra ánh sáng, nên chính các chủ doanh nghiệp, nhà thầu, chủ đầu tư đã chấp nhận “ủng hộ” tiền để đổi lấy sự im lặng. Chính điều này, làm cho cái ác, cái xấu của ông Tổng biên tập cùng đồng bọn không những không được dẹp đi, mà còn càng có cơ hội sinh sôi, nảy nở. Thậm chí, nhiều trường hợp chỉ vì ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, dù chỉ có một số sai sót nhỏ, không đáng kể, cũng chấp nhận rút hầu bao. Vì thế cái xấu, cái ác của nhóm người này càng được dịp bùng nổ.
Cũng chính vì lo sợ, ngại va chạm mà lại vô tình ủng hộ cho hành động “bỉ ổi” của ổ nhóm mạo danh hành động tốt đẹp, lợi dụng chính những con người yếu thế - công nhân vệ sinh môi trường - là những người có hoàn cảnh đặc biệt, làm việc cực nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm, thu nhập thấp để trấn lột của cả nhà tài trợ cũng như ăn tiền trên lưng những người lao động được chúng đặt cho mỹ từ “Cây Chổi Vàng”.
Việc triệt phá ổ nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản tinh vi này, càng thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục thực hiện nghiêm di huấn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Để vạch trần được những thủ đoạn tinh vi của những kẻ nhân danh báo chí “chống tiêu cực” đi tống tiền, cần hơn hết sự đồng lòng, dũng cảm dám tố cáo của người dân, doanh nghiệp, với phương châm không thỏa hiệp với cái ác, không thỏa hiệp với cái xấu.