Bàn về đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại hành chính

Thứ sáu, 24/11/2023 13:36
Việc đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại hành chính là thủ tục quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại. Nó tác động lớn tới quá trình giải quyết khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Do vậy, Luật Khiếu nại cần quy định chặt chẽ, rõ ràng về các trường hợp đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại.

 Đình chỉ giải quyết khiếu nại hành chính

Việc quy định đình chỉ giải quyết khiếu nại nhằm đảm bảo nguyên tắc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại. Nguyên tắc này yêu cầu trong giải quyết khiếu nại phải đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết, các chủ thể phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết có thể phát sinh các sự kiện khiến cho quá trình giải quyết khiếu nại không còn ý nghĩa hoặc theo yêu cầu của người có quyền (người khiếu nại) đòi hỏi phải chấm dứt quá trình giải quyết khiếu nại. Việc quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền kết thúc giải quyết khiếu nại đúng pháp luật. Đồng thời, việc quy định rõ về đình chỉ giải quyết khiếu nại cũng sẽ giúp cho việc công khai, minh bạch trong giải quyết khiếu nại. Khi phát sinh các trường hợp luật định về đình chỉ giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết sẽ ban hành quyết định đình chỉ theo quy định mà không phải ngưng việc giải quyết vô căn cứ. Điều này giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xử lý được nhiều vấn đề vướng mắc trong thực tiễn giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay.

leftcenterrightdel
 Việc đình chỉ hay tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại hành chính là thủ tục quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại

Trong quy định của Luật Khiếu nại hiện nay, mặc dù không đưa ra khái niệm về đình chỉ giải quyết khiếu nại, nhưng có quy định về trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại. Điều 10, Luật Khiếu nại quy định: “Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Như vậy, Luật Khiếu nại hiện nay mới chỉ quy định một trường hợp đình chỉ giải quyết khiếu nại, đó là khi người khiếu nại rút đơn khiếu nại. Theo quy định trên thì thủ tục để đình chỉ giải quyết khiếu nại yêu cầu: Thứ nhất, người khiếu nại phải có đơn rút khiếu nại có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; thứ hai, đơn rút khiếu nại phải được gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thứ ba, người giải quyết khiếu nại ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại; thứ tư, việc thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.

Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục đình chỉ giải quyết, có vụ việc người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại, nhưng họ không chịu làm đơn rút khiếu nại. Hơn nữa, nếu vụ việc khiếu nại, người khiếu nại đã thực sự từ bỏ thì việc họ về làm đơn xin rút khiếu nại rồi lại gửi đến người giải quyết khiếu nại không có ý nghĩa gì đối với người khiếu nại nên họ sẽ không làm. Do vậy, việc quy định cứng trong luật yêu cầu phải có đơn rút khiếu nại có trường hợp là không khả thi, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong kết thúc xem xét giải quyết vụ việc khiếu nại. Nên cần quy định nhiều hình thức thể hiện ý chí rút khiếu nại của người khiếu nại như bằng đơn hoặc trực tiếp qua buổi làm việc và thể hiện trong biên bản làm việc.

Thực tế giải quyết khiếu nại ngoài trường hợp người khiếu nại rút khiếu nại nêu trên thì còn gặp nhiều trường hợp cần thiết phải đình chỉ giải quyết khiếu nại nhưng không có quy định làm cơ sở pháp lý khiến các cơ quan giải quyết hết sức khó khăn.

Thứ nhất, trong quá trình giải quyết mời người khiếu nại nhiều lần nhưng không đến làm việc, không có lý do. Trong trường hợp này cần thiết phải quy định đình chỉ giải quyết vụ việc. Bởi vì người khiếu nại là người đã gửi đơn khiếu nại và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Nếu người khiếu nại không đến, bất hợp tác với cơ quan giải quyết hoặc thực tế họ đã từ bỏ vụ việc khiếu nại nhưng không làm đơn rút khiếu nại thì cần thiết phải quy định việc đình chỉ giải quyết vụ việc. Việc không quy định đình chỉ đã dẫn tới những trường hợp vụ việc bị treo không tiếp tục giải quyết hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết ban hành quyết định giải quyết mang tính hình thức theo thủ tục mà không phải thực chất giải quyết vụ việc.

Thứ hai, trường hợp vụ việc khiếu nại liên quan đến các quyền, lợi ích về tài sản mà người khiếu nại chết không có người thừa kế hoặc người thừa kế không tiếp tục vụ việc khiếu nại thì cũng cần quy định đình chỉ giải quyết vụ việc khiếu nại. Bởi vì việc giải quyết tiếp vụ việc khiếu nại không còn có ý nghĩa nữa.

Thứ ba, trường hợp đối tượng bị khiếu nại đã bị hủy bỏ. Ví dụ như quyết định hành chính là đối tượng bị khiếu nại đã bị hủy bỏ thì cần thiết phải quy định đình chỉ giải quyết vụ việc khiếu nại. Bởi vì đối tượng khiếu nại không còn thì việc giải quyết khiếu nại tiếp là vô nghĩa.

Hiện nay, khi gặp phải các trường hợp cần đình chỉ giải quyết khiếu nại như nêu ở trên nhưng không có quy định của pháp luật, các cơ quan giải quyết khiếu nại buộc phải ngưng quá trình giải quyết, tuy nhiên về mặt pháp lý vụ việc được coi là chưa giải quyết xong. Do vậy, bên cạnh các yêu cầu về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong giải quyết khiếu nại thì các quy định đảm bảo cơ sở pháp lý cho quá trình giải quyết khiếu nại cũng đặc biệt quan trọng. Việc hoàn thiện các quy định về đình chỉ giải quyết khiếu nại sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại.

Tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại hành chính

Việc giải quyết khiếu nại hành chính phải tuân theo thời hạn được quy định bởi Luật Khiếu nại (tại Điều 28 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu và tại Điều 37 quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai). Cơ quan giải quyết có trách nhiệm phải giải quyết trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết phát sinh những trường hợp buộc phải ngừng quá trình giải quyết như: Do dịch bệnh không tiến hành xác minh được, cần kết quả giám định mới có cơ sở giải quyết… Cơ quan có thẩm quyền buộc phải ngừng quá trình giải quyết, nhưng thời hạn giải quyết vẫn được tính sẽ dẫn tới quá hạn giải quyết. Do vậy, việc quy định tạm đình chỉ giải quyết sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý được các tình huống bất khả kháng mà không bị quá hạn giải quyết. Đồng thời, quy định sẽ giúp bó buộc trách nhiệm pháp lý của cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết vụ việc, tránh sự tùy tiện trong giải quyết do thiếu quy định.

Hiện nay, Luật Khiếu nại cũng như các văn bản hướng dẫn không có quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trên thực tế giải quyết khiếu nại, các cơ quan gặp phải những trường hợp cần tạm đình chỉ giải quyết vụ việc. Cụ thể như:

Thứ nhất, có nội dung cần trưng cầu giám định nhưng thời gian giám định kéo dài. Trong một số vụ việc giải quyết khiếu nại, có những nội dung cần trưng cầu giám định mới có cơ sở giải quyết vụ việc khiếu nại. Nhưng thời gian giám định thường kéo dài, có thể mất cả tháng. Trong trường hợp này các cơ quan giải quyết buộc phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại để chờ kết quả giám định mới có cơ sở giải quyết.

Thứ hai, trường hợp vụ việc phải đối thoại, nhưng người khiếu nại xin hoãn có lý do chính đáng. Đối thoại trong giải quyết khiếu nại là yêu cầu quan trọng nhằm giải quyết đúng đắn vụ việc khiếu nại và Luật Khiếu nại cũng quy định rõ các trường hợp phải tiến hành đối thoại. Vì vậy, trường hợp phải tiến hành đối thoại nhưng người khiếu nại xin hoãn có lý do chính đáng như do công việc, ốm đau… Trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết buộc phải tạm ngừng giải quyết chờ tiến hành đối thoại để có cơ sở giải quyết.

Thứ ba, trường hợp dịch bệnh, thiên tai dẫn tới không thực hiện được quá trình xác minh giải quyết khiếu nại. Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều cơ quan không thể tiến hành hoạt động xác minh để có cơ sở giải quyết khiếu nại. Do vậy, trường hợp này cũng phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại.

Thứ tư, trường hợp người khiếu nại chết, chờ người thừa kế hợp pháp làm thủ tục xác nhận. Theo khoản 4, Điều 5, Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại:

Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong những người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Như vậy, người khiếu nại chết thì người thừa kế có quyền khiếu nại. Tuy nhiên thời gian để làm các thủ tục xác lập quyền thừa kế có thể kéo dài. Do vậy, trong thời gian người khiếu nại đã chết và người thừa kế hợp pháp chưa làm thủ tục xác lập quyền thừa kế, cơ quan giải quyết buộc phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại.

Những trường hợp nêu trên phải tạm ngừng quá trình giải quyết khiếu nại nhưng chưa có quy định của pháp luật về tạm đình chỉ. Trong khi chưa có quy định thì trong quá trình giải quyết gặp phải các trường hợp nêu trên các cơ quan buộc phải tạm dừng quá trình giải quyết và vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Việc thiếu vắng quy định của pháp luật về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại cũng có thể dẫn tới sự tùy tiện trong giải quyết. Do vậy, Luật Khiếu nại cần bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết khiếu nại để có cơ sở áp dụng và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ việc./.

Ts. Phạm Tuấn Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra