Khắc phục sớm những hạn chế, rào cản trong công tác tiếp công dân
Công tác tiếp công dân là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là công tác quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam. Thông qua hoạt động tiếp dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các vụ việc khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; giúp cho Đảng và Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.
Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội đã ban hành nhiều quy định, nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về hoạt động tiếp công dân. Theo ThS Dương Văn Huế, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Bất cập về các quy định về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của tổ chức tiếp công dân từ trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất; nhiệm vụ, quyền hạn của người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, người làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng. Cùng với đó, phạm vi, trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, Trụ sở tiếp công dân các cấp chưa rõ ràng.
Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Trụ sở Tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp công dân ở địa phương và mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân với cơ quan thanh tra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đầy đủ; tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với người tiếp công dân; trình tự, thủ tục tiếp công dân, công tác quản lý về tiếp công dân… chưa được quy định, đầy đủ và cụ thể.
|
|
ThS Dương Văn Huế, Phó Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ "Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam". Ảnh: L.A |
Không những vậy, việc tiếp dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến KNTC, phản ánh, kiến nghị; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Chế độ thông tin về tình hình KNTC, kiến nghị phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KNTC, kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức.
Đổi mới trong cách thức và hoạt động để có hiệu quả cao hơn
Cũng theo Phó Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, còn nhiều bất cập về hoạt động tiếp công dân trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể như chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết KNTC và chưa coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo chưa trực tiếp tiếp công dân đầy đủ theo quy định, còn có tư tưởng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn, chưa tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chưa chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; nhiều nơi chưa ban hành quy chế, nội quy tiếp công dân; một số địa phương chưa chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân cho đội ngũ các cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân ở các cấp, các ngành.
Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình KNTC của công dân diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu kiện đông người vượt cấp tiếp tục gia tăng, phát sinh không ít “điểm nóng“. Phần lớn những khiếu kiện của công dân liên quan đến đất đai như giải phóng mặt bằng, đền bù đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất… Tuy nhiên, bất cập về thể chế, tổ chức và quản lý công tác tiếp dân, việc phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với các cơ quan đảng, đoàn thể còn gặp nhiều khó khăn… những hạn chế này đang là rào cản cần sớm có giải pháp khắc phục.
ThS Dương Văn Huế cho rằng, từ thực tiễn như vậy nên rất cần thiết phải nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam làm sao để tăng hiệu quả, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, đi vào thực chất, tránh hình thức.
Theo đó, Đề tài “Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam” được nghiên cứu với mục tiêu hoàn thiện pháp luật tiếp công dân theo hướng đổi mới, tổ chức hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; đồng thời, đề xuất giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam: Đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị trong các cơ quan Đảng; đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân trong các cơ quan nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân trong các tổ chức chính trị - xã hội.
Với vai trò là Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, ThS Dương Văn Huế cho biết, Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; Chương 2: Thực trạng tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam; Chương 3: Giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam.
Khi đóng góp vào việc nghiên cứu của Đề tài, các ý kiến cho rằng, hiện nay công tác tiếp công dân đang được cả hệ thống chính trị quan tâm, nên việc nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân là cần thiết nhằm nâng cao về công tác này và hoàn thiện pháp luật tiếp công dân. Đề tài này đã đáp ứng được tính cấp thiết, phạm vi, đối tượng nghiên cứu và các nội dung nghiên cứu. Tuy nhiên, cần giới hạn lại phạm vi nghiên cứu là tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, ở Chương 1 về khái niệm về tiếp công dân cần giữ nguyên các khái niệm đã được đưa ra trước đây và bổ sung thêm mối quan hệ tiếp công dân giữa các mô hình cơ quan chính trị tiếp công dân. Phần thực trạng cần điều chỉnh phần đánh giá thực trạng hoạt động tiếp công dân của hệ thống chính trị Việt Nam đưa lên phần mục 2.1 thay cho thực trạng pháp luật về tiếp công dân ở Việt Nam. Tương tự vậy, ở phần giải pháp cũng nên đưa phần giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động tiếp công dân của Đảng Cộng sản Việt Nam lên mục đầu tiên của Chương 3./.