Góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo
Thời gian qua, Thanh tra Bộ đã tham mưu xây dựng, trình ban hành 1 Nghị định, 5 Thông tư, đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo 4 Thông tư quy định về các lĩnh vực công tác thanh tra Công an nhân dân (CAND); triển khai thực hiện 2 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm “đột phá”, chỉ đạo hoàn thiện quy trình trong từng lĩnh vực công tác thanh tra. Làm tốt công tác tham mưu Bộ trưởng thực hiện công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Đồng thời, trực tiếp tham mưu, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch công tác thanh tra hàng năm. Chỉ tính riêng năm 2021 và quí I/2022 đã phục vụ lãnh đạo Bộ tiếp công dân định kỳ tại địa điểm tiếp công dân của Bộ đảm bảo nghiêm túc, đúng quy định; tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, xác minh, giải quyết 128 vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng đảm bảo khách quan, thận trọng, đúng quy định của pháp luật; tiến hành 40 cuộc thanh tra theo kế hoạch; 3 cuộc thanh tra đặc biệt và 1 cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ còn chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo PCTN, lãng phí của Bộ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai các Kết luận, Quy định của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổng kết công tác PCTN, lãng phí của lực lượng CAND năm 2021, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 nghiêm túc, hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Thủ trưởng Công an các cấp trong công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí. Tham mưu kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ và sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, các hoạt động của Thanh tra Bộ đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, cấp ủy và Thủ trưởng Công an các cấp, góp phần quan trọng trong xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
    |
 |
Quang cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Công an với Thanh tra Bộ. Ảnh: CTV Mai Lệ |
Tập trung thực hiện tốt 4 nhiệm vụ trọng tâm
Để phát huy những kết quả đã đạt được và nâng cao chất lượng công tác thanh tra CAND trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Thanh tra Bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Thanh tra Bộ phải tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra; chủ động rà soát, đề xuất hoàn thiện quy định về tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được thuận lợi, hiệu quả nhất.
Hai là, cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra; hoàn thiện quy trình, cải tiến nội dung, các bước tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và PCTN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Ba là, coi trọng nghiên cứu, tổng kết các chuyên đề công tác; chủ động đổi mới phương pháp, biện pháp nghiệp vụ thanh tra cho phù hợp thực tiễn hoạt động của lực lượng CAND. Tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra đúng quy định của pháp luật, kết luận thanh tra phải cụ thể hóa được trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm; ghi nhận những bài học thành công và cả những bài học “không thành công”, đưa ra những kiến nghị đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự và hiệu quả các mặt công tác của Công an các đơn vị, địa phương. Đồng thời, làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kết luận thanh tra. Tăng cường hơn nữa công tác giám sát hoạt động đoàn thanh tra, nêu cao tính tự giác, tính kỷ luật của cán bộ làm công tác thanh tra.
Chủ động làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; kịp thời phối hợp xử lý các vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, không để các thế lực thù địch, tội phạm lợi dụng khiếu nại, tố cáo gây phức tạp về an ninh, trật tự; không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Phát huy vai trò tham mưu của Thanh tra Bộ trong việc duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Công an và triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trong PCTN, tiêu cực, lãng phí; phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, theo đúng qui định của pháp luật.
Bốn là, tập trung xây dựng Đảng bộ Thanh tra Bộ trong sạch, vững mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra liêm chính, có phẩm chất, đạo đức tốt, bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, chắc về pháp luật, có kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp, uy tín, bản lĩnh, công tâm, khách quan, gương mẫu; tâm phải sáng, đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, đôi bàn tay phải sạch. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ…