Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương:

Thanh tra Chính phủ cần tập trung làm tốt 05 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Thứ ba, 22/09/2020 16:13
(ThanhtraVietNam) - Đảng ủy Thanh tra Chính phủ cần chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng lãng phí; tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng…là một số những lưu ý mà đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Đại hội 

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào sáng 21/9/2020, đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chia sẻ, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ có vị trí rất quan trọng, đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Tổng thanh Chính phủ, đây là điều kiện thuận lợi để Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc và cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra cũng như công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ.

Trong 5 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến thuận lợi, phức tạp, khó lường, song với quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực lớn, Đảng ủy đã phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên thực hiện tốt công tác tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xây dựng thể chế, hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực quản lý của Thanh tra Chính phủ; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường; công tác xây dựng cơ quan được quan tâm triển khai đồng bộ. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, kiến nghị sửa đổi kịp thời cơ chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực và có nhiều cuộc thanh tra được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, đánh giá cao. Công tác thẩm định, đôn đốc, xử lý sau thanh tra thu được nhiều kết quả; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến. Tích cực tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng.

 

leftcenterrightdel
Đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Đại hội

Những năm tới, trong bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh chóng, khó lường; dưới tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới. Vì vậy, đồng chí Lại Xuân Lâm cho rằng, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ cần có sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và các nhiệm vụ của ngành Thanh tra nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất, trong đó tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Đảng bộ Thanh tra Chính phủ là Đảng bộ cấp trên cơ sở có vai trò, vị trí rất quan trọng. Thanh tra Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đảng ủy cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng lãng phí; tham mưu đẩy nhanh việc thanh tra, kết luận những vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tài sản của nhà nước được dư luận và nhân dân quan tâm và công khai kết quả. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, hoàn thiện cơ chế giải trình và giám sát sự tăng, giảm tài sản của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định.

Thứ hai: Ban Chấp hành Đảng bộ và cấp ủy trực thuộc cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phát huy tinh thần của tập thể cấp ủy, của từng cấp ủy viên và của mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện các quy định của Đảng về nêu gương một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Đồng thời, tích cực phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ chi bộ, cơ quan, đơn vị và trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Thứ ba: Thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, để Đảng bộ thực sự trở thành hạt nhân chính trị, giữ vững và phát huy hiệu quả vai trò của cấp ủy trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của từng cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và của ngành Thanh tra. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng chi bộ, thực hiện nghiêm quy định của Đảng và của Đảng ủy Khối về sinh hoạt chi bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy cần nghiên cứu xây dựng quy định về sinh hoạt Đảng tạm thời đối với đảng viên đi công tác dài ngày theo yêu cầu nhiệm vụ của ngành; phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tăng cường sinh hoạt chuyên đề gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong sinh hoạt chi bộ cần tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình kịp thời để đem lại hiệu quả cao nhất.

Thứ tư: Tăng cường hơn nữa sự phối hợp có hiệu quả giữa Đảng ủy với Ban Cán sự Đảng; giữa các cấp ủy và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thông qua việc ban hành quy chế phối hợp công tác, trong đó, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác nhằm tiếp tục phát huy cao hơn nữa sự đồng thuận, thống nhất cao trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và trong công tác xây dựng Đảng để thực hiện đạt kết quả các mục tiêu: Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nội bộ đoàn kết, cán bộ, đảng viên yên tâm công tác; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị nói riêng và của ngành Thanh tra nói chung.

Thứ năm: Tăng cường công tác quản lý đảng viên cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thường xuyên nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Trong đó, quan tâm giám sát thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tích cực vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong tham mưu chính sách tránh lợi ích nhóm; chủ động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0). Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp và Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh về tư tưởng của cán bộ, đảng viên ngay từ chi bộ./.

Lan Anh – Trần Huy

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra