Xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt
Cụ thể, các hành vi vi phạm được xác định như sau: Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt không xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành trong tháng 1/2019, vi phạm quy định về thực hiện nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Năm 2022, Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt đã lắp đặt thêm 1 lò đốt rác thải mới, kèm hệ thống xử lý khí thải (lò đốt hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 12/2022). Tuy nhiên, công ty không lập báo cáo đề xuất xin cấp giấy phép môi trường trước khi đưa vào vận hành công trình, vì vậy không có giấy phép môi trường theo quy định.
Cùng với đó, Công ty không thực hiện quan trắc định kỳ thông số tổng đioxin/furan, PCDD/PCDF theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt tại Quyết định số 1964 ngày 14/6/2016.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định vi phạm quy định về bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại.
Các hành vi vi phạm trên được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 10; điểm c khoản 3 Điều 14; điểm a khoản 3 Điều 16; điểm e khoản 3 Điều 29 Nghị định số 45, ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổng số tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ Việt là 640 triệu đồng.
Phạt bổ sung, đình chỉ hoạt động của 1 lò đốt rác thải mới, kèm hệ thống xử lý khí thải (lò đốt hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức từ tháng 12/2022) thời gian 4,5 tháng, thời gian bắt đầu đình chỉ sau 2 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó, yêu cầu công ty này khẩn trương thực hiện ngay các nội dung sau: Xác định rõ về nhu cầu sử dụng nước và có văn bản cam kết, thỏa thuận sử dụng nước gửi về Công ty cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc.
|
|
Lò đốt rác hoạt động không phép của Công ty cổ phần Môi trường công nghệ Việt. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc |
Chế tài chưa đủ mạnh?
Để làm rõ vì sao Công ty Cổ phần Môi trường công nghệ Việt lại mắc nhiều vi phạm môi trường đến vậy thì có thể bàn đến một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, các cở sở pháp lí, chế tài xử phạt đối với các loại hành vi gây ô nhiễm môi trường và các loại tội phạm về môi trường vừa thiếu, vừa chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế tác dụng giáo dục, phòng ngừa, răn đe đối với những hành vi xâm hại môi trường. Rất ít trường hợp vi phạm môi trường bị xử lí hình sự; còn các biện pháp xử lí khác như buộc phải di dời ra khỏi khu vực gây ô nhiễm, đóng cửa và đình chỉnh hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cũng không được áp dụng nhiều, hoặc có áp dụng nhưng các cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, doanh nghiệp crây ì nên cũng không có hiệu quả.
Thứ hai, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lí, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức, hiện tượng “phạt để lấy lệ” còn phổ biến. Công tác thẩm định và đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư còn tồn tại nhiều bất cập và chưa được coi trọng đúng mức, thậm chí chỉ được tiến hành một cách hình thức, qua loa đại khái cho đủ thủ tục, dẫn đến chất lượng thẩm định và phê duyệt không cao.
Thứ ba, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Thứ tư, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp nhằm che đậy các vi phạm về môi trường.
Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên
Để ngăn chặn, khắc phục và xử lí có hiệu quả những hành vi vi phạm môi trường, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó những chế tài xử phạt (cưỡng chế hành chính và xử lí hình sự) phải thực sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp và thân thiện hơn với con người.
Hai là, tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.
Ba là, đối với các khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải, phân tích môi trường tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, đồng thời thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải tại đó.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên, con người và xã hội./.