Báo chí và sứ mệnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ hai, 26/06/2023 08:54
(ThanhtraVietNam) - Vai trò đặc biệt của báo chí không những vừa góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà còn vừa tuyên truyền cổ vũ, động viên sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó, việc phân tích, làm rõ thêm vai trò, nhiệm vụ và những vấn đề đặt ra với nhà báo, cơ quan báo chí trong đấu tranh, phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Lời cảm ơn của Tạp chí Thanh tra nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn chúc mừng Tạp chí Thanh tra Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Hoàn thiện quy định của Luật Báo chí từ góc nhìn công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực

Đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu*

Điểm sáng trong tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Theo Vụ trưởng, Trưởng Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân Phạm Thị Phong Điệp, điểm sáng trong công tác tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đó nhiều vụ việc báo chí đăng tải là từ nguồn thông tin phản ánh, tố giác của quần chúng. Điều này cho thấy nếu phát huy được sức dân, cuộc chiến đấu với “giặc nội xâm” chắc chắn sẽ đạt được kết quả như kỳ vọng. Qua những thông tin như vậy, cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc và không ít vụ việc đã được làm rõ, người vi phạm đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Các vụ việc như vụ tham nhũng đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội),… là những ví dụ điển hình về việc người dân tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua báo chí.

Nhà báo Hồ Quang Lợi từng chia sẻ: Thực tiễn thời gian qua, nhất là thời kỳ đổi mới, báo chí cả nước đã luôn là địa chỉ tin cậy cung cấp thông tin ban đầu cho các cơ quan chức năng, điều tra, phanh phui nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hàng nghìn tác phẩm báo chí trong nhiều năm qua đã phát hiện, giám sát và đưa ra ánh sáng hàng nghìn vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; hàng loạt vụ án tham nhũng điển hình được báo chí phát hiện và bám sát để đưa tin kịp thời, đã được các cơ quan chức năng đưa ra xét xử.

leftcenterrightdel
 Báo chí là lực lượng xung kích, đi đầu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: T.A

Các nhà nghiên cứu, lý luận nhận định, công tác tuyên truyền trên báo chí về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang phát huy hiệu quả và có ý nghĩa hết sức thiết thực trong việc vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia vào cuộc chiến cam go, khó khăn này, nhất là đội ngũ đảng viên. Đồng thời, việc tuyên truyền của báo chí cũng là yếu tố quan trọng buộc các cơ quan chức năng có liên quan không được phép lơ là, sao nhãng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực cần kiên quyết xử lý nghiêm. Những bất cập yếu kém trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cũng đã được báo chí phát hiện, phản ảnh kịp thời, và là thông tin quan trọng giúp cơ quan Đảng, Nhà nước có cơ sở điều chỉnh chủ trương chính sách cho phù hợp. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, báo chí đã thực sự trở thành phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, diễn đàn của nhân dân, phát huy được vai trò, sức mạnh của mình trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy tiến bộ và sự phát triển của đất nước.

Cuối năm 2021, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế, chương trình phối hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về nội chính và phòng, chống tham nhũng giữa Ban Nội chính Trung ương với Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Phan Ðình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ghi nhận: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua có bước đột phá là nhờ sự đóng góp rất quan trọng của báo chí nói chung và của các cơ quan báo chí phối hợp nói riêng. Các cơ quan báo chí đã thể hiện rõ vai trò xung kích, đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi của nhân dân; là tai mắt của Ðảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Một số tồn tại, hạn chế

Thẳng thắn nhìn nhận, nhiều ý kiến chuyên gia đồng tình rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của các cơ quan báo chí còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc phản ánh chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đối với các vụ việc, hiện tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Trong một số trường hợp, thông tin từ báo chí thiếu khách quan, áp đặt, gây dư luận không lành mạnh, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Cơ chế bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực chưa đủ mạnh nên cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến một số người làm báo chưa thực sự dám dấn thân, quyết liệt đến cùng, sợ phải gánh chịu những rủi ro cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó cũng có một số ít người làm báo vì bản lĩnh chính trị không vững vàng, bị lợi ích vật chất cám dỗ, nên trong quá trình tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có biểu hiện bao che, đồng lõa với các sai phạm để hưởng lợi.

Thực tế này cho thấy thời gian tới rất cần xây dựng một cơ chế đồng bộ, chặt chẽ, phát huy hiệu quả trên thực tế giữa các cơ quan, ban ngành, tạo hành lang pháp lý an toàn, đủ mạnh nhằm bảo vệ an toàn cho các cơ quan báo chí cũng như cá nhân người làm báo. Việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí phục vụ cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần minh bạch, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho báo chí, hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy.

leftcenterrightdel
Cơ quan báo chí đang rất quan tâm tới các diễn đàn nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và giải pháp để ngày càng đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Ảnh: T.A 

Nhiệm vụ, giải pháp với nhà báo và các cơ quan báo chí

Để tiếp tục công tác tuyên truyền đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, nhà báo - vai trò “trung tâm” cần nhìn nhận rõ những vấn đề đặt ra hiện nay, theo Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, có bốn vấn đề mà nhà báo cần chú ý:

Thứ nhất, nhà báo cần thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng. Trong môi trường truyền thông mới, quy trình truyền thông đơn nhất đã thay đổi, ranh giới giữa nhà báo và công chúng dần bị xóa nhòa, công chúng ngày càng chủ động và tích cực hơn, khiến chủ thể của truyền thông được chuyển từ sự “lũng đoạn độc quyền” của phóng viên chuyên nghiệp thành phóng viên và công chúng cùng chia sẻ, mô hình truyền thông được chuyển từ (đơn nhất) một chiều sang truyền thông tương tác (đa chiều). Sự nhất thể hóa giữa người truyền thông và công chúng đã trở thành nét đặc trưng chủ yếu của mô hình truyền thông mới trong kỷ nguyên truyền thông hội tụ.

Thứ hai, nhà báo cần biết tổng hợp và chắt lọc thông tin. Trong môi trường truyền thông hội tụ, sự đa dạng hóa của các loại hình truyền thông đã đem lại cho con người nguồn thông tin đa dạng và phong phú, tuy nhiên sự hỗn tạp và thiếu trật tự của thông tin đã khiến công chúng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn những thông tin hữu ích, thậm chí là bị “quấy rối” trước tình trạng “bùng nổ thông tin”.

Thứ ba, nhanh nhưng phải chính xác. Trong kỷ nguyên truyền thông hội tụ, mặc dù cách thức truyền thông luôn được đổi mới, nhưng “nội dung là số một” vẫn là yếu tố then chốt để các hãng truyền thông cạnh tranh với nhau và yêu cầu về chất lượng nội dung cũng cao hơn. Sự hội tụ về mặt công nghệ đã khiến tốc độ truyền phát thông tin tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng nội dung không cao và xem nhẹ tính khách quan của báo chí; tin, bài thiếu chiều sâu, hiện tượng đồng nhất hóa (giống nhau) khá nghiêm trọng.

Thứ tư, nhà báo cần có tư duy đa phương tiện. nhà báo cần phải có “tư duy mobile” khi tác nghiệp.

Trong khi đó, Trưởng Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân cho rằng, để phát huy tốt hơn nữa vai trò, sức mạnh của mình trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng vừa lâu dài vừa khó khăn, phức tạp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí cần làm tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; làm rõ tính cấp thiết của cuộc đấu tranh cam go này từ đó đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thứ hai, báo chí cần tích cực phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; lên án trước các hành vi, vụ việc tiêu cực, các biểu hiện tham nhũng, lãng phí; định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh, có trách nhiệm trong cộng đồng.

Thứ ba, với vai trò là cơ quan ngôn luận, phương tiện thông tin thiết yếu, các cơ quan báo chí cần thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời phát hiện các vụ việc, hiện tượng tiêu cực, phản ánh tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, báo chí phát huy vai trò giám sát giám sát việc thực thi của các cơ quan chức năng, thông tin đầy đủ tới người dân, củng cố niềm tin quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục huy động sức mạnh của toàn dân tích cực tham gia, phát huy vai trò trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Thứ năm, các cơ quan báo chí cần chú trọng bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo và phóng viên có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết và đam mê nghề nghiệp, có trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, trung thành phục vụ đất nước và nhân dân.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra