Lý luận về liêm chính trong hoạt động kinh doanh
Liêm chính là phẩm chất cơ bản của đạo đức kinh doanh, văn hóa kinh doanh; có tác động to lớn đối với hoạt động kinh doanh, và sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tùy vào quy mô, mức độ phát triển của doanh nghiệp, liêm chính có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia nói riêng và cả nền kinh tế thế giới nói chung. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, liêm chính còn củng cố mối quan hệ hợp tác, đầu tư, liên doanh, liên kết kinh tế của các quốc gia, các khu vực; bảo đảm tính bền vững của các thỏa ước kinh tế giữa các nước và của các tổ chức quốc tế. Liêm chính bảo đảm cho sự phát triển kinh tế thế giới ổn định lâu dài, đem lại sự tin cậy giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế là đối tác của nhau. Do vậy, liêm chính, minh bạch là xu thế tất yếu trong hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, tham nhũng đã và đang trở thành vấn nạn toàn cầu với hình thức và quy mô ngày một tinh vi, nghiêm trọng hơn. Trong vấn nạn tham nhũng, doanh nghiệp được nhìn nhận dưới góc độ vừa là “nạn nhân” và vừa là “tác nhân” của tình trạng này. Khu vực công và khu vực tư được nhiều chuyên gia nhìn nhận như “bình thông nhau” vì có mối quan hệ tác động qua lại, khu vực tư đôi khi là nơi ẩn giấu, là sân sau của hành vi tham nhũng trong khu vực công(1). Vậy nên, tham nhũng thường phải đến từ ít nhất hai phía, doanh nghiệp là bên cung và quan chức là bên cầu. Quan trọng nhất là thuyết phục doanh nghiệp tham gia và ý thức về vai trò của mình trong PCTN, để doanh nghiệp không tiếp tay cho tham nhũng.
Thực trạng quy định về liêm chính trong hoạt động kinh doanh và sự tuân thủ quy định về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam hiện nay
Điều 81 Luật PCTN đã quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó, Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN đã hướng dẫn chi tiết về căn cứ tiến hành thanh tra, thẩm quyền thanh tra và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật PCTN đối với doanh nghiệp. Cụ thể:
(1) Căn cứ thanh tra khi các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, về kiểm soát xung đột lợi ích, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, như: Không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định; hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
(2) Khác với lĩnh vực thanh tra nói chung, trong hoạt động thanh tra việc chấp hành pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội, không phải tất cả các cơ quan thanh tra đều có thẩm quyền thanh tra. Thẩm quyền này chỉ được trao cho 03 cơ quan thanh tra bao gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh. Điều này thể hiện sự thận trọng và đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động thanh tra việc chấp hành pháp luật về PCTN đối với các loại hình doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Sự phân định thẩm quyền này là khá rõ ràng và rành mạch, phù hợp với phạm vi chức năng của từng cơ quan thanh tra, giúp ngăn ngừa sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra đối với doanh nghiệp. Quy định chặt chẽ và thận trọng này là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi mà Chính phủ đang thực hiện nhiều chủ trương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, xóa bỏ mọi rào cản có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp(2).
(3) Chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra nói chung đối với doanh nghiệp hiện nay đang là vấn đề gây nhiều bức xúc bởi điều này ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp, gây tốn kém, lãng phí về thời gian, nhân lực và tài chính cho doanh nghiệp và cho cả cơ quan tiến hành thanh tra. Sự chồng chéo, trùng lắp này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về cơ chế, chính sách. Để hạn chế tối đa sự chồng chéo, trùng lắp, Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc xử lý chồng chéo, trùng lắp về thẩm quyền thanh tra.
Luật PCTN quy định mang tính khuyến nghị các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ. Việc đảm bảo liêm chính và xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng không chỉ là yêu cầu của Luật PCTN mà còn là nhu cầu của chính các doanh nghiệp, tổ chức để hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay, yêu cầu này càng cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết nếu doanh nghiệp muốn phát triển và hội nhập quốc tế. Để làm được điều này, các doanh nghiệp, tổ chức phải có cơ chế kiểm soát, giám sát từ chính bên trong doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Như vậy, khi quy định và cụ thể hóa các biện pháp PCTN bắt buộc theo quy định của Luật, doanh nghiệp phải có các biện pháp tự kiểm tra, kiểm soát tại quy chế, điều lệ của mình để đảm bảo các quy định này được tuân thủ một cách đúng đắn. Việc kiểm soát nội bộ là một phương thức hữu hiệu để đảm bảo sự liêm chính trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức.
Khoản 3 Điều 82 Luật PCTN quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có trách nhiệm phản ánh, tố cáo, báo cáo theo quy định. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.
Theo quy định Luật PCTN hiện hành, người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước có hành vi tham nhũng quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật PCTN (hành vi tham ô, hành vi nhận hội lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình) sẽ bị xử lý theo quy định chung về xử lý người có hành vi tham nhũng. Riêng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội, theo quy định của Luật PCTN bắt buộc phải thực hiện nhóm các quy định về việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu. Khi các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm các quy định nói trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau: Doanh nghiệp, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó. Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, để tăng cường sự công khai, minh bạch về thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, người gửi tiền và những người đã tham gia đóng góp cho các hội từ thiện, Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định: Trong trường hợp kết luận doanh nghiệp, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật về PCTN, danh sách doanh nghiệp có hành vi vi phạm phải được gửi về các bộ, cơ quan quản lý lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử; danh sách tổ chức có hành vi vi phạm phải được gửi về Bộ Nội vụ hoặc Sở Nội vụ theo phân cấp quản lý để tổng hợp, theo dõi, quản lý và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử.
Nhìn chung, các quy định về liêm chính trong hoạt động kinh doanh và sự tuân thủ quy định về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ cả về nội dung cũng như hình thức. Các quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong khu vực tư cũng được quy định đầy đủ trong Luật PCTN, Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và trong các điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu một số doanh nghiệp cho thấy, các quy định hiện hành chỉ mới chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp có thể hiểu và thực hiện có hiệu quả trách nhiệm của mình. Đây chính là rào cản khá lớn đối với việc thực hiện liêm chính trong hoạt động kinh doanh và tuân thủ về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam hiện nay.
Giải pháp hoàn thiện quy định về liêm chính trong hoạt động kinh doanh và sự tuân thủ về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam trong thời gian tới
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCTN. Xây dựng, hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định của pháp luật về PCTN trong các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, đặc biệt Chính phủ phải quyết liệt xem xét sửa đổi, xoá bỏ các điểm chồng chéo trong các quy định pháp luật dẫn đến sự chồng lấn, không minh bạch trong xây dựng pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, có thể áp dụng biện pháp chế tài hình sự để xử lý hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong khu vực tư khi để xảy ra tham nhũng.
Thứ hai, để giám sát hiệu quả sự tuân thủ về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực tư tại Việt Nam, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định, nhằm phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong khu vực tư theo quy định của Luật PCTN hiện hành. Cụ thể, cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc xây dựng quy định liêm chính trong kinh doanh, công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh và sự tuân thủ các quy định pháp luật trong phòng ngừa tham nhũng.
Thứ ba, để nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững của doanh nghiệp, liêm chính phải là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hiện nay. Thực tế đã chứng minh rằng, các doanh nghiệp thực hiện cam kết liêm chính, minh bạch, đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng và sẽ đạt được thành công lâu dài.
Có thể khẳng định, việc hoàn thiện quy định về liêm chính trong hoạt động kinh doanh và sự tuân thủ về phòng ngừa tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước rất cần sự quan tâm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, bởi lẽ đây là vấn đề vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay./.
Chú thích:
(1). Lê Quang Kiệm: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật PCTN trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học - Viện Đại học Mở Hà Nội, 2018, tr.43.
(2). Các văn bản như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc…
Ths. Luật gia Lê Quang Kiệm