Công tác quản lý khoa học của Thanh tra Chính phủ trước yêu cầu đổi mới

Chủ nhật, 08/11/2020 10:02
(ThanhtraVietNam) - Tự hào đồng hành với sự phát triển của ngành Thanh tra, những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kế thừa, tiếp bước nhiều thế hệ và gặt hái được những kết quả hết sức quan trọng. Qua đó, đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển của toàn ngành Thanh tra trên các phương diện: Hoàn thiện thể chế, chính sách, quản lý Nhà nước, quản trị nội bộ, xây dựng lực lượng và công tác nghiệp vụ thanh tra; đồng thời, hỗ trợ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành; cung cấp nguồn thông tin, tư liệu ngày càng phong phú, chuyên sâu cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ, công chức, thanh tra viên, nghiên cứu viên, học viên, sinh viên và nhiều tầng lớp nhân dân.

Sản phẩm nghiên cứu khoa học của TTCP là nguồn tài liệu quan trọng, đóng góp tích cực trên nhiều phương diện

Từ năm 1993 đến nay, TTCP đã triển khai nghiên cứu 07 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 107 đề tài khoa học cấp bộ, 132 đề tài khoa học cấp cơ sở, hàng trăm chuyên đề khoa học; tổ chức nhiều nghiên cứu khảo sát thực tiễn trên các mặt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và nhiều nội dung khác. Các sản phẩm nghiên cứu trên được thực hiện bởi nhiều cơ quan, đơn vị thuộc TTCP như: Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT), Vụ Pháp chế, Cục PCTN, Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Trường Cán bộ Thanh tra, Trung tâm Thông tin, các cục, vụ, đơn vị và đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, nhà khoa học trong và ngoài TTCP.

Các sản phẩm khoa học đã có những đóng góp tích cực trên các phương diện như: Xây dựng cơ sở khoa học cho việc ban hành, bổ sung, hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật quan trọng của ngành Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành (Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020; Chiến lược Phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân, Luật PCTN, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hình sự…). Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động hợp tác nghiên cứu đã được mở rộng thông qua việc liên kết, phối hợp nghiên cứu, đào tạo, tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học, khảo sát các cơ sở đào tạo, cơ quan, tổ chức có liên quan (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính Quốc gia, Tổ chức Hướng tới minh bạch, Viện Konrad - Adenauer , Đại sứ quán Ai-len tại Việt Nam, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã…) và một số bộ, ngành, địa phương (Ninh Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu…).

Có thể nói, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của TTCP đã trở thành nguồn tài liệu quan trọng, có giá trị tham khảo cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thanh tra, giảng viên, học viên của Trường Cán bộ Thanh tra, cán bộ các cơ quan Nhà nước, các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu. Nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào nội dung các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Những kết quả nghiên cứu khoa học có chất lượng nhất được biên tập, phát hành trên toàn quốc, góp phần nâng cao kiến thức của cán bộ, công chức, người dân. Các nội dung nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản thành sách hay chuyển hóa thành các bài viết chia sẻ trên trang tin điện tử của Viện CL&KHTT, các ấn phẩm của Tạp chí Thanh tra, Báo Thanh tra… tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nghiên cứu, tham khảo.

Cụ thể hơn, trong 5 năm qua, công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của TTCP đã có đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của TTCP. Việc xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học nhìn chung đã bám sát chương trình nghiên cứu khoa học của TTCP, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, thiết thực, những bất cập, vướng mắc trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN đang đặt ra và cần nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện nhiều mặt công tác của ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, việc tổ chức phê duyệt danh mục đề tài hàng năm được thực hiện ngay từ đầu quý II của năm trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học nhằm tạo sự chủ động cho Ban Chủ nhiệm đề tài trong việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng đánh giá, chỉnh sửa thuyết minh, đảm bảo xây dựng đề cương nghiên cứu có chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Công tác xét duyệt thuyết minh nhiệm vụ khoa học hàng năm được thực hiện khá nghiêm túc, các ý kiến góp ý của Hội đồng được tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học tiếp thu, hoàn thiện. Việc phân bổ kinh phí các nhiệm vụ khoa học cũng đã được thực hiện một cách kịp thời và đúng quy định pháp luật.

leftcenterrightdel

Một Hội thảo nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ tại Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, TTCP 

Thêm nữa, công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các kế hoạch nghiên cứu cũng từng bước đổi mới và triển khai tương đối thường xuyên, góp phần giảm bớt sự chậm trễ về tiến độ. Công tác này cũng gắn kết trách nhiệm của các Ban Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ khoa học và cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý khoa học của TTCP. Nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị đã được tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, việc xác định tên đề tài, đối tượng, mục tiêu, phạm vi, những nội dung cần nghiên cứu chính của đề tài cũng như việc đề xuất định hướng nghiên cứu khoa học, thẩm định các thuyết minh nghiên cứu đã góp phần định hướng cơ bản cho quá trình nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm các đề tài, phục vụ cho công cuộc đổi mới ngành Thanh tra.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả quan trọng nêu trên, công tác quản lý khoa học vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Một số ít nhiệm vụ khoa học được thực hiện còn bị giới hạn ở những vấn đề/phạm vi mà các nhà khoa học có khả năng giải quyết hay được đề xuất từ nhu cầu và năng lực của chính cá nhân các nhà khoa học mà chưa thực sự sát với nhu cầu thực tế của ngành Thanh tra. Do đó, mức độ đóng góp, tính sáng tạo/tính mới của các ý tưởng được nghiên cứu còn hạn chế; công tác xây dựng kế hoạch và đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học có phần chưa được tổ chức một cách hệ thống, bài bản, dẫn đến nhiều hạn chế. Mặt khác, một số tiêu chí xét duyệt các nhiệm vụ hay đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học còn chưa được xác định rõ ràng như vấn đề vai trò của Ban Chủ nhiệm đề tài trong việc chịu trách nhiệm về chất lượng khoa học và tiến độ thực hiện đề tài; việc lựa chọn các thành viên Hội đồng nghiệm thu kết quả nhiệm vụ khoa học chưa rõ tiêu chí về chuyên môn, năng lực nghiên cứu hay kinh nghiệm liên quan đến kết quả nghiên cứu... Hoạt động kiểm tra, giám sát và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ khoa học chưa được quan tâm đúng mức và thực chất...

Chưa kể, số người làm công tác nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn hoạt động của ngành Thanh tra; kinh phí ngân sách Nhà nước hàng năm do Bộ Tài chính cấp cho công tác nghiên cứu khoa học của TTCP còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nội dung nghiên cứu, không thực hiện được các nghiên cứu có tính toàn diện, dài hơi đối với một số vấn đề cấp thiết đang đặt ra với ngành Thanh tra. Mặt khác, việc hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ chưa được xác định là mục tiêu ưu tiên nên hoạt động này trong những năm qua còn chưa được mở rộng. Hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ chủ yếu được thực hiện thông qua các dự án tăng cường năng lực phát triển ngành Thanh tra, trong đó, lực lượng nghiên cứu chỉ được giao một phần nhỏ và còn bị động trong kế hoạch triển khai.

Xuất phát từ những tồn tại, hạn chế và yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý khoa học của TTCP, việc trao đổi nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập hoàn thiện, đổi mới công tác quản lý khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn là rất cần thiết.

Cần xây dựng Quy chế về sở hữu trí tuệ để đảm bảo vấn đề về bản quyền trong thời kỳ hội nhập

Tại Tọa đàm khoa học “Đổi mới công tác quản lý khoa học của TTCP” do Viện CL&KHTT tổ chức, các đại biểu tham gia đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp về quản lý khoa học, tập trung vào việc lựa chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học, đặc biệt là xác định được những vấn đề nghiên cứu sát với yêu cầu của ngành, các yêu cầu phục vụ xây dựng thể chế, chính sách; việc tổ chức quản lý các đề tài khoa học các cấp, từ đề tài khoa học độc lập cấp quốc gia đến đề tài khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, các nghiên cứu, khảo sát độc lập đến quản lý nội dung các ấn phẩm khoa học đã xuất bản; về hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu khoa học…

Ths. Nguyễn Văn Minh, đại biểu đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc quản lý khoa học của TTCP cần tiếp cận theo hướng mới. Theo đó, hoạt động quản lý khoa học nên hướng vào các chương trình (chương trình về PCTN; chương trình phát triển kinh tế, xã hội; chương trình phát triển văn hóa, con người…). Cho ý kiến về việc xây dựng các tiêu chí, ông Minh cho rằng, đối với tiêu chí chuyên gia thì phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động quản lý của từng ngành; đối với tiêu chí chỉ định chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước, ít nhất trong vòng 5 năm gần nhất chủ nhiệm đề tài phải tham gia đăng ký lĩnh vực nghiên cứu chuyên ngành…

Ông Nguyễn Huy Hoàng, đại diện Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp chia sẻ, việc xác định chiến lược nghiên cứu khoa học đóng vai trò rất quan trọng, do vậy Viện CL&KHTT trong thời gian tới cần xây dựng luận cứ phát triển khoa học công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra hiện nay. Ngoài ra, cũng cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài trong hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ. Ông Hoàng gợi mở chủ đề về tiền thanh tra và hậu thanh tra là những vấn đề có tính cấp thiết đang đặt ra hiện nay đối với ngành Thanh tra mà Viện CL&KHTT cần xem xét nghiên cứu. “Việc đặt hàng nghiên cứu từ các bộ, ngành hay nắm bắt xu thế thay đổi qua các nghiên cứu dự báo của các nước cũng như thực tiễn của Việt Nam là một trong những cách thức để chúng ta huy động được nguồn lực về con người và kinh phí nghiên cứu khoa học”, ông Hoàng chia sẻ thêm.

Cũng tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Minh Nga, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, TTCP cần xác định nhiệm vụ nghiên cứu ít nhất trong 5 năm. Có thể thông qua việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm ngành Thanh tra sẽ phát hiện ra những vấn đề cần nghiên cứu hoặc kiến nghị việc đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản chính sách hiện hành của ngành không còn phù hợp. Riêng về vấn đề trùng lặp trong nghiên cứu, TTCP cần tiến hành rà soát các kết quả nghiên cứu trước khi xây dựng thuyết minh.

Đóng góp thêm ý kiến liên quan tới hoạt động hợp tác quốc tế, bà Nguyễn Thị Thu Nga, Viện CL&KHTT nhấn mạnh, theo kinh nghiệm tại Viện Chiến lược và Chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện CL&KHTT có thể xem xét hợp tác với các tổ chức quốc tế có các chương trình liên quan về PCTN như Chương trình Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Qua đó, sẽ huy động được nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động nghiên cứu. Riêng về tiêu chí xác định Chủ nhiệm đề tài, cần ưu tiên những cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn. Đối với biện pháp khắc phục sự chậm tiến độ trong nghiệm thu đề tài, cần áp dụng chế tài nghiêm khắc về tài chính. Còn về việc ứng dụng sản phẩm nghiên cứu, ngoài đáp ứng yêu cầu của bộ, ngành, cơ quan chủ quản, cần phối hợp với các địa phương để nắm bắt được nhu cầu thực tiễn.

Một số ý kiến cho rằng, việc xác định vấn đề nghiên cứu cần dựa trên cơ chế chuyên gia sẽ đảm bảo chất lượng nghiên cứu của đề tài. Việc tra cứu cần được thực hiện tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, để loại ra những vấn đề đã được nghiên cứu. Đối với các viện nghiên cứu nói chung và Viện CL&KHTT nói riêng, cần xây dựng Quy chế về sở hữu trí tuệ riêng để đảm bảo vấn đề về bản quyền trong thời kỳ hội nhập.

Các nhà nghiên cứu khoa học cũng đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học của TTCP trong thời gian tới. Theo đó, việc xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cần huy động tốt hơn nữa sự tham gia của thành viên Hội đồng Khoa học và lãnh đạo các đơn vị. Để thực hiện được điều này, trước hết cần xác định rõ nhu cầu nghiên cứu của ngành Thanh tra nói chung và của TTCP nói riêng, từ đó xác định được nội dung, phạm vi nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cần bám sát chiến lược phát triển ngành, nhiệm vụ chính trị của ngành Thanh tra và của TTCP, đồng thời đảm bảo tính khoa học, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Cần đấu thầu cạnh tranh sẽ lựa chọn được tổ chức, cá nhân có uy tín cao về mặt chuyên môn và khoa học, đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn làm Chủ nhiệm đề tài, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đảm bảo tiến độ triển khai và tính công khai trong tuyển chọn đề tài.

Để công tác triển khai nghiên cứu được thực hiện ngày càng tốt hơn, theo lãnh đạo Viện CL&KHTT, từ việc xây dựng thuyết minh đề tài, đề cương nghiên cứu chi tiết cho đến việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, Viện CL&KHTT sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý đề tài khoa học, từ đó có thể giúp các Ban Chủ nhiệm đề tài thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu; tăng cường việc hướng dẫn Ban Chủ nhiệm đề tài về các quy định của Nhà nước trong tổ chức thực hiện đề tài và quy định tài chính, kịp thời tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, chú trọng nhiều hơn nữa việc kiểm soát quá trình tiếp thu ý kiến của Hội đồng nhằm hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu trước khi đưa vào lưu trữ, khai thác sử dụng.

Có thể thấy, quản lý khoa học là công tác hết sức quan trọng trong việc điều hành, triển khai hoạt động khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn hoạt động của ngành Thanh tra. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức, công cuộc đổi mới đang đặt ra rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tạo lập cơ sở khoa học tin cậy làm nền tảng để xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách, thể chế của ngành trong thời gian tới. Do đó, người làm công tác nghiên cứu khoa học càng phải nỗ lực hơn nữa, nắm bắt xu thế, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để áp dụng lý luận vào thực tiễn một cách có hiệu quả trong việc hoàn thiện và đổi mới công tác quản lý khoa học của Viện CL&KHTT nói riêng và của TTCP nói chung./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra