Thành phố Hồ Chí Minh:

Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân

Thứ năm, 01/08/2024 14:57
(ThanhtraVietNam) – Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành phố tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm nếu không hoàn thành giải ngân trên 80% kế hoạch vốn đầu tư trung hạn

Thực hiện 131 cuộc thanh tra phát hiện vi phạm 580 triệu đồng

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2024 có rất nhiều việc phải làm liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Hội nghị tập trung kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động của các cơ quan, lĩnh vực cải cách tư pháp, những mặt đã làm được, chưa làm được, những nguyên nhân vướng mắc khó khăn; đồng thời bàn các giải pháp, phương hướng, các công việc cần làm từ nay đến cuối năm 2024.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP cần tập trung tham mưu kịp thời, đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ để thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh nội dung Ban Chỉ đạo tham mưu và theo dõi, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý đến việc tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn TP. Bên cạnh đó theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới; Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các nôi dung về kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, đào tạo đội ngũ cán bộ liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, giỏi về nghiệp vụ, vững pháp luật... Tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ để đảm bảo được phẩm chất, năng lực và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TU.TPHCM) 

Một trong những nội dung khác là tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động tố tụng, đảm bảo công tác điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật; nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố...

Cùng với đó là đề xuất các giải pháp tăng cường công tác giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong điều tra, trong truy tố, trong xét xử và thi hành án; giải quyết những khiếu nại, tố cáo. Tập trung đánh giá việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác cải cách tư pháp; đánh giá hoạt động của Hội Luật gia TPHCM với vai trò rất quan trọng trong cải cách tư pháp của TP.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TPHCM.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP đã tổ chức sát, khảo sát về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tăng cường rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, thường xuyên chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Song song đó là kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tập trung rà soát, giải quyết các vụ việc còn tồn đọng, các vụ án tạm đình chỉ; đầu tư cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Các thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan tư pháp TP tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, hành động cùng với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, gắn với nhiệm vụ phát triển TPHCM.

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra