Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện kê khai tài sản, thu nhập

Thứ năm, 08/12/2022 12:19
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 (sau đây viết tắt là Nghị định số 130/2020/NĐ-CP) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Văn bản số 230/VPCP-V.I ngày 01/02/2021 của Văn phòng Chính phủ, ngày 19/02/2021, Thanh tra Chính phủ đã có Văn bản số 252/TTCP-C.IV về việc kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện một số nội dung trong việc kê khai, công khai về tài sản, thu nhập; việc bàn giao bản kê khai cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trên cơ sở đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đã có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập trong năm 2021, năm 2022. Quá trình riển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, sau đây: 

Những khó khăn, vướng mắc

Thứ nhất, mô tả thông tin về tài sản và ghi giá trị tài sản

Một là, việc định giá một số tài sản trong bản kê khai

Bản thân người trong diện kê khai còn lúng túng khi phải tự định giá một số tài sản trước đây không phải kê khai, xong theo quy định mới phải kê khai. Theo hướng dẫn tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP tài sản, thu nhập phải kê khai có mục các khoản tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên gây khó khăn trong việc xác định;

Hai là, việc xác định như thế nào là quyền sử dụng thực tế đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rất phức tạp. Mặt khác, quyền sử dụng thực tế có phần đất ở và phần đất trông cây lâu năm cũng rất khó xác định là tách riêng hay gộp chung là đất ở. Nếu tách phải tách ra thì rất khó xác định phần giá trị người có nghĩa vụ kê khai phải ghi giá trị như thế nào. Trường hợp thửa đất được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau mà trong đó có đất ở thì kê khai vào mục đất ở. Tuy nhiên, việc xác định giá trị còn hiểu khác nhau nên khi thể hiện trong bản kê khai tài sản thiếu sự thống nhất.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ba là, đối với “nhà ở riêng lẻ” được xây dựng trên thửa đất riêng biệt nhưng sau đó là dùng vào mục đích khác, như để nuôi yến... khó để xác định đây là nhà ở hay là công trình xây dựng khác (là công trình xây dựng không phải nhà ở) như hướng dân của Phụ lục I của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP.

Bốn là, nội dung các mẫu kê khai không thống nhất

Các quy định về nội dung các mẫu kê khai không thống nhất (lần đầu, hàng năm); việc xác định giá trị từng loại tài sản, thời điểm phát sinh tài sản có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc kê khai cũng khác nhau; khi công khai bản kê khai tài sản khó xác định chính xác giá trị, chất lượng tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai.

Năm là, vẫn còn một số địa phương hiểu tổng thu nhập giữa hai lần kê khai và biến động về tài sản, thu nhập trong năm là không đúng. Do vậy, nhiều trường hợp ghi tổng thu nhập giữa hai lần kê khai không đúng từ ngày kê khai liền kề trước đó đến ngày trước ngày kê khai. Hoặc khi ghi tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai vào cột “giá trị tài sản, thu nhập” sau khi đã trừ khoản chi tiêu hoặc trừ các khoản trả nợ có được trong kỳ kê khai đi.

Thứ hai, trong việc xác định đối tượng kê là người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước.

Một là, trước ngày 05/5/2022 chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương Phó trưởng phòng của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Do vậy, dẫn đến việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai đối với người giữ chức vụ từ tương đương với Phó trưởng phòng trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp do Nhà nước là không thống nhất và chưa thực sự trùng khớp với Kết luận số 35-KL/TW (viết tắt Kết luận số 35-KL/TW ) ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Bởi vì tại khoản 3 Điều 34 Luật PCTN năm 2018 quy định: Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập là người có nghĩa vụ kê khai TSTN. Theo quy định này thì có thể hiểu là: Phó trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp công lập là người có nghĩa vụ phải kê khai (ví dụ Phó trưởng khoa, phòng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh - đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế, là đối tượng thuộc diện phải kê khai) hoặc người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp huyện là tương đương với Phó trưởng phòng trở lên (ví dụ như Hiệu trưởng trường mầm non).

Tuy nhiên, hiện tại quy định về “phó trưởng phòng và tương đương” mới chỉ được quy định trong Kết luận số 35-KL/TW, tại mục X nhóm III, Bảng danh mục các chức danh, chức vụ quy định: Phó trưởng phòng và tương đương bậc 2 gồm: Phó trưởng phòng và tương đương của Sở, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; phó trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh. Với quy định này của Kết luận số 35-KL/TW thì phó trưởng phòng và tương đương công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập là phó trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành cấp tỉnh (trong ví dụ trên là Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh). Do vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập đã lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập là không đúng với Kết luận số 35-KL/TW, trong đó có: Hiệu trưởng trường mầm non; Phó trưởng khoa, phòng thuộc Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã…; Phó trưởng khoa, phòng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; …; Hay có đơn vị xác định người không được bổ nhiệm giữ bất cứ chức vụ gì mà chỉ được giao  phụ trách 01 phòng (có được hưởng phụ cấp công việc như phó trưởng phòng trở lên) nên đã đưa vào diện kê khai hàng năm vì họ cho rằng người được giao phụ trách phòng là tương đương với Trưởng phòng theo quy định tại nghị định 130/2020/NĐ-CP.

Hai là, kể từ khi có Kết luận số 35-KL/TW vẫn còn có khăn, như:

(i) Chưa có xác định đối với người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

(ii) Cán bộ xã, phường, thị trấn được xác định là tương đương với Phó trưởng phòng trở lên bao gồm: Bí thư Đảng ủy, Phó bí thư Đảng ủy nhưng lại không được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP. Dẫn đến cấp chính quyền địa phương còn băn khoăn trong quá trình hướng dẫn triển khai thực hiện.

Những đề xuất nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thứ nhất , đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong việc xây dựng, ban hành các văn bản tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập; lập kế hoạch, lên danh sách, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc kê khai theo quy định. Đặc biệt có trách nhiệm tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực, đẩy mạnh sáng tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ trong tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập.

Người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cần nâng cao ý thức việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; thực hiện các quy định kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân; nâng cao văn minh thương mại, bỏ tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, công khai hóa thu nhập, doanh thu, không sử dụng tiền mặt với những mục đích không minh bạch…

Thứ hai, đối với Thanh tra Chính phủ

Đối với Cục Phòng, chống tham nhũng: Hàng năm, tổng kết những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Dựa trên những đề xuất về giải pháp chủ động hoặc đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị để có hướng dẫn trong công tác xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo đúng quy định. Đồng thời, cần sớm tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng và vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm đảm bảo thực hiện mục đích, yêu cầu kiểm soát tài sản, thu nhập. Tiếp đó, tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư hướng dẫn công tác tổ chức kê khai tài sản, thu nhập và nghiệp vụ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. …

Đối với Trường Cán bộ Thanh tra: Hàng năm tổng kết đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát tài sản, thu nhập để tham mưu cho Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát tài sản, thu nhập cho đội ngũ công chức làm công tác về phòng, chống tham nhũng nói chung và kiểm soát tài sản, thu nhập; công tác tham mưu tổ chức kê khai tài sản, thu nhập nói riêng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi cả nước tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác về phòng, chống tham nhũng nói chung và kiểm soát tài sản, thu nhập; công tác tham mưu tổ chức kê khai tài sản, thu nhập nói riêng./.

TS. Trần Thị Thúy - Ths. Phạm Thị Hường, Trường Cán bộ Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra