Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình đã có Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản (KKTS) (từ năm 2014 đến 31/3/2023).
Thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng hướng trọng tâm vào kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập
Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành văn bản triển khai thực hiện. Các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát các quy định hiện hành về kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập (TSTN). Nội dung các văn bản đã nêu rõ mục đích, yêu cầu và trình tự tiến hành, các nội dung cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN.
Đồng thời, Ban thường vụ Tỉnh ủy mở hội nghị triển khai, quán triệt trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy với hơn 150 cán bộ, đảng viên tham gia. UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng (PCTN), trong đó nội dung kê khai TSTN được quan tâm, chú trọng.
Cùng với việc ban hành văn bản triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN. Cụ thể, ban hành quyết định kiểm tra, giảm sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong chương trình hành động hàng năm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác PCTN và Kế hoạch PCTN hàng năm của UBND tỉnh đều có nội dung về kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN.
Hàng năm, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra có nội dung thanh tra trách nhiệm thủ trưởng của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Nội dung thanh tra việc kê khai, kiểm soát TSTN là một trong những nội dung trọng tâm của công tác thanh tra trách nhiệm về PCTN.
Từ khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực, bản kê khai TSTN được bàn giao cho cơ quan kiểm soát theo phân cấp quản lý. Riêng năm 2021, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao 01 bản kê khai TSTN lần đầu cho cơ quan kiểm soát TSTN theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật PCTN. Các trường hợp chưa xác định được cơ quan nào kiểm soát TSTN thì tạm thời chưa bàn giao, chờ thực hiện theo hướng dẫn cụ thể tại Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát TSTN được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngày 08/02/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã có Quyết định số 56-QĐ/TW ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Ủy ban Kiểm tra Trung ương có Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Không có tổ chức, cá nhân nào vi phạm phải xử lý kỷ luật
Theo Nghị định số 78/2013/NĐ-CP và Thông tư số 08/TT-TTCP, việc xác minh TSTN được thực hiện khi có thông tin phản ánh về kê khai không trung thực. Theo báo cáo, từ năm 2014 đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh Quảng bình chưa có thông tin nào phản ánh về kết quả kê khai TSTN của các đối tượng phải kê khai không trung thực. Do đó, việc giải trình, xác minh tài sản, thu nhập của các đối tượng kê khai không thực hiện.
Năm 2020, Thanh tra tỉnh tiến hành xác minh theo đơn tố cáo 01 vụ việc kê khai tài sản không trung thực tại Trung tâm Dịch vụ Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Kết quả có 10 cán bộ, viên chức thuộc Trung tâm và Ban Quản lý Vườn bị xử lý kỷ luật, trong đó có 09 người bị khiển trách, 01 người bị cảnh cáo.
Từ khi Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP có hiệu lực, căn cứ định hướng của Thanh tra Chính phủ, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xác minh TSTN năm 2022 của tỉnh. Theo đó, Thanh tra tỉnh đã thành lập Tổ xác minh tiến hành bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh TSTN của 13 đối tượng thuộc diện kê khai TSTN hàng năm tại 4 sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Nội vụ, Y tế.
|
|
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Mặc dù, các cá nhân được xác minh TSTN đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai lần đầu, kê khai hàng năm, báo cáo giải trình về nguồn gốc TSTN, tuy nhiên vẫn còn một số sai sót, như: Người kê khai không ký vào từng trang của bản kê khai; ghi chưa đầy đủ thông tin về tài sản (số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tên người được cấp, ngày tháng năm được cấp, nơi cấp, thời điểm phát sinh tài sản), chưa ghi tổng thu nhập giữa hai lần kê khai; việc hướng dẫn kê khai TSTN của các đơn vị chưa cụ thể, rõ ràng…
Đối với ngành Thanh tra tỉnh, thanh tra việc thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN được thực hiện lồng ghép qua các cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng. Từ năm 2014 - 31/3/2023, toàn ngành Thanh tra tỉnh Quảng Bình đã tiến hành thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, thị xã trong đó có nội dung về kê khai TSTN với 153 cuộc, 415 cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra. Qua thanh tra góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đúng quy định về kê khai TSTN; không có tổ chức, cá nhân nào vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình nhận thấy còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác kê khai và kiểm soát TSTN; chưa quán triệt tốt việc thực hiện các văn bản quy định về việc kê khai TSTN theo quy định mới tại Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, việc tập huấn cho cán bộ cơ sở về kê khai TSTN theo quy định của Nghị định 130/2020/NĐ-CP triển khai chậm nên các cơ quan, đơn vị, địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, lúng túng, nhất là việc xác định đối tượng thuộc diện kê khai, một số nội dung trong bản kê khai…
Chủ động đề xuất giải pháp khắc phục
Để đảm bảo việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát TSTN kịp thời theo yêu cầu của Luật PCTN Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình kiến nghị các cơ quan Trung ương một số nội dung. Cụ thể, cần tổ chức hội nghị trực tuyến toán quốc để hướng dẫn, quán triệt trực tiếp các quy định có liên quan và việc tổ chức thực hiện cho các cơ quan kiểm soát TSTN. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, vấn đề chưa rõ hoặc có vướng mắc ở cơ sở để xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể sớm triển khai thực hiện, đảm bảo thống nhất và đúng quy định.
Đồng thời, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản; quản lý bản kê khai tài sản nhằm minh bạch, kiểm soát TSTN phát huy hiệu quả, tránh hình thức, góp phần quan trọng trong công tác PCTN nhằm tạo cơ chế kiểm soát thực chất hơn.
Sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TSTN theo hướng xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia tập trung, thống nhất, bảo đảm sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát TSTN theo thẩm quyền.
Hàng năm, tổng kết những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Dựa trên những đề xuất về giải pháp chủ động hoặc đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị để có hướng dẫn trong công tác xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai TSTN theo đúng quy định. Ngoài ra, tăng cường tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát TSTN nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác về PTCN nói chung và kiểm soát TSTN; công tác tham mưu, tổ chức kê khai TSTN nói riêng.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xác minh tài sản, thu nhập
Đối với địa phương, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy sớm cụ thể hóa các đối tượng theo phân cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc) để tổ chức thực hiện nhằm tránh chồng chéo và bỏ sót. Do đó, cần có sự thống nhất giữa Thanh tra tỉnh và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời hướng dẫn việc kê khai TSTN, thu nhận, tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát TSTN thuộc phạm vi quản lý của mình. Đặc biệt, phân định rõ vai trò, trách nhiệm trong mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong xác minh TSTN, tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong việc xác minh TSTN. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng, hiện nay, việc xác minh TSTN chỉ mới dừng ngang mức độ để cho các đối tượng được xác minh tự giác kê khai, cung cấp các bằng chứng để chứng minh TSTN hiện có và cam đoan tự chịu trách nhiệm về kê khai của mình chứ chưa tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức có liên quan, như: Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, các ngân hàng thương mại, cơ quan thuế, cơ quan công an… để chứng minh các cá nhân đã khai hết tài sản của mình hay chưa. Trong thời gian tới, cần có sự phối, kết hợp giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác xác minh TSTN.
Tập trung chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nói chung, việc kê khai và công khai TSTN nói riêng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 11/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 07-QĐ/TU ngày 13/7/2019 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật./.