Quảng Nam:

Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện, bắt giữ hàng ngàn vụ việc vi phạm

Thứ hai, 26/08/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Sơ kết công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2024 tại Quảng Nam cho thấy, hàng ngàn vụ việc vi phạm bị phát hiện, bắt giữ thông qua công tác thanh, kiểm tra.
leftcenterrightdel
Thông báo số 298/TB-UBND ngày 22/8/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam 

Nhiều kết quả tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam đã kịp thời xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan thành viên tổ chức triển khai nhiều giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các lực lượng chức năng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, bắt giữ 1.039 vụ việc vi phạm (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng tăng 97 vụ).

Trong đó, phát hiện, bắt giữ 396 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 100% so với cùng kỳ); 625 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 14,5% so với cùng kỳ); 10 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 28,57% so với cùng kỳ).

Xử lý vi phạm hành chính 1.085 vụ (tăng 17,17% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 159 vụ). Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 58.965,3 triệu đồng (tăng 2,56% so với cùng kỳ). Trong đó, tiền thu phạt VPHC: 21.252,6 triệu đồng (tăng 13,97% so với cùng kỳ), tiền phạt bổ sung, truy thu thuế: 38.443,02 triệu đồng (tăng 1,32% so với cùng kỳ), tiền bán thanh lý hàng tịch thu: 781,89 triệu đồng (giảm 67,07% so với cùng kỳ).

Tiến hành khởi tố 202 vụ/378 đối tượng. Kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị đã góp phần ổn định thị trường, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bảo vệ được lợi ích hợp pháp và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; không để xảy ra địa bàn, điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng…

Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn nhất là công tác đấu tranh, phát hiện, xử phạt các hành vi vi phạm pháp đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh qua mạng xã hội như: zalo, Facebook, Twiter, Tiktok…

Vì vậy, kết quả phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường thương mại điện tử còn chưa cao. Năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đồng đều, nhất là đối với một số lĩnh vực mới, phức tạp như thương mại điện tử.

Kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra

Để tiếp tục tăng cường và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kế hoạch, phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam yêu cầu các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào thị trường nội địa của tỉnh và các vùng lân cận để tiêu thụ. Kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (zalo, facebook, tiktok…) mua, bán trực tuyến. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhất là vào các dịp Lễ, Tết.

Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa phương và yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng dầu, đường cát, vàng, ngoại tệ… Chú trọng kiểm tra kiểm soát thị trường đối với các hoạt động thương mại điện tử, nền tảng kinh tế số, các loại hình thương mại phi truyền thống mới phát sinh trong những năm gần đây.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, lực lượng chức năng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng... nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin giữa các ngành, lực lượng, phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ.

Thứ ba, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; tiếp tục duy trì các hình thức tuyên truyền mang lại hiệu quả thời gian qua, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên nền tảng công nghệ số, qua các kênh mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok…, nhằm kịp thời tuyên truyền, thông tin đến người dân các quy định quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh; các hoạt động kiểm tra, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng, khuyến cáo Nhân dân về tác hại của các hành vi kinh doanh trái pháp luật, buôn lậu, sản xuất - buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của nhân dân. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn thực hiện văn minh thương mại, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh đầu tư làm ăn chân chính.

Thanh Nhung

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra