Blockchain - Giải pháp ngăn chặn việc vi phạm bản quyền trong hoạt động báo chí

Thứ tư, 23/08/2023 21:33
(ThanhtraVietNam) - Chia sẻ về ứng dụng công nghệ Blockchain trong tòa soạn cơ quan báo chí, TS. Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, Blockchain có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Trong đó, ứng dụng Blockchain trong tòa soạn giúp xác thực, bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và bảo vệ quyền lợi của các nhà báo, tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền cũng như tranh chấp liên quan đến sở hữu.

Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan chủ quản tăng cường điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí

Chuyển đổi số báo chí là vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ

Với tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, trong lộ trình chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam, tất yếu diễn ra những biến động trong lĩnh vực báo chí truyền thông theo hướng ứng dụng ưu thế của những công nghệ mới. Độc giả có nhu cầu đọc, xem những tác phẩm báo chí, tác phẩm nội dung số có chất lượng, đáp ứng nhu cầu cao trong không gian số. Muốn làm được điều này, việc quản trị tòa soạn phải thực sự hiệu quả.

Cùng với những thuận lợi, các tòa soạn báo chí trong kỷ nguyên số cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Năng lực cạnh tranh với các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ trực tuyến; các mô hình kinh doanh truyền thống đang bị thay thế bởi những mô hình kinh doanh mới; vấn đề tìm kiếm cơ hội để tiếp cận và giữ chân công chúng; đặc biệt là những thách thức để theo kịp những tiến bộ về công nghệ. Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp là “chìa khóa” để các cơ quan báo chí tại Việt Nam tồn tại và phát triển.

“Ứng dụng Blockchain trong tòa soạn” là nội dung tham luận được TS. Đặng Minh Tuấn - Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu CMC, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trình bày tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn số” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức tháng 8/2023 tại Hà Nội.

Theo nhìn nhận của chuyên gia, Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán, được sử dụng để lưu trữ thông tin một cách an toàn và bảo mật. Thông tin trong Blockchain được lưu trữ dưới dạng các khối, mỗi khối chứa một nhóm các giao dịch. Các khối được liên kết với nhau bằng một mã hóa phức tạp, khiến chúng không thể bị thay đổi hoặc sửa chữa.

leftcenterrightdel

TS. Đặng Minh Tuấn trình bày tham luận về “Ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản trị tòa soạn số”. (Ảnh: Hoàng Minh)

Những ưu điểm của Blockchain là an toàn và bảo mật; minh bạch và hiệu quả. Bởi Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán, dữ liệu được niêm phong khiến nó rất khó bị tấn công. Mọi giao dịch trên Blockchain đều có thể được lưu trữ công khai, vì vậy có thể truy cập và kiểm tra. Đặc biệt, Blockchain có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, bằng cách tự động hóa các quy trình và cung cấp một cách thức mới để trao đổi thông tin.

Việc ứng dụng Blockchain trong tòa soạn được thể hiện qua các nội dung, gồm: Xác thực nội dung; quản lý quyền sở hữu; giao dịch quảng cáo và đối tác; theo dõi sự phân phối và tiếp thị.

Blockchain có thể được sử dụng để xác thực và bảo vệ tính toàn vẹn của nội dung báo chí và đảm bảo rằng bài viết không bị thay đổi sau khi được công bố. Điều này giúp đối tác và độc giả tin tưởng vào tính chính xác và đáng tin cậy của nội dung.

Bằng cách ghi nhận thông tin về tác giả, ngày tạo, ngày xuất bản và quyền sở hữu trên Blockchain, tòa soạn có thể bảo vệ quyền lợi của các nhà báo và tác giả, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền và tranh chấp liên quan đến sở hữu. Mặt khác, Blockchain cung cấp một cơ chế an toàn và minh bạch để quản lý giao dịch quảng cáo và đối tác; cho phép tòa soạn theo dõi quy trình phân phối và tiếp thị báo chí một cách minh bạch; cung cấp thông tin về số lượng bản sao được in, gửi đi, bán ra và tiếp cận độc giả…

Cũng theo thuyết trình của TS. Đặng Minh Tuấn, có một số nội dung liên quan đến viện ứng dụng Blockchain trong tòa soạn, như: Ứng dụng Smart contract trong tòa soạn; ứng dụng NFTs trong tòa soạn; ứng dụng Web3 trong tòa soạn rất cần được các cơ quan lưu ý.

Cụ thể, NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, là một loại tài sản kỹ thuật số được lưu trữ trên Blockchain. Toà soạn có thể tạo ra NFTs để đại diện cho các tác phẩm số, bài viết, hình ảnh, video, âm nhạc và nhiều loại nội dung khác. Mỗi NFT sẽ đảm bảo tính duy nhất và không thể thay đổi của tác phẩm, giúp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của tác giả và ngăn chặn việc sao chép trái phép. Toà soạn có thể xây dựng các bộ sưu tập NFTs độc đáo và đặc biệt, liên quan đến các chủ đề, sự kiện hoặc nhân vật nổi tiếng. Những người đọc quan tâm có thể sưu tập các NFTs này và sở hữu một phần của lịch sử và nội dung của toà soạn.

Mặt khác, toà soạn có thể sử dụng NFTs để tạo ra các phiên bản độc quyền của nội dung, chỉ có thể truy cập bằng cách sở hữu NFT tương ứng. Điều này có thể tạo ra mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy việc mua NFTs để truy cập nội dung chất lượng cao. Hoặc có thể phát hành NFTs như là một loại “vé” cho các sự kiện trực tuyến như buổi họp trực tiếp với tác giả, buổi phỏng vấn độc quyền, hay các khóa học thêm về nội dung cụ thể./.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra