Năm 2019, Quảng Ninh tiếp tục là địa phương dẫn đầu, và là năm thứ 3 liên tiếp nhận cúp quán quân trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức do Thanh tra tỉnh là đầu mối đứng trong top những tỉnh có điểm số cao nhất. Kết quả trên tiếp tục thể hiện sự hài lòng của doanh nghiệp đối với công tác phục vụ hành chính công của tỉnh nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đạt được những kết quả trên có phần đóng góp quan trọng của công tác xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra và hoạt động thanh tra qua thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
1. Chủ động tham mưu, xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra
Việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã được quy định tại Khoản 3, Điều 3 Luật Thanh tra: "Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó" và được các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành thực hiện.
Theo đó, hàng năm, các cơ quan quản lý Nhà nước có chức năng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp lập kế hoạch và phê duyệt kế hoạch thanh tra theo quy định tại Điều 24, Luật Thanh tra: "Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra sở: 1. Xây dựng kế hoạch thanh tra trình giám đốc sở phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của thanh tra sở; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc sở".
Tuy nhiên, qua thực tiễn các năm thực hiện, có sự chồng chéo giữa các đoàn thanh tra trên cùng một doanh nghiệp, thậm chí trùng cả nội dung thanh tra, kiểm tra đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của đơn vị, đồng thời, dễ nảy sinh hành vi nhũng nhiễu của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Dẫn đến hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hạn chế và tác động xấu đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Để khắc phục các tồn tại trên cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng như tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cùng các ngành trong tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1590/2016/QĐ-UBND ngày 27/5/2016 về Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập và Quy chế Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Trong đó: Thanh tra tỉnh được UBND tỉnh giao là cơ quan đầu mối trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở tổng hợp về yêu cầu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để trình UBND tỉnh phê duyệt theo nguyên tắc: "Một năm không quá một lần thanh tra, kiểm tra đối với một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện có các hành vi vi phạm pháp luật".
Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Thanh tra tỉnh chủ động có các văn bản về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn gửi các đơn vị, sở, ngành và địa phương của tỉnh. Trong đó, yêu cầu, về công tác khảo sát lựa chọn đơn vị được thanh tra, kiểm tra hàng năm theo kế hoạch không lựa chọn các doanh nghiệp trong 02 năm liền kề đã có hoạt động thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm (đơn vị chấp hành tốt chính sách pháp luật), lựa chọn các đơn vị có dấu hiệu vi phạm vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đề nghị các đơn vị tăng cường nắm tình hình theo chức năng quản lý theo ngành, lĩnh vực để thanh tra đột xuất, thường xuyên, trực tiếp, không báo trước đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực và dư luận quan tâm (đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm…) và khi phát hiện dấu hiệu sai phạm rõ ràng.
Trên cơ sở số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp dự kiến của các đơn vị, Thanh tra tỉnh tổng hợp, rà soát, sắp xếp lại các cuộc thanh tra, kiểm tra không có chồng chéo và sắp xếp các cuộc thanh tra, kiểm tra có sự chồng chéo (từ 02 đơn vị trở lên lập kế hoạch). Đồng thời, xử lý theo nguyên tắc đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra có sự chồng chéo về đối tượng nhưng không trùng về nội dung, Thanh tra tỉnh chuyển thành các cuộc kiểm tra liên ngành và dự kiến giao đơn vị chủ trì. Qua rà soát, sắp xếp ngay từ bước lập kế hoạch, Thanh tra tỉnh đã xử lý 935 trường hợp có sự chồng chéo giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh. (Năm 2017: 278 trường hợp; năm 2018: 398 trường hợp; năm 2019: 259 trường hợp). Sau khi đã tổng hợp, sắp xếp các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Thanh tra tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh hàng năm để các ngành, địa phương căn cứ quyết định được phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời, căn cứ kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt, Thanh tra tỉnh đã có văn bản (gửi kèm quyết định phê duyệt của UBDN tỉnh) gửi các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có chức năng thanh tra, kiểm tra như: Cục Thuế tỉnh; Cục Hải quan tỉnh; Công an tỉnh; Công an Phòng cháy, chữa cháy tỉnh; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Cục Quản lý Thị trường tỉnh) để tiến hành tự rà soát lại kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hàng năm của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc lĩnh vực của ngành, chủ động báo cáo, điều chỉnh lại kế hoạch cho phù hợp (nếu có) để tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp hoặc phối hợp với đơn vị được giao chủ trì của tỉnh để tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành.
Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
2. Phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp chồng chéo
Trong quá trình thực hiện kế hoạch hàng năm được phê duyệt, đồng thời qua rà soát các văn bản báo cáo của các sở, ngành và địa phương thì vẫn còn xảy ra trường hợp chồng chéo trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Khi phát hiện có chồng chéo, Thanh tra tỉnh đã xử lý kịp thời các trường hợp có chồng chéo (chủ yếu có sự chồng chéo giữa các cuộc thanh tra, kiểm tra các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh với các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thuộc bộ, ngành Trung ương có chức năng thanh tra, kiểm tra). Kết quả gần 03 năm (năm 2017, 2018 và 06 tháng đầu năm 2019), Thanh tra tỉnh đã xử lý chồng chéo 246 trường hợp (Năm 2017, xử lý 168 trường hợp; năm 2018 là 30 trường hợp, 06 tháng năm 2019 là 48 trường hợp).
Việc xử lý đối với các trường hợp phát hiện có sự chồng chéo theo hướng, căn cứ quy định tại các Điều 16, 19, 22, 25 Luật Thanh tra năm 2010; Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian giữa các thanh tra sở, giữa thanh tra sở với thanh tra huyện; chủ trì phối hợp với Chánh Thanh tra bộ xử lý việc chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian trên địa bàn tỉnh. Trên thực tế, khi phát hiện việc chồng chéo các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh chủ động đề nghị các đơn vị, sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh không thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, điều chỉnh giảm kế hoạch đối với các doanh nghiệp có hiện tượng chồng chéo để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và UBND tỉnh.
3. Một vài kiến nghị
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua thực tế triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, một số khó khăn, vướng mắc cũng đã xuất hiện, cụ thể: Việc kiểm soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương vẫn còn hạn chế và khó nắm bắt thông tin trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như để thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Việc phối hợp với một số đơn vị trong xử lý chồng chéo còn chưa chặt chẽ.
Đối với cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành có nhiều nội dung của nhiều cơ quan, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực không có mối liên quan đến nhau (ví dụ kiểm tra việc chấp hành các quy định về thuế và kiểm tra hoạt động khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp...) đòi hỏi vị trí trưởng đoàn có am hiểu các lĩnh vực để điều hành một cuộc kiểm tra liên ngành có hiệu quả nên có phần tạo áp lực cho đơn vị được phân công chủ trì đoàn liên ngành, phần nào ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, thanh tra.
Ngoài ra, việc phân tách, rà soát, sắp xếp các cuộc thanh tra, kiểm tra dự kiến của các đơn vị khi xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm rất khó khăn và mất thời gian, do số lượng dự kiến là rất lớn, đồng thời, các dữ liệu đầu vào thường không chuẩn, thống nhất giữa các đơn vị.
Chưa hết, việc kiểm soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương vẫn còn hạn chế và khó nắm bắt thông tin trong quá trình xây dựng kế hoạch, cũng như để thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp
Để tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ cũng như Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng, cần tiếp tục kiểm tra, kiểm soát tốt các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tối đa sự chồng chéo các cuộc thanh tra và kiểm tra.
Đồng thời, tăng cường tiếp nhận xác minh và xử lý kịp thời, nghiêm túc các thông tin của doanh nghiệp liên quan đến các hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu và tham nhũng đối với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất Thanh tra Chính phủ xây dựng được phần mềm kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hàng năm của tỉnh cũng như phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, kết nối được với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời phát hiện, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp ngay từ bước lập kế hoạch, giảm thiểu tối đa việc chồng chéo khi đã đưa kế hoạch hàng năm vào thực hiện./.
Điệp Văn Chiến
Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Ninh