Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra

Thứ ba, 02/04/2024 17:58
(ThanhtraVietNam) - Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, trước hết cần bảo đảm nhận thức đúng đắn của Người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong cơ quan thanh tra nhà nước, đặc biệt là mọi công chức thanh tra về tác hại, hệ quả, các nguy cơ và vai trò, ý nghĩa, tính cấp thiết của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra là hoạt động công vụ, sử dụng quyền lực nhà nước. Có quyền lực thì có nguy cơ lạm dụng quyền lực để vụ lợi, do đó, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. Trên thực tế đã xuất hiện không ít những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.  Cụ thể như: Vụ 04 cựu cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt hơn 02 tỷ đồng; Vụ bảo kê Logo “xe vua” ở Hà Nội có 04 cựu cán bộ Thanh tra giao thông tham gia được đưa ra xét xử năm 2021. Vụ cựu Chánh Thanh tra Bộ thông tin và Truyền thông lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị xử án 34 tháng cải tạo không giam giữ; vụ 01 cán bộ thanh tra Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lăk bị bắt về tội nhận hối lộ trong khi tiến hành hoạt động thanh tra chuyên ngành… Hay gần đây là vụ nguyên Cục trưởng Thanh tra, giám sát (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đỗ Thị Nhàn bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ". Ngoài bà Nhàn, còn có 4 cán bộ thuộc đoàn thanh tra liên ngành, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng cũng bị khởi tố vì báo cáo không đúng sự thật kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dẫn đến công tác giám sát, kiểm sát, xử lý ngân hàng SCB không được kịp thời; Vụ việc nguyên Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu Nguyễn Thanh Trì bị bắt vì nhận hối lộ của nhiều trưởng ban quản lý rừng phòng hộ các huyện trên địa bàn, nhằm bỏ qua các lỗi vi phạm…

leftcenterrightdel

Hoạt động thanh tra. (Ảnh minh họa: Internet)

Từ kết quả phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan thanh tra nhà nước và những vụ việc điển hình gần đây cho thấy, đặc trưng của các vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động công vụ của các cơ quan thanh tra nhà nước là cán bộ thanh tra nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong những vụ việc cụ thể hoặc có hành vi chủ động dọa nạt, vòi vĩnh, đòi hối lộ để bỏ qua vi phạm, thậm chí một số vụ việc đã có hành vi nhận hối lộ thường kỳ để bảo kê cho hoạt động vi phạm.  Những hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến việc phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

Việc phát hiện và đưa hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra ra xử lý có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh nhưng không thể loại trừ được toàn bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhà nước còn cần đến các biện pháp để loại trừ các nguyên nhân và điều kiện phát sinh của tham nhũng trong hoạt động thanh tra xuất phát từ chính phương thức tổ chức, cách thức vận hành hoạt động này tức là không chỉ chống (phát hiện, điều tra, xử lý) - đấu tranh trực tiếp với hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra bằng các quy định của Luật Hình sự, Tố tụng Hình sự… mà còn phải phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện của tham nhũng, tiêu cực nhằm hướng tới mục tiêu giảm trừ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra.

 Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, trước hết cần bảo đảm nhận thức đúng đắn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong cơ quan thanh tra nhà nước, đặc biệt là mọi công chức thanh tra cần có nhận thức đúng đắn về tác hại của tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, các nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, vai trò, ý nghĩa và tính cấp thiết của việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Bảo đảm nhận thức đúng đắn và đầy đủ về quan điểm, đường lối, chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là quan điểm về chống tham nhũng không có “vùng cấm”, cán bộ, công chức dù ở cấp nào, địa vị nào nếu thực hiện hành vi tham nhũng đều phải bị xử lý nghiêm khắc.

 Ngành Thanh tra cũng cần quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, để từ đó xây dựng hiệu quả cơ chế răn đe cán bộ không dám lợi dụng quyền hạn nhằm hợp pháp hóa hoặc bao che sai phạm trong thực thi nhiệm vụ.

 Bên cạnh đó, cần có quyết tâm chính trị đầy đủ và được chuyển hóa thành thành hành động thực tế của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan thanh tra nhà nước, người đứng đầu tổ chức, đơn vị trong cơ quan thanh tra nhà nước, đặc biệt là mọi công chức thanh tra trong việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra trên thực tế.

Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động thanh tra, để người làm công tác thanh tra không chịu bất cứ sức ép nào. Việc hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn vì có thể sẽ động chạm đến lợi ích của nhiều nhóm chủ thể khác nhau. Đặc biệt là việc sửa đổi các quy định của pháp luật giúp tạo ra các cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động thanh tra nhưng đối với một bộ phận cán bộ thanh tra, có thể sẽ bị coi là những rào cản, gây phiền hà mà thực chất là đang hạn chế sự tuỳ tiện của họ./.

Đỗ Quyên

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra