Hiện tượng sạt lở liên tiếp xảy ra tại sông Cầu, Bắc Ninh:

Vì sao kiểm tra, giám sát không đi trước một bước?

Thứ ba, 09/04/2024 09:50
(ThanhtraVietNam) - Hiện tượng sạt lở liên tiếp xảy ra tại khu vực đê sông Cầu, tại tỉnh Bắc Ninh khiến nhiều nhà cửa bị đổ sập, đẩy nhiều hộ dân vào tình thế bất an. Mức độ nghiêm trọng của vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thuỷ lợi sẽ làm rõ, nhưng vấn đề đặt ra tại sao kiểm tra, giám sát không đi trước một bước?

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực thủy lợi

Sạt lở liên tiếp ở khu vực đê sông Cầu

Tuyến đê hữu sông Cầu đoạn qua khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 1,2km, tương ứng vị trí từ K48 +800- K49 +900 đê hữu sông Cầu. Dọc theo tuyến đê này về phía sông là khu vực dân cư sinh sống lâu đời, người dân tự tôn tạo các công trình nhà ở trên bãi sông, sát mép.

Phía bên bờ tả thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang cũng là khu dân cư sinh sống lâu đời, hiện nhân dân địa phương xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác thải, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy.

Thời gian gần đây, những sự cố liên tiếp và ngày một nghiêm trọng đã xảy ra khu vực bờ hữu đê sông Cầu thuộc phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.

Điển hình tháng 10/2023 đã xảy ra sạt trượt tại K49 +300, buộc các lực lượng chức năng phải di dời nhiều hộ dân.

Từ 3/3/20024 đến nay, khu vực đoạn từ K49 +750 đến K49 +800 đê hữu sông Cầu tại phường Vạn An bắt đầu xuất hiện một số vết nứt nhỏ và có xu hướng phát triển nhanh. Ngày 8/3/2024 khu vực sạt có chiều dài 50m, ăn sâu vào bãi sông từ 5-10m đã làm sạt toàn bộ công trình phụ của 3 hộ dân tại khu vực này xuống sông.

Ngày 14/3/2024 sự cố tiếp tục phát triển và làm sạt lở toàn bộ một ngôi nhà 2 tầng thuộc khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An. Lực lượng chức năng đã di dời 7 hộ dân trong diện nguy hiểm ra khu vực an toàn.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường tại khu vực đê hữu sông Cầu tại phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, từ tháng 10/2023 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã 2 lần công bố tình huống khẩn cấp liên quan sự cố sạt lở tại tuyến đê này.

Ngày 20/3, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sự cố sạt lở bờ sông đoạn từ K49+750:K49+800 đê Hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.

leftcenterrightdel
Nhiều công trình bị sạt lở tại tuyến đê hữu sông Cầu. Ảnh: PT (nongnghiep.vn)

Tuy nhiên, rạng sáng 7/4, tuyến đê hữu sông Cầu, vị trí K49+750 đến K49 +800 tiếp tục sạt lở mạnh. Sự cố sạt lở lần này nghiêm trọng hơn các lần trước, khiến 6 ngôi nhà của năm gia đình bị sạt xuống sông. Nhiều ngôi nhà liền kề với các công trình sạt lở có dấu hiệu sụt lún, gây ra các vết nứt nguy hiểm.

Vụ sạt lở nằm trong khu vực đã được các cơ quan chức năng cắm biển cảnh báo, làm hệ thống rào chắn, theo dõi sát diễn biến sự cố từ trước nên khi xảy ra sự cố không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản cũng giảm thiểu đáng kể.

Những vụ việc sạt lở đê hữu sông Cầu ở khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh đã làm dấy lên mối quan tâm cấp bách về việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thuỷ lợi và đảm bảo an toàn cho các khu dân cư gần sông. Để đối phó với tình trạng này, cần có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc bảo vệ thuỷ lợi.

Xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Tại Văn bản số 1055/UBND-NN, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi đặc biệt trong mùa mưa bão 2024, Sở NN&PTNT tổ chức thống kê, phân loại các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Trong đó, làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý, nhất là các vi phạm liên quan đến xây dựng nhà ở, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, xây tường bao… thuộc phạm vi công trình thủy lợi,

Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới các công trình thủy lợi (ưu tiên thực hiện đối với các công trình có nguy cơ xảy ra vi phạm lấn, chiếm phạm vi bảo vệ); chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý, khai thác theo quy định.

Triển khai các giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Rà soát, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của công trình thủy lợi, trường hợp công trình thủy lợi không còn khả năng chịu tải thì không cấp giấy phép. Tăng cường việc thanh tra, kiểm tra phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm gây ô nhiễm chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc bảo vệ môi trường, chất lượng nước trong công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, làm tốt công tác quản lý việc xả thải và thu gom chất thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Rõ ràng việc sạt lở nghiêm trọng tại khu vực sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh thời gian qua là trách nhiệm của không chỉ một sở, ngành hay địa phương. Thế nhưng, không ít câu hỏi đặt ra là vì sao trước mùa mưa bão, lực lượng chức năng không đi trước, kiểm tra, giám sát để phát hiện vi phạm và kịp thời xử lý dứt điểm, tránh những hậu quả đáng tiếc như đã và đang xảy ra./.

Bảo San

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra