Bộ Tư pháp:

Giải quyết đúng thẩm quyền và đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân

Thứ hai, 14/02/2022 18:27
(ThanhtraVietNam) – Công tác tiếp công dân (TCD), tổ chức đối thoại để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC) tại Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã được thực hiện thường xuyên, đúng quy định. Các vụ việc KNTC tồn đọng, kéo dài được giải quyết, góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị tại các địa phương.

Trong năm 2021, Bộ Tư pháp đã tiếp 194 lượt công dân đến KNTC, kiến nghị, phản ánh (KNPA). Trong đó, có 150 lượt TCD thuộc thẩm quyền (chiếm 77%), 44 lượt công dân đến khiếu nại không thuộc thẩm quyền (chiếm 23%). So với cùng kỳ năm trước, số lượt công dân đến Bộ Tư pháp KNTC giảm 25% (năm 2020, có 260 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo).

Qua công tác TCD, Bộ đã tiếp nhận các thông tin, KNPA, ý kiến đóng góp về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, trách nhiệm của Bộ Tư pháp; tiếp nhận các KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ để xem xét, giải quyết và trả lời cho công dân theo đúng thời hạn quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng lãnh đạo Thanh tra Bộ tiếp công dân định kỳ. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, trong cùng kỳ, Bộ cũng đã nhận được 2.043 đơn (1.872 đơn khiếu nại, 171 đơn tố cáo), trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền là 1.102 đơn, chiếm 54%; đơn thư không thuộc thẩm quyền là 941 đơn, chiếm 46%. So với năm trước, số lượng đơn thư KNTC Bộ Tư pháp nhận được giảm 16% (năm 2020, tiếp nhận 2.454 đơn thư). Số đơn thư KNTC, KNPA của công dân gửi đến Bộ Tư pháp đều được xử lý và xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Ngoài các đơn thư thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ, Bộ Tư pháp còn nhận được một số đơn thư có nội dung như: Kiến nghị hoàn thiện thể chế đối với các lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS) và bán đấu giá tài sản. Các đơn thư không thuộc thẩm quyền phần lớn là đơn thư khiếu nại liên quan nội dung bản án, đất đai, nhà ở, khiếu nại việc giải quyết chế độ không đúng cho một số đối tượng... đã được Bộ Tư pháp xử lý kịp thời.

Thực hiện Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ về quy trình xử lý đơn KNTC, đơn KNPA, Bộ đang rà soát, bổ sung các quy định mới để ban hành Quy chế xử lý đơn thư tại Bộ Tư pháp.

Công tác TCD, giải quyết đơn thư tại Bộ Tư pháp trong thời gian qua cho thấy, KNTC phát sinh từ một số nguyên nhân chủ yếu như: Trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận công dân còn hạn chế, một số trường hợp công dân lợi dụng dân chủ để thực hiện việc KNTC vượt cấp, kéo dài; Công tác giáo dục, thuyết phục để các bên đương sự hiểu và tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ của mình trong việc thi hành bản án, chấp hành bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định khác chưa được quan tâm đúng mức.

Nhìn chung, trong năm qua, Bộ Tư pháp đã bố trí công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để thực hiện công tác TCD và giải quyết KNTC. Công tác TCD, tổ chức đối thoại để giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật được thực hiện thường xuyên, đúng quy định pháp luật. Các vụ việc tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết, góp phần không nhỏ trong việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị tại các địa phương. Việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, đạt được kết quả nhất định.

Từ những kết quả đã đạt được, năm 2022, Bộ sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định pháp luật về giải quyết KNTC. Xem xét, giải quyết kịp thời các đơn thư thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Xử lý nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật tất cả các đơn thư KNTC, KNPA được gửi đến Bộ Tư pháp.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết KNTC và trách nhiệm giải quyết trong toàn Ngành, nhất là công tác giải quyết KNTC trong lĩnh vực thi hành án dân sự. Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các quyết định; tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích, thuyết phục công dân chấp hành quyết định đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả hoạt động TCD; thường xuyên kiểm tra, rà soát chỉ đạo xử lý dứt điểm các KNPA của công dân; tổ chức thực hiện tốt nội quy, quy chế TCD, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện tốt các quy định về TCD theo Luật, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan.

Ngoài ra, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác TCD, giải quyết KNTC; đầu tư trang thiết bị để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công tác TCD, giải quyết KNTC, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc cung cấp thông tin, bảo đảm chính xác, kịp thời, trung thực, khách quan.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành với các cơ quan hữu quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS địa phương trong việc tổ chức thi hành án. Tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết KNTC để các đơn thư được giải quyết ngay từ cơ sở.

Hà Tuấn

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra