Để yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ tài liệu và báo cáo giải trình hiệu quả

Thứ hai, 24/07/2023 10:57
(ThanhtraVietNam) - Trong công tác quản lý, khi thực hiện một sự kiện (chẳng hạn như dự án...), công tác quản lý đòi hỏi hồ sơ, tài liệu của đối tượng thanh tra được lưu giữ tại đơn vị đồng thời được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền; việc đối tượng thanh tra không thể cung cấp được hồ sơ, tài liệu bởi lý do khách quan nhưng hồ sơ đó vẫn tồn tại tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và vấn đề được đặt ra là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Đoàn thanh tra.

Về Quyền của Trưởng đoàn thanh tra

Thứ nhất, quyền trong hoạt động thanh tra

Theo Từ điển Tiếng Việt, quyền là khái niệm khoa học pháp lý dùng để chỉ những điều mà pháp luật công nhận và đảm bảo thực hiện đối với cá nhân, tổ chức để theo đó, cá nhân được hưởng, được làm, được đòi hỏi mà không ai được ngăn cản, hạn chế.

Để bảo đảm cho Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ, pháp luật về thanh tra đã quy định cụ thể về việc sử dụng các quyền của các chủ thể thanh tra. Vì vậy, quyền trong hoạt động thanh tra là quyền lực Nhà nước được pháp luật quy định cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng trong quá trình thanh tra, nhằm đảm bảo cho hoạt động thanh tra đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra.

Thứ hai, nguyên tắc sử dụng quyền trong hoạt động thanh tra

Khi sử dụng quyền trong quá trình thanh tra, các chủ thể thanh tra cần tuân thủ nguyên tắc sau đây:

- Thực hiện đúng thẩm quyền.

Pháp luật về thanh tra quy định các chủ thể thanh tra được sử dụng quyền gắn với chức vụ, quyền hạn khi tiến hành thanh tra. Điều đó có nghĩa, người sử dụng quyền phải thực hiện đúng thẩm quyền mà pháp luật quy định; làm hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi thực hiện quyền; nghiêm cấm sự tùy tiện, đùn đẩy, né tránh, dây dưa, lạm dụng quyền hạn, vượt quá giới hạn pháp luật cho phép khi tiến hành thanh tra.

- Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, tránh chủ quan dẫn đến vi phạm pháp luật, gây tâm lý không tốt đến đối tượng thanh tra và ảnh hưởng đến kết quả cuộc thanh tra.

- Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời.

- Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra.

- Khi thực hiện quyền, chủ thể thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra và về hành vi, quyết định của mình.

Thứ ba, trình tự, thủ tục thực hiện quyền trong hoạt động thanh tra

- Xây dựng kế hoạch thực hiện quyền

Để sử dụng hiệu quả quyền trong hoạt động thanh tra, chủ thể thanh tra phải suy nghĩ, cân nhắc để xây dựng kế hoạch khi sử dụng quyền, như: Mục đích sử dụng quyền, tổ chức hay biện pháp thực hiện quyền, thời gian thực hiện quyền; các tình huống phát sinh khi thực hiện quyền và phương án xử lý...

- Thực hiện quyền

+ Trên cơ sở kế hoạch thực hiện quyền, chủ thể thanh tra tổ chức việc thực hiện quyền. Trường hợp không phải giữ bí mật thì thông báo trước cho đối tượng thanh tra về thời gian, địa điểm, nội dung làm việc để đối tượng thanh tra chủ động sắp xếp công việc, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

+ Tuỳ từng quyền và điều kiện hoàn cảnh cụ thể, khi thực hiện quyền phải vận dụng cho phù hợp: Khi áp dụng quyền tạm đình chỉ hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra, phải tổ chức thực hiện ngay; các loại quyền khác phải chuẩn bị soạn thảo công văn, tài  liệu, báo cáo cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan; tuyệt đối không được gây khó dễ, gợi ý hay đe doạ, vòi vĩnh đối tượng thanh tra.

Thứ tư, quyền của Trưởng đoàn thanh tra trong hoạt động thanh tra

Là một trong những chủ thể thanh tra, khi tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra được pháp luật cho phép thực hiện một số quyền sau đây:

- Quyền yêu cầu

+ Yêu cầu đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

+ Yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

+ Yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra;

+ Trưng cầu giám định về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

- Quyền quyết định

+ Quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra;

+ Quyết định kiểm kê tài sản của đối tượng thanh tra;

+ Quyết định tạm đình chỉ việc làm của đối tượng thanh tra;

+ Quyết định tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép sử dụng trái pháp luật;

+ Quyết định lập biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính (Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành);

+ Quyết định thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép;

-  Quyền kiến nghị

+ Kiến nghị đình chỉ việc làm của đối tượng thanh tra;

+ Kiến nghị tạm đình chỉ việc thi hành quyết định của đối tượng thanh tra;

+ Kiến nghị tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức, viên chức;

+ Kiến nghị xử lý kết quả thanh tra; chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

- Quyền kết luận về nội dung thanh tra trong báo cáo kết quả thanh tra

Nâng cao năng lực thực hiện quyền của Trưởng đoàn thanh tra

Thứ nhất, yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo, giải trình

Trong quá trình thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có quyền trực tiếp hoặc chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình (sau đây gọi chung là hồ sơ, tài liệu) về những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra. Đối tượng thanh tra có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu đã cung cấp.

Khi yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra:

- Lập văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu(1), báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra(2). Trong văn bản này cần có các nội dung: Tên, loại hồ sơ, tài liệu cần cung cấp (nếu là bản sao cần có xác nhận của đối tượng thanh tra); thời gian, địa điểm cung cấp; đại diện của đối tượng thanh tra ký tiếp nhận văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu.

Trong một số trường hợp, do khối lượng hồ sơ, tài liệu yêu cầu cung cấp lớn, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra xây dựng biểu mẫu để đối tượng thanh tra tổng hợp. Khi xây dựng biểu mẫu cần trao đổi nội dung với đối tượng thanh tra để tận dụng những tài liệu có sẵn, tránh đưa ra những yêu cầu để đối tượng thanh tra phải tổng hợp, tính toán phức tạp, dẫn đến việc cung cấp hồ sơ, tài liệu bị kéo dài, ảnh hưởng tới thời gian thanh tra.

Văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu được lập thành 3 bản, trong đó giao cho đối tượng thanh tra 1 bản để thực hiện; 1 bản do thành viên Đoàn thanh tra giữ để theo dõi thực hiện và lưu hồ sơ thanh tra; 1 bản gửi Trưởng đoàn thanh tra để theo dõi, giám sát.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, các thành viên Đoàn thanh tra được phân công mỗi người phụ trách một nội dung thanh tra và đều có kế hoạch làm việc với một nhân viên hoặc nhóm nhân viên của đối tượng thanh tra để yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu. Trong khoảng thời gian nhất định, một nhân viên hoặc nhóm nhân viên của đối tượng thanh tra không thể tiếp và làm việc cùng một lúc với nhiều thành viên Đoàn thanh tra. Trong tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần tập hợp các yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu để chỉ đạo, điều hành nhằm tránh chồng chéo hoặc gây căng thẳng cho đối tượng thanh tra; khi cần thiết có thể điều chỉnh nhiệm vụ của các thành viên Đoàn thanh tra để hạn chế tới mức thấp nhất gây phiền hà cho đối tượng thanh tra.

- Sau khi phát hành văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của đối tượng thanh tra.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến thời hạn quy định, đối tượng thanh tra chưa cung cấp được hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo để làm rõ nguyên nhân:

+ Nếu báo cáo theo yêu cầu bị chậm do phải tổng hợp quá nhiều chỉ tiêu, thời gian tổng hợp bị kéo dài, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra nghiên cứu để cơ cấu lại báo cáo và điều chỉnh cho phù hợp.

+ Hiện nay, hồ sơ, tài liệu của đối tượng thanh tra được lưu trữ trên mạng nội bộ; nếu yêu cầu cung cấp bằng bản giấy, đối tượng thanh tra phải in và thực hiện trình tự thủ tục ký, phát hành theo quy định cũng mất nhiều thời gian. Trong trường hợp này, Trưởng đoàn thanh tra cần yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp mật khẩu để trực tiếp vào mạng; khi cần thiết, tìm cách sao chép đưa về máy tính của mình để tiện khai thác. Khi xác định được sai phạm, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo lập biên bản, kèm theo các tài liệu chiết xuất trên mạng máy tính của họ (có ký xác nhận của Thủ trưởng cơ quan là đối tượng thanh tra).

+ Trường hợp chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu lần thứ nhất, thành viên Đoàn thanh tra nhắc nhở đối tượng thanh tra bằng văn bản; chậm lần thứ hai phải trao đổi bằng văn bản với Thủ trưởng đơn vị là đối tượng thanh tra; chậm lần thứ ba phải lập biên bản về việc chấp hành của đối tượng thanh tra để báo cáo Trưởng đoàn thanh tra xem xét, xử lý.

- Khi đối tượng thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra:

+ Lập biên bản(3)  ghi rõ thời gian, không gian, địa điểm, người giao, người nhận, tên, loại tài liệu (bản gốc, bản chính, dữ liệu phần mềm...), số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, số tờ và trích yếu nội dung tài liệu, chất lượng hồ sơ, tài liệu.

+ Yêu cầu đối tượng thanh tra cung cấp bản chính, hạn chế tới mức thấp nhất việc photocopy hồ sơ tài liệu. Thực tiễn cho thấy, có Đoàn thanh tra photocopy hồ sơ tài liệu quá nhiều, gây khó khăn, lãng phí cho đối tượng thanh tra. Đối với những hồ sơ, tài liệu không cần thu giữ thì trả lại cho đối tượng thanh tra, thời gian trả hồ sơ, tài liệu chậm nhất là khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp. Việc trả hồ sơ, tài liệu phải lập thành biên bản giao nhận hồ sơ, tài liệu.

+ Trường hợp hồ sơ, tài liệu đối tượng thanh tra đã cung cấp nhưng chưa đầy đủ thì Trưởng đoàn thanh tra có quyền trực tiếp hoặc chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, cung cấp bổ sung.

- Trường hợp đối tượng thanh tra không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, không chính xác hoặc cố tình trì hoãn cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối tượng thanh tra.

- Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo việc bảo quản, khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu đúng mục đích.

Thứ hai, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu đó

Theo quy định của Luật Thanh tra, đối tượng thanh tra có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.

Tuy nhiên, vì một lý do khách quan nào đó, đối tượng thanh tra không thể cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu. Mặt khác, quá trình thanh tra đòi hỏi phải kiểm tra tính trung thực, kiểm tra chất lượng hồ sơ, tài liệu do đối tượng thanh tra cung cấp.

Trong công tác quản lý, khi thực hiện một sự kiện (chẳng hạn như dự án...), công tác quản lý đòi hỏi hồ sơ, tài liệu của đối tượng thanh tra được lưu giữ tại đơn vị đồng thời được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền; việc đối tượng thanh tra không thể cung cấp được hồ sơ, tài liệu bởi lý do khách quan nhưng hồ sơ đó vẫn tồn tại tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và vấn đề được đặt ra là yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Đoàn thanh tra.

Vì vậy, pháp luật thanh tra cho phép trong quá trình thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra (gọi chung là người tiến hành thanh tra) được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu đó hoặc báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu đã cung cấp.

Trường hợp hồ sơ, tài liệu đã cung cấp nhưng chưa đầy đủ thì người tiến hành thanh tra có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung.

Khi yêu cầu tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp hồ sơ, tài liệu(4), báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra(5), Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra lập văn theo mẫu quy định; trong văn bản này cần có các nội dung: Tên, loại hồ sơ, tài liệu cần cung cấp (nếu là bản sao cần có xác nhận của tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu); thời gian, địa điểm cung cấp; tên người tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu ký tiếp nhận văn bản.

Để văn bản có hiệu lực thực hiện, các văn bản nêu trên đòi hỏi phải do người có thẩm quyền ký và đóng dấu theo quy định. Pháp luật về thanh tra quy định, Trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành những văn bản để áp dụng các biện pháp thực hiện quyền thanh tra. Tuy nhiên, quy định trên đây chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện. Đây là một khó khăn lớn trong quá trình thanh tra đòi hỏi Trưởng đoàn thanh tra cần có phương án xử lý:

- Phương án 1: Chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra dự thảo công văn để Trưởng đoàn thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký, đóng dấu. Ưu điểm của phương án này là thủ tục được đảm bảo chặt chẽ. Phương án này phù hợp với Đoàn thanh tra có quy mô nhỏ, nội dung thanh tra đơn giản, hoạt động của Đoàn thanh tra gần trụ sở của cơ quan thanh tra. Đối với Đoàn thanh tra có quy mô lớn, phát sinh nhiều yêu cầu đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; hoạt động của Đoàn thanh tra trên phạm vi rộng; nội dung thanh tra phức tạp thì nhược điểm của phương pháp này là: Mất nhiều thời gian làm thủ tục trình, ký, nên tính chủ động, kịp thời không cao.

- Phương án 2: Chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra dự thảo công văn trình Trưởng đoàn thanh tra ký và gửi kèm bản sao quyết định thanh tra đến cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu. Phương án này có ưu điểm là chủ động, linh hoạt, kịp thời, đảm bảo đúng thẩm quyền được pháp luật thanh tra quy định. Nhược điểm của phương pháp này là thủ tục thiếu chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được văn bản yêu cầu theo phương án này đều chấp hành nghiêm túc.

Trong một số trường hợp, do khối lượng hồ sơ, tài liệu yêu cầu cung cấp nhiều, Trưởng đoàn thanh tra cần chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra xây dựng biểu mẫu để cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra tổng hợp. Khi xây dựng biểu mẫu cần trao đổi trước nội dung với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra để tận dụng những tài liệu có sẵn, tránh đưa ra những yêu cầu phải tổng hợp, tính toán phức tạp, dẫn đến việc cung cấp hồ sơ, tài liệu bị kéo dài, ảnh hưởng tới thời gian thanh tra.

Văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo, giải trình được lập thành 3 bản, trong đó giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu 1 bản để thực hiện (có thể giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện); 1 bản do thành viên Đoàn thanh tra giữ để theo dõi thực hiện và lưu hồ sơ thanh tra; 1 bản gửi Trưởng đoàn thanh tra để theo dõi, giám sát.

Trong thực tiễn, các thành viên Đoàn thanh tra được phân công mỗi người phụ trách một nội dung thanh tra và đều có kế hoạch làm việc với một cơ quan, tổ chức, cá nhân có hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra để yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu. Trong tình huống này, Trưởng đoàn thanh tra cần tập hợp các yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu của các thành viên Đoàn thanh tra để chỉ đạo, điều hành nhằm tránh chồng chéo hoặc gây căng thẳng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu; khi cần thiết có thể điều chỉnh nhiệm vụ của các thành viên Đoàn thanh tra.

Sau khi phát hành văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo, giải trình, Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra theo dõi, đôn đốc việc thực hiện:

- Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu trực tiếp cung cấp hồ sơ, tài liệu, thành viên Đoàn thanh tra phải lập biên bản(6) ghi rõ thời gian, không gian, địa điểm, người giao, người nhận, tên, loại tài liệu (bản gốc, bản chính, dữ liệu phần mềm...), số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, số tờ và trích yếu nội dung tài liệu, chất lượng hồ sơ, tài liệu.

- Trường hợp chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu, báo cáo, giải trình lần thứ nhất cần nhắc nhở bằng văn bản; chậm lần thứ hai phải trao đổi bằng văn bản với Thủ trưởng cấp trên của đơn vị, tổ chức, cá nhân được yêu cầu; chậm lần thứ ba phải lập biên bản để báo cáo người có thẩm quyền xem xét, xử lý.

- Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo thành viên Đoàn thanh tra bảo quản, khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu đã thu thập được đúng mục đích.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian cung cấp; hoặc cung cấp không đầy đủ, không chính xác hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; hoặc cung cấp tài liệu không đúng với yêu cầu; hoặc tiêu hủy tài liệu…, thì Trưởng đoàn thanh tra áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó…

Cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của hồ sơ, tài liệu đã cung cấp.

(Còn nữa)

Chú thích:

(1); (4): Mẫu số 08 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(2); (5): Mẫu số 10 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

(3); (6): Mẫu số 09 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP

TTVCC. Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra