3. Vận dụng phân tích hoạt động xây dựng pháp luật về tín ngưỡng
Việt Nam là một quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và là quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều lưu giữ những hình thức tín ngưỡng, tôn giáo của riêng mình. Đồng thời với lịch sử hình thành lâu đời, trong quá trình phát triển của mỗi dân tộc cũng có sự nảy sinh, tồn tại của nhiều phong tục, tập quán, mang đậm bản sắc riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Do đó, khi pháp luật ra đời, và đặc biệt là khi pháp luật muốn trở thành một công cụ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thì pháp luật cũng cần chú trọng đến những phong tục, tập quán gắn liền với tín ngưỡng, tôn giáo đã có từ lâu đời. Pháp luật cần thừa nhận, khai thác và phát huy những tín điều, giáo lý tốt đẹp của tôn giáo. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật cần phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo; đồng thời vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền, tự do không tín ngưỡng tôn giáo; vừa phải là phương tiện đấu tranh với các hành vi lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, bài trừ mê tín, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Xuất phát từ tình hình thực tế tôn giáo ở Việt Nam, việc xây dựng pháp luật để quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như những quy định pháp luật về tôn giáo đã hình thành rất sớm ngay từ triều đại phong kiến và tác động tích cực đến tôn giáo. Điều này thể hiện trong Bộ Quốc Triều hình Luật (Luật Hồng Đức) thời Hậu Lê có 722 điều, trong đó 4 điều quy định về tội liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển.
Tôn giáo nước ta với những tín điều mang tính chất hướng thiện, tiến bộ đã tác động tích cực đến pháp luật, giúp pháp luật quản lý xã hội trật tự ổn định, điều này thể hiện ở chỗ: hiện nay tôn giáo và tín ngưỡng ở nước ta về cơ bản là ổn định, các tôn giáo đều có xu hướng tuân thủ pháp luật, ban lãnh đạo các cấp của các tổ chức tôn giáo hầu hết đều đang hướng tôn giáo theo hoạt động “ đồng hành cùng dân tộc”, nhiều quy định tiến bộ của tôn giáo được pháp luật kế thừa và nâng lên thành luật, Ví dụ: như quy định kết hôn “một vợ một chồng” trong thiên chúa giáo, đã được nhà nước ta kế thừa và trở thành nguyên tắc trong Luật Hôn nhân gia đình 2000. Hay trong đạo phật có điều răn phải kính trọng ông bà, cha mẹ … các điều răn này phù hợp với sự phát triển của xã hội nên cũng được nhà nước ta pháp điển hóa tại Điều 2 khoản 4 Luật Hôn nhân và gia đình:“ Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân có ích cho xã hội; con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà; các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau” .
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1945) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo, các văn bản đó đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Hiến pháp 2013 được thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã có nhiều nội dung mới được bổ sung. Nổi bật là bổ sung các quy định về quyền con người, trong đó, đã khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều 2 xác định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Chương VII về Chính phủ và Chương VIII về TAND, VKSND, đều thể hiện rõ trách nhiệm bảo vệ quyền công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nghĩa là, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người.
Ngoài ra, trên cơ sở nguyên tắc hiến định, toàn bộ hệ thống pháp luật quốc gia thể hiện các quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong một số văn bản pháp luật khác như Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04/2/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành; Chỉ thị số 1940/CT- TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo; Thông tư số 01/2013/TT-BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ “Ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo”. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật, Nghị quyết điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục…
Ngày 18/11/2016, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo số 02/2016/QH14 được kỳ họp thứ 10 - Khóa XIII của Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ hai khóa XIV, nội dung Luật ban hành với 09 chương, 08 mục và 68 Điều quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; Tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo, áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, Luật cũng có các quy định về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực của tôn giáo thì trong thời gian qua tôn giáo cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, hệ quả của nó là gây mất đoàn kết, mâu thuẫn ở tại một số địa phương, cụ thể: Tình trạng chuyển nhượng, hiến tặng đất, mở rộng cơ sở thờ tự, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, cũng như các hoat động in ấn, xuất bản, lưu hành kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trái phép vẫn diễn ra; hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật vẫn tiếp tục diễn ra ở một số vùng đồng bào thiểu số, vùng biên giới… Ngoài ra do vấn đề lợi ích cá nhân hoặc không thống nhất được đường hướng hoạt động của một số hệ giáo phái nên dẫn đến mâu thuẫn nội bộ trong tổ chức tôn giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Bên cạnh đó trong thời gian qua, ở các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, hoạt động tôn giáo trong vùng đồng bào thiểu số có những tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tại đây các đối tượng phản động đã lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng thực hiện các hoạt động gây rối, phá hoại khối đoàn kết dân tộc…
Như vậy, có thể thấy tôn giáo ở nước ta có ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội, chính vì vậy khi hoàn thiện chính sách, pháp luật của nhà nước thì cần phải tính đến yếu tố tác động của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Đồng thời, pháp luật chính là công cụ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Với những quy định của mình, pháp luật đã tạo điều kiện cho tôn giáo phát triển và hướng tôn giáo theo con đường đúng đắn phù hợp với sự phát triển của xã hội Việt Nam.
Kết luận
Xây dựng pháp luật, theo nghĩa hẹp là hoạt động ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, còn theo nghĩa rộng là hoạt động của tất cả tổ chức và cá nhân (các cơ quan nhà nước, nhà chức trách có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và các cá nhân trong xã hội) vào quá trình tạo lập pháp luật. Quá trình tạo lập pháp luật rất phức tạp, bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều tổ chức và cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hoá ý chí nhà nước thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lí nhất định, đặc biệt là hình thức văn bản quy phạm pháp luật. Đây là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức xã hội được nhà nước trao quyền nhằm soạn thảo và ban hành các bộ luật, luật, văn bản pháp luật khác. Nói một cách khái quát, hoạt động xây dựng pháp luật là hoạt động soạn thảo, ban hành các luật văn bản pháp luật bao gồm từ khâu nghiên cứu, soạn thảo, thông qua và công bố văn bản. "Nếu nói về hoạt động xây dựng pháp luật thì thực chất là đề cập việc xây dựng pháp luật thì thực chất là đề cập việc xây dựng và ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cá nhân có thẩm quyền ở trung ương và địa phương. Để xây dựng xây dựng pháp luật có hiệu quả thì việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng pháp luật là một việc rất cần thiết trong quy trình xây dựng chính sách nói chung và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói riêng./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngọ Văn Nhân, Phan Thị Luyện, (2022), “Giáo trình Xã hội học pháp luật”, Nxb. Tư pháp;
2. Nguyễn Văn Đồng, Hà Thị Khuyên, (2022), “Quan hệ giữa pháp luật và tôn giáo ở Việt Nam”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, truy cập liên kết: https://lsvn.vn/quan-he-giua-phap-luat-va-ton-giao-o-viet-nam1656693393.html thời gian 03/2024;
3. Nguyễn Ngọc Đoan, (2003), “Tập tục với pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, (12);
4. Nguyễn Lê Thảo Ngân, (2016), “Pháp luật với đạo đức, tôn giáo, tập tục trong quản lý xã hội”, truy cập liên kết: https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Tin-tuc/post/17521/phap-luat-voi-dao-duc-ton-giao-tap-tuc-trong-quan-ly-xa-hoi# thời gian tháng 03/2024;
5. Nguyễn Thị Tố Uyên, (2023), “Một số vấn đề về mối quan hệ giữa pháp luật và tôn giáo ở Việt Nam hiện nay”, truy cập liên kết: https://cssh.vinhuni.edu.vn/mot-so-van-de-ve-moi-quan-he-giua-phap-luat-va-ton-giao-o-viet-nam-hien-nay-c5l0v0p0a90822.html thời gian tháng 3/2024;
6. Nguyễn Anh Cường, (2023), “Những chuyển biến lớn trong pháp luật để đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam”, Tạp chí Công thương;
7. Phạm Thị Duyên Thảo, (2021), “Xã hội học xây dựng pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp;
8. Ngọc Bích, (2023), "Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong tuyên truyền về tôn giáo và nhân quyền", truy cập liên kết: https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/phat-huy-hon-nua-vai-tro-cua-bao-chi-trong-tuyen-truyen-ve-ton-giao-va-nhan-quyen/14140.html.
TS. Nguyễn Thu Huyền
Khoa Nhà nước và Pháp Luật - Học viện Hành chính Quốc gia