Nhìn chung, đại đa số người dân khi thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đều chấp hành đúng quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 (viết tắt là Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo không đúng quy định;vẫn còn tình trạng gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều nơi, vượt cấp có chiều hướng gia tăng, chưa có biểu hiện giảm về số lượng vụ việc. Tính chất của các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngày càng phức tạp, kéo dài, vượt cấp, tình trạng đơn thư chuyển lòng vòng… làm lãng phí thời gian, công sức và chi phí cho các cơ quan nhà nước cũng như của người khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người dân có tâm lý muốn gửi đơn vượt cấp đến nhiều cơ quan với mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ cấp trên và thông qua đó, sẽ có sự giám sát, đôn đốc, kiểm tra đối với cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, người khiếu nại, tố cáo lợi dụng mạng xã hội để đăng tải nội dung khiếu nại, tố cáo nhằm tìm kiếm sự đồng thuận, ủng hộ, nhờ dư luận tác động, gây áp lực đến cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Hiện nay, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo thường tập trung chủ yếu là đất đai, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, các chế độ chính sách… Đơn khiếu nại, tố cáo của người dân thì rất đa dạng, nội dung thì phức tạp, khó xử lý như đơn vừa khiếu nại, vừa tố cáo, có khi kèm cả kiến nghị, phản ánh; vẫn có trường hợp đơn khiếu nại, tố cáo đúng thì ít nhưng vu khống, xuyên tạc thì rất nhiều. Người khiếu nại, tố cáo mặc dù không có chứng cứ chứng minh cho nội dung khiếu nại, tố cáo nhưng vẫn vô tư xuyên tạc, vu khống, nói xấu cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước nhưng rất ít khi bị xử lý.
Thực tiễn, cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hay xử lý nội dung tố cáo thường không chú trọng đến việc xử lý người khiếu nại, tố cáo có hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật hoặc xúc phạm, vu khống. Thông thường, qua kiểm tra, xác minh đều kết luận những nội dung khiếu nại, tố cáo là không có cơ sở giải quyết, còn đối với hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật, vu khống, xúc phạm thì lại bỏ qua cho người khiếu nại, tố cáo và điều này sẽ dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật của một bộ phận người khiếu nại, tố cáo.
Luật Khiếu nại quy định các hành vi nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm hành vi “cố tình khiếu nại sai sự thật” (khoản 5 Điều 6); Luật Tố cáo thì nghiêm cấm hành vi “cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo” (khoản 10 Điều 8). Nếu có hành vi vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mặc dù, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã quy định rõ các hình thức xử lý vi phạm, trong đó, có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên, những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa được xử lý do thiếu chế tài cụ thể.
Để hạn chế tình trạng người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp hiện nay, theo tác giả cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và người dân. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế tối đa các vi phạm, sai sót xảy ra. Cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải thực hiện nghiêm túc các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng pháp luật nhằm củng cố niềm tin của người dân đối với chính quyền, nhất là cấp cơ sở.
Thứ hai, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo điều kiện để người dân thực hiện đầy đủ các quyền khiếu nại, tố cáocũng như thực hiện quyền giám sát đối với việc thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục phát huy vai trò của Luật sư, Luật gia và các Trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tích cực tham gia vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế về khiếu nại, tố cáo. Theo đó, cần nghiên cứu xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo và triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người dân.
Quyền khiếu nại, tố cáo là một quyền quan trọng của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa bởi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và nhiều văn bản pháp luật có liên quan. Để thực thi có hiệu quả pháp luật khiếu nại, tố cáo, cần sớm hoàn thiện pháp luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; không ngừng nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, qua đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp như hiện nay./.