Kinh nghiệm tiếp công dân, tư vấn pháp lý cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương:

Bài 1: Thực hiện tốt công tác tiếp công dân là tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và giám sát

Thứ hai, 26/02/2024 15:09
(ThanhtraVietNam) – Vừa qua, phóng viên Tạp chí Thanh tra đã cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính Phủ và được ông chia sẻ một số kinh nghiệm tiếp công dân, tư vấn pháp lý cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Bài 2: Kinh nghiệm tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương

PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Trụ sở Tiếp công dân Trung ương được đặt tại Hà Nội (số 1, Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông) và thành phố Hồ Chí Minh (số 35, Hồ Học Lãm, quận Bình Tân), là nơi tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan của Đảng, Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ.

Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có đại diện của 09 cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở, gồm: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hiện tại, thường trực tiếp công dân của các cơ quan tiếp hàng tuần theo lịch sau: Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tất cả các ngày trong tuần; Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp thứ 3 và thứ 5; Ban Nội chính Trung ương tiếp thứ 5; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thứ 4 và thứ 6; Văn phòng Chủ tịch nước tiếp thứ 6.

Với vai trò là đầu mối quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư cả nước và quản lý 02 trụ sở tiếp công dân trung ương ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tiếp công dân Trung ương là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, được thành lập từ tháng 7/2014 đến nay đã dần khẳng định vai trò của mình trong công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư, đóng góp quan trọng vào việc giải quyết nhanh các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, phục vụ thành công Đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng lần thứ XII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ban cũng làm tốt vai trò quản lý và điều hành hoạt động của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (nơi có đại diện của các cơ quan Trung ương thường trực tiếp công dân).

Năm 2021, tiếp thường xuyên 1882 lượt, 4872 công dân, 1584 vụ việc (trong đó:  khiếu nại 739; tố cáo 246; kiến nghị phản ánh: 599); có 165 đoàn đông người của 32 tỉnh, thành phố.

Năm 2022, tiếp thường xuyên 3643 lượt, 11.557 lượt công dân, 2873 vụ việc (trong đó: khiếu nại 1463; tố cáo 382; kiến nghị phản ánh 1028); có 375 đoàn đông của 41 tỉnh, thành phố.

Năm 2023 tới ngày 15/12/2023, Trụ sở đã tiếp thường xuyên 3.830 lượt với 11.065 công dân đến trình bày 3.785 vụ việc (khiếu nại 1.836 việc, tố cáo 506 việc, kiến nghị và phản ánh 1.431 việc); 337 lượt đoàn đông người. So với cùng kỳ năm 2022, số lượt tiếp tăng 66,5% (5.830/3.501), số lượt người giảm 2,3% (11.065/11.325), số vụ việc tăng 37,3% (3.773/2.747) và số lượt đoàn đông người giảm 10,3% lần (337/376).

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính Phủ. Ảnh: L.A

PV: Ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân: “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 của Luật này đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.

Đồng thời, việc tiếp công dân nhằm thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, quyền này đã được Hiến pháp ghi nhận tại Khoản 1, 2, Điều 30 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân của Nhà nước ta, củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt việc tiếp công dân là sự thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nhân dân, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, xây dựng niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Cũng thông qua việc tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân, Đảng và Nhà nước có điều kiện lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, thắc mắc, ý kiến của người dân liên quan trực tiếp tới hoạt động của cán bộ, các cơ quan Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân cũng sẽ tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và quyền giám sát đối với cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức Nhà nước. Một mặt giúp cơ quan Nhà nước kiểm tra đánh giá phát hiện xử lý kịp thời các khuyết điểm của cán bộ góp phần xây dựng Bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Bài 2: Kinh nghiệm tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra