Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 373/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đánh giá cao Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), cơ quan thường trực của Hội đồng đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị chu đáo cho phiên họp; các ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung, tâm huyết, trách nhiệm, có kinh nghiệm, sát thực tiễn, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế như: Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 của các địa phương còn chậm (còn 25/63 tỉnh, thành phố chưa ban hành văn bản); công tác phát hiện các điển hình trong phong trào thi đua của một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa được chú trọng; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất chưa đồng đều và tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước còn thấp; trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan đơn vị chưa được đề cao; vẫn còn để xảy ra sai phạm trong công tác khen thưởng.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 8 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ảnh: Petrotime |
5 bài học kinh nghiệm
Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác thi đua, khen thưởng thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Càng khó khăn thì càng phải thi đua" để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Hai là, các phong trào thi đua cần bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của đất nước gắn với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.
Ba là, khẩn trương hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thi đua, khen thưởng tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước.
Bốn là, quan tâm tới bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; kiện toàn, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong công tác thi đua, khen thưởng.
Năm là, khi giao nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm để khi đánh giá, khen thưởng dễ dàng, chính xác, khách quan; và khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Nhân rộng các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo
Thời gian tới, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tình hình thế giới dự báo tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, rủi ro gia tăng. Ở trong nước, khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trước tình hình đó, để thúc đẩy các phong trào thi đua, khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn dân, cả hệ thống chính trị, công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Khẩn trương hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng theo đúng quy định, thẩm quyền; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung còn vướng mắc khi áp dụng thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ.
Hướng tới dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 80 năm ngày truyền thống Công an nhân dân và các ngày lễ lớn của đất nước năm 2025 như: 80 năm thành lập nước, 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, rà soát, đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc qua các thời kỳ nhưng chưa được khen thưởng, cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ: Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Bộ Nội vụ cùng với Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức phát động và thực hiện tốt Đợt thi đua "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3000km đường cao tốc". Tiếp thu ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng, hoàn thiện Dự thảo Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua.
Các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục phát động, triển khai tích cực các phong trào thi đua; đồng thời tập trung chỉ đạo triển thực hiện tốt Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua yêu nước các cấp, các ngành tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI bảo đảm đúng tiến độ, thiết thực, hiệu quả, tạo khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; tuyên truyền, biểu dương nhân rộng các phong trào thi đua, các mô hình sáng tạo, hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; kết quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về việc xét phong tặng, truy tặng các danh hiệu "Anh hùng", Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ, thực hiện quy trình đề nghị khen thưởng theo đúng quy định hiện hành./.