Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: Nhìn từ mô hình, cách làm của tỉnh Quảng Ninh

Thứ ba, 30/04/2024 11:02
(ThanhtraVietNam) - Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 diễn ra từ 15/4 đến hết 1/5 trên phạm vi cả nước gắn liền với chuyển đổi số và mục tiêu đưa sách đến với nhiều người đọc hơn. Nhân dịp này, nhìn về mô hình, cách làm của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, việc thúc đẩy văn hóa đọc gắn với chuyển đổi số đã và đang phát huy hiệu quả.

Thư viện số giúp bạn đọc tiếp cận hơn hai triệu tài liệu

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu về công tác phát triển văn hóa dọc. Theo thống kê, 100% các thành phố, huyện, thị xã, các trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện, 80% các nhà văn hóa xã có tủ sách.

Hằng năm, thư viện tỉnh Quảng Ninh luân chuyển, trao tặng cho hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học từ 20.000 bản sách trở lên. Thư viện tỉnh chú trọng việc quảng bá, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng trang thư viện số nhằm giúp bạn đọc tiếp cận hơn 2.000.000 tài liệu với đa dạng các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị... Công tác phát triển tài liệu số kho địa chí cũng được Thư viện tỉnh Quảng Ninh chú trọng triển khai, đến nay, đã bổ sung khoảng hơn 200.000 trang tài liệu địa chỉ số hóa.

Thư viện tỉnh hướng tới hoạt động theo mô hình của cơ quan cung cấp dịch vụ với nhiều đổi mới các dịch vụ như: Lưu thông tài liệu; tra cứu và cung cấp thông tin; sao chụp tài liệu; khai thác tài liệu đa phương tiện; triển lãm sách; hỏi đáp, đăng ký thẻ trực tuyến; tư vấn, tổ chức thư viện...

Theo thống kê, trung bình mỗi năm phục vụ trên 200.000 lượt bạn đọc và khách tham quan, hơn 1.000.000 lượt sách, báo luân chuyển trên cả 2 hệ thống điện tử và truyền thống. Hỗ trợ sách, báo và nghiệp vụ tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đặc biệt định hướng cho các thư viện cơ sở đẩy mạnh hoạt động thư viện gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành tổ chức các hoạt động, cuộc thi, sự kiện nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc như: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ninh năm 2020, 2021; Hội sách Quảng Ninh năm 2020, Hội sách Quảng Ninh năm 2022, Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời... tổ chức thường xuyên, đồng thời các hoạt động trưng bày, triển lãm trực tiếp và trực tuyến nhằm phục vụ bạn đọc trên khắp cả nước, đẩy mạnh công tác liên thông thư viện trong và ngoài tỉnh.

“Hoạt động thư viện được chú trọng thực hiện theo hướng hiện đại hóa, tạo lập các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, phục vụ bạn đọc trên môi trường số. Dịch vụ đăng ký thẻ bạn đọc trực tuyến đã hỗ trợ đăng ký cho hơn 1.500 bạn đọc từ xa; dịch vụ hỗ trợ, tư vấn phục vụ 24/24h thông qua Fanpage của thư viện. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, Website, Fanpage Thư viện; Kênh Youtube Quang Ninh Library - Audiobooks. Triển khai học tập và trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật về thư viện thông qua hình thức trực tuyến. Triển lãm, giới thiệu sách trực tuyến “Học tập trong thời kỳ chuyển đổi số - cơ hội và thách thức" thu hút hơn 1.000.000 lượt quan tâm và theo dõi của bạn đọc...”, đại diện Thư viện Quảng Ninh chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Bạn đọc trẻ tại Thư viện Quảng Ninh. Ảnh: TVQN

Bảy giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số

Tuy nhiên, công tác liên thông và thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống các thư viện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn do: (1) Sự phát triển không đồng đều giữa các loại hình thư viện; giữa các thư viện trong cùng một loại hình; (2) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật lạc hậu, nguồn kinh phí đầu tư thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động, phát triển của thư viện; (3) Đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng, tỉnh độ về công nghệ thông tin và ngoại ngữ còn hạn chế, chưa theo kịp với sự phát triển của hoạt động thư viện trong thời kỳ công nghệ 4.0...Những khó khăn trên đặt ra vấn đề và giải pháp để xử lý.

Theo lãnh đạo Thư viện tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, để thúc đẩy văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Bảo đảm phát triển song song 2 nhóm cán bộ: Nhóm có trình độ công nghệ thông tin và nhóm có trình độ và lĩnh vực thông tin thư viện để đảm bảo các nhiệm vụ thiết kế, cài đặt, vận hành và quản gì hệ thống, thu thập, xử lý, tổ chức và phân phối, quản trị hệ thống ở những cấp độ khác nhau. Song song với đó, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực vừa đáp ứng môi trường thư viện số và thư viện truyền thống. Thường xuyên tổ chức cho cán bộ thư viện được học tập và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật các thông tin khoa học mới, đặc biệt là khoa học thư viện để đảm bảo cán bộ thư viện có thể vận hành và phát triển thư viện số.

Thứ hai, công tác bổ sung, phát triển nguồn tin: Khai thác tài liệu số từ nhiều nguồn khác nhau như bổ sung bằng cách mua, hoặc thuê các tài liệu đã ở dạng số; chuyển dạng các tài liệu truyền thống sang dạng số bằng thiết bị số hóa; khai thác các tài liệu nội sinh, tặng biểu. Hiện nay có rất nhiều các thư viện đã liên kết với các công ty, các nhà sách, nhà xuất bản để thuê quyền truy cập, cung cấp tài liệu số cho bạn đọc đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm tốt các chức năng bổ lưu giữ, bảo quản và phổ biến tài liệu địa chí nhằm bảo tồn và phát huy kho tàng xuất bản phẩm, di sản văn hóa của Quảng Ninh; xây dựng, cập nhật và chia sẻ hệ thống thư mục ấn phẩm sách, báo viết về tỉnh Quảng Ninh.

Thứ ba, đối với các thư viện chưa có phần mềm thư viện số (phần mềm thương mại) thì có thể lựa chọn phương án phần mềm mã nguồn mở để quản lý lưu trữ và khai thác các tài liệu số dưới nhiều dạng như âm thanh, hình ảnh văn bản, đồng thời hỗ trợ việc thiết lập chính sách thông tin, quản trị người dùng tin thông qua việc cấp quyền truy cập khai thác thông tin tài liệu trong hệ thống. Phần mềm mã nguồn mở được cung cấp miễn phí. Người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển và nâng cấp. Ví dụ phần mềm Green Stone, DSpace,...

Thứ tư, đổi mới các mô hình phục vụ bạn đọc, tăng cường tạo lập các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến: Xây dựng mô hình hoạt động, cuộc thi, triển lãm trực tuyến qua mạng xã hội Facebook; tạo lập các nhóm, câu lạc bộ thiếu nhi, câu lạc bộ bạn đọc yêu sách để duy trì thói quen đọc sách, là nơi trao đổi, chia sẻ những cuốn sách nổi bật và yêu thích.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số hoạt động và dịch vụ của Thư viện. Tạo bộ sưu tập Sách nói - Kể chuyện theo yêu cầu của bạn đọc; thiết lập các trò chơi tự động khi bạn đọc đến thư viện (thông qua AI), bạn đọc tự tương tác với máy tính để trả lời các trò chơi kiến thức được cài đặt sẵn trên máy tính.

Thứ năm, về công tác truyền thông, vận động, quảng bá thư viện, cần nghiên cứu ứng dụng phần mềm thư viện trên điện thoại thông minh với các chức năng cung cấp tài liệu toàn văn, tra cứu cơ sở dữ liệu của thư viện, đăng ký làm thẻ bạn đọc đã phương tiện; thông báo các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ mới của thư viện cho bạn đọc, dựng các kênh tương tác với bạn đọc, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, dịch và hoạt động của thư viện.

Thứ sáu, tập trung xây dựng các chính sách đầu tư và phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa. Triển khai hiệu quả đồng thời 2 giải pháp phát triển văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tích cực chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; huy động mọi nguồn lực đầu mộ tư và đổi mới cơ chế quản lý, phát huy hiệu quả việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa.

Thứ bảy, đẩy mạnh công tác phối hợp và tổ chức các hoạt động của thư viện trên địa bàn tỉnh, phát triển mô hình thư viện số. Đồng thời, tập trung vận hành mọi hoạt động của thư viện trên nền tảng công nghệ số như: Thu thập, bổ sung tri thức số; phân loại - xử lý - tổ chức tri thức số, trình bày và hệ thống tìm kiếm tri thức số; truyền thông tri thức số; đổi mới các sản phẩm và dịch vụ tri thức số. Hướng tới mô hình liên thông thư viện để chia sẻ tài nguyên thông tin, tối ưu hóa nguồn tri thức số, hệ thống tìm kiếm thông minh nhằm giúp người dùng tin khai thác được toàn bộ hệ thống tài liệu. Phấn đấu trở thành Trung tâm Thông tin, Trung tâm Dữ liệu lớn của tỉnh, thư viện số, xã hội số, tăng cường vai trò xây dựng và quản trị tri thức số.

“Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, để văn hóa đọc đạt được hiệu quả thì cần có sự quan tâm tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện của đất nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Các thư viện cần không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, dịch vụ và hoạt động thư viện nhằm khẳng định tầm quan trọng của văn hóa đọc trong nhiệm vụ xây dựng một xã hội học tập, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, góp phần kiến tạo phát triển cho quê hương, đất nước”, lãnh đạo Thư viện Quảng Ninh nhấn mạnh./.

Tràng An

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra