|
|
Nhiều doanh nghiệp đã mất uy tín khi gặp phải người lao động gian dối về hồ sơ nhân sự (Ảnh minh họa) |
Cũng từ việc nâng cao quản lý này mà nhiều nhà thầu cũng đã phải “tự lớn lên”, nâng cao ý thức hơn (ý thức về vốn, nhân sự, năng lực chuyên môn…) để hồ sơ mình được “đẹp hơn”, “uy tín hơn” đối với các chủ đầu tư không những ở địa phương nơi doanh nghiệp đặt địa chỉ đăng ký kinh doanh mà còn đối với các địa phương khác để nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm cho doanh nghiệp. Vì việc quản lý được nâng cao cũng như sự nâng cao ý thức từ bản thân các doanh nghiệp nên nhiều nhà thầu - vốn là các doanh nghiệp đều có chung một nhận định: Thời buổi này nếu làm bừa, làm ẩu, gian dối thì không khác gì tự bắn vào chân chính mình khi nền kinh tế đang hết sức khó khăn.
Nâng cao quản lý, nâng cao nhận thức là như vậy, nhưng cũng có những cái mà chúng ta cần phải ghi nhận là trong thời gian vừa qua vẫn còn có không ít doanh nghiệp làm bừa, làm ẩu, dối trá về hồ sơ thầu… Ở mức độ cao hơn, đã có nhiều doanh nghiệp bị vướng mắc về pháp lý bởi hành vi gian dối, thậm chí còn là “đi đêm”, “bắt tay” với chủ đầu tư… về việc tham gia và trúng thầu này.
Có lỗi thì bị nhắc nhở, vi phạm thì bị dừng, sai phạm ở mức độ đủ căn cứ của pháp lý và pháp luật thì bị khởi tố, truy tố và nhận án là điều tất nhiên và cũng được nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm chỉnh ủng hộ. Thời gian vừa qua, ngoài năng lực của doanh nghiệp tham gia thầu theo quy định thì nhiều doanh nghiệp cũng còn nhiều cấn cá, nhất là phần vấn đề nhân sự chủ chốt cho những gói thầu. Có doanh nghiệp được quan tâm đã cho biết, về tính pháp nhân, vốn điều lệ, năng lực, hợp đồng tương tự thì chúng tôi rất hay vướng lỗi ở mặt nhân sự, đặc biệt là các nhân sự chủ chốt.
Về mặt nhân sự chủ chốt, ở đây tạm hiểu họ là người có trình độ, tay nghề, được các học viện, các trường, các trung tâm… cấp chứng chỉ đảm bảo về mặt nghiệp vụ cho họ. Khi doanh nghiệp có nhu cầu, qua tuyển dụng hoặc qua giới thiệu thì các nhân sự này tìm đến. Hồ sơ họ cung cấp phần lớn là những bản đã qua công chứng, nhiều khi vì việc bận hay thông qua bộ phận tuyển dụng nhân sự của doanh nghiệp, do một sự lơ là nào đó… mà không ít những nhân sự chủ chốt này đã mạo giả hồ sơ (như cắt, scan con dấu, hay bằng giả, bằng mua… mà có) nên nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá đắt về vấn đề này.
|
|
Việc cấm tham gia đấu thầu với các cá nhân vi phạm là chính đáng, còn việc xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động có sử dụng bằng và chứng chỉ không đúng quy định (thậm chí là giả) đối với nhà thầu của chủ đầu tư cũng nên đánh giá phù hợp (Ảnh minh họa)
|
Biết là vậy, nhưng khi nhân sự không trung thực thì nhiều doanh nghiệp vẫn không loại trừ được rủi ro cho mình. Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa công khai các quyết định cấm đấu thầu đối với một số cá nhân từng làm việc tại các nhà thầu khi tham gia dự thầu tại 2 gói thầu thi công thuộc Dự án sửa chữa mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông (ATGT) tại Cà Mau và Quốc lộ 1.
Theo đó, tại Gói thầu số 3 Thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa để đảm bảo giao thông, hoàn thiện hệ thống ATGT đoạn Km2381+450 - Km2382+900, Km2384+350 - Km2384+550, Km2389+370 - Km2389+850, Km2407+900 - Km2408+250, Km2412+600 - Km2413+000, Km2413+800 - Km2414+000, Km2426+600 - Km2426+900, đường Hồ Chí Minh, tỉnh Cà Mau, Cục ĐBVN quyết định cấm các cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu tại các dự án do Cục này là cấp quyết định đầu tư trong thời gian 3 năm tính từ ngày 6/2/2024.
Tại Gói thầu số 3 Thi công xây dựng Dự án Sửa chữa mặt đường, hoàn thiện hệ thống ATGT các đoạn Km1941+670 - Km1942+480, Km1950+750 - Km1954+050; Sửa chữa hệ thống thoát nước Km1954+200 - Km1955+163 (P), Quốc lộ 1, Cục ĐBVN quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại các dự án do Cục là cấp quyết định đầu tư trong thời gian 3 năm tính từ ngày 26/1/2024.
Nhận được thông tin, chính lãnh đạo doanh nghiệp cũng hết sức bàng hoàng vì rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát này. Theo các doanh nghiệp, qua quá trình đăng ký, tham gia thầu, loại trừ, chấm điểm… hết sức công khai và minh bạch thì các doanh nghiệp này đã được chủ đầu tư lựa chọn, và công việc cũng được tiến hành hết sức thuận lợi, suôn sẻ.
Rồi khó khăn cũng đến, từ việc có nguồn tin và quá trình xác minh thì nhân sự chủ chốt đang làm việc cho công ty và thực hiện gói thầu đã có sự man trá về hồ sơ pháp nhân của mình, đây là việc mà doanh nghiệp cũng hết sức bất ngờ vì từ trước tới nay vẫn tin tưởng vào nhân sự này. Lúc này doanh nghiệp đúng chả khác gì khi rơi vào tình cảnh: Con sâu làm rầu… doanh nghiệp khi nhân sự thì bị cấm thầu còn doanh nghiệp thì bị loại khỏi cuộc đua vì lỗi sơ ý không đáng có.
Sau khi nhận quyết định cấm thầu đối với nhân sự nói trên, bản thân doanh nghiệp cũng có rất nhiều băn khoăn vì hiện nay đa phần các doanh nghiệp khi triển khai tuyển dụng lao động, đều khó có thể kiểm soát được hồ sơ nhân sự là chuẩn hay không chuẩn. Điều này xuất phát từ việc quá tin tưởng vào hồ sơ đã được công chứng. Nhưng nhiều nơi cũng đã phát hiện ra việc công chứng sai, công chứng không chuẩn. Lúc này người lao động bị doanh nghiệp buộc thôi việc nhưng rắc rối vẫn xảy ra với doanh nghiệp khi không được tiếp tục tham gia gói thầu gây ảnh hưởng tới kế hoạch cũng như tài chính của doanh nghiệp.
Nói về vấn đề nhân sự giả mạo hồ sơ làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhiều lãnh đạo công ty có chung quan điểm: Việc cấm tham gia đấu thầu với các cá nhân vi phạm là chính đáng, còn việc xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động có sử dụng bằng và chứng chỉ không đúng quy định (thậm chí là giả) đối với nhà thầu của chủ đầu tư cũng nên đánh giá phù hợp. Nếu là hành vi cố tình vi phạm thì việc cấm thầu đối với tổ chức là việc nên làm, còn nếu là hành vi vô tình thì cần đánh giá khách quan. Vì bản thân doanh nghiệp cũng là người bị hại, khi đó các chủ đầu tư nên có hình thức xử lý vừa đủ và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.
Quan điểm này được đưa ra cũng đem lại cho người ta những suy nghĩ về việc xử lý gian lận hồ sơ của các nhân sự trong các công ty và các đơn vị có sử dụng lao động. Ví dụ như nếu không có sự thông đồng, chỉ đạo, cố tình sử dụng nhân sự giấy tờ bằng cấp “rởm” từ phía doanh nghiệp thì các cơ quan (đặc biệt là chủ đầu tư) cần có mức xử lý hợp tình hợp lý hơn. Đừng để vì một nhân sự có hành vi cố tình gian dối mà để ảnh hưởng tới cả tập thể doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp cũng chỉ vô tình mắc phải sai phạm đó. Trong trường hợp này, khi phát hiện sai phạm có lẽ chỉ cần thay đổi nhân sự “chuẩn” ví như 1 cỗ máy khi phát hiện có 1 con ốc bị hỏng thì chúng ta chỉ cần thay thế con ốc đó là cỗ máy lại hoạt động trơn tru. Cấm thầu đồng nghĩa với việc không được tham gia thầu và theo đó là những hệ lụy rất nặng nề không chỉ với người sử dụng lao động mà còn đến với cả người lao động khi người lao động buộc phải đi tìm việc làm mới trong bối cảnh nền kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay.
“Đơn cử như thời gian qua, báo chí phản ánh về một số nhà thầu có cá nhân vi phạm, nhiều lãnh đạo công ty đã rất sốc và ngay lập tức buộc thôi việc đối với cá nhân vi phạm. Việc buộc thôi việc một trong những cán bộ như vậy không những ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mà còn ảnh hưởng đến gia đình của người lao động. Nhiều công ty nhận thấy đây là một bài học và đã tiến hành rà soát chỉnh đốn lại đội ngũ nhân sự, kiên quyết không để tình trạng gian lận về hồ sơ lọt vào đội ngũ nhân sự và làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cũng như cơ hội tiếp cận việc làm của công ty” - Một doanh nghiệp vừa bị cấm thầu do có nhân sự gian lận hồ sơ chia sẻ./.