Một số nghiên cứu, đề xuất sửa đổi của Luật Báo chí để phù hợp với báo chí đa nền tảng

Thứ sáu, 11/08/2023 21:07
(ThanhtraVietNam) - Thực tiễn báo chí truyền thông thời gian qua có những biến động sâu sắc để thích ứng với quá trình chuyển đổi số do sự tác động của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của Internet và mạng xã hội. Chính những biến động ấy đã làm cho Luật Báo chí 2016 còn nhiều chỗ không phù hợp, thiếu tính khả thi. Do đó, Luật Báo chí cần được sửa đổi để phù hợp với xu thế báo chí đa nền tảng nói riêng và phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh chung của lĩnh vực báo chí nói chung.

Bất cập nhìn từ các cơ quan báo chí và các nhà nghiên cứu, đào tạo báo chí

Nhìn nhận từ góc độ cơ quan báo chí trực tiếp sản xuất nội dung, đại diện Báo Thanh Niên cho rằng, việc chuyển đổi số và phát triển đa nền tảng là công cuộc cải cách toàn diện, làm thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất – quản trị nội dung cũng đặt ra nhiều vấn đề, thách thức với các cơ quan báo chí nói chung và Báo Thanh Niên nói riêng. Nêu ví dụ cụ thể về việc có dự án công nghệ rất hứa hẹn về triển vọng thành công nhưng do thiếu nguồn lực đầu tư, việc triển khai phải dè dặt. Giá như các quy định về sử dụng Quỹ đầu tư phát triển được hướng dẫn thi hành một cách thông thoáng hơn, phù hợp hơn với những đặc điểm của giải pháp công nghệ cao thì các quyết định đầu tư của cơ quan báo chí sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều, đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.

Trong khi đó, ông Lê Trần Nguyên Huy, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Nhà báo và Công luận thì cho rằng, nhiều vấn đề báo chí mới, phức tạp, từ đó cũng nảy sinh khiến Luật Báo chí 2016 đang chưa bao quát được hết. Đơn cử như các quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động những loại hình hoạt động thông tin có tính chất báo chí như mạng xã hội, ứng dụng (App) trong nước và xuyên biên giới đang phân phối nội dung trên Internet… đòi hỏi có những điều chỉnh kịp thời để quản lý được chặt chẽ…

Nghiên cứu từ Ths. Phan Văn Tú (Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM), qua kết quả khảo sát từ năm 2022 với 142 cơ quan báo chí cho thấy, 100% đơn vị đã triển khai các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới của bên thứ ba như: Facebook, YouTube, Instagram, TikTok, Spotify, Google podcast, Appe Podcast…

Các nền tảng mạng xã hội ở các cơ quan báo chí có sự khác nhau về quy mô khai thác, song, theo chuyên gia, con số các kênh mạng xã hội của các cơ quan báo chí không ngừng được gia tăng như: Báo Thanh Niên xây dựng và vận hành hơn 10 trang, kênh mạng xã hội; Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long có 32 kênh Youtube, 2 Fanpage, 5 Kênh Dailymotinon, 2 kênh zalo, 2 kênh Tik Tok, 1 kênh Instagram; Báo Pháp luật TPHCM hiện khai thác 2 kênh mạng xã hội YouTube; Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam có hệ thống kênh mạng xã hội phong phú… Các cơ quan báo chí trên đều có số lượng người theo dõi, tương tác, lượt xem rất lớn.

Theo Ths Phan Văn Tú, phát triển nội dung báo chí trên mạng xã hội hiện nay là xu hướng đa nền tảng hoàn toàn không phải là việc sao chép các nội dung đã đăng trên báo này phát song trên đài để đưa lên những nền tảng miễn phí. Có khá nhiều hình thức sáng tạo trong sản xuất. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, mô hình báo chí đa nền tảng mà nhiều cơ quan báo chí đang áp dụng hiện nay là “xây nhà trên đất người khác” hay “phá rào” , không phù hợp với Điều 17 Luật Báo chí 2016. Với quy định tên miền “.vn” cho hạ tầng báo chí hiện nay không còn phù hợp do sự thay đổi nhu cầu phục vụ công chúng.

leftcenterrightdel
 Hệ thống máy tính theo dõi, giám sát hoạt động các ấn phẩm điện tử của cơ quan báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: T.A

Một số kiến nghị, đề xuất

Theo PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, nên đổi tên Luật thành: Luật Báo chí truyền thông, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đổi tượng chính: Báo chí – phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin; truyền thông liên nhân cách trong hệ sinh thái số; truyền thông xã hội.

Theo phân tích của Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cần bổ sung thuật ngữ, đặc biệt là thuật ngữ báo chí số cũng như các thuật ngữ: Mô hình tòa soạn, mô hình cơ quan báo chí, quy trình và nguyên tắc sáng tạo nội dung, tiêu chí về sản phẩm báo chí và các dòng sản phẩm truyền thông khác (cùng với ý nghĩa, nội hàm của các thuật ngữ đó).

“Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung trên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị, đa dạng hóa các nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền và trách nhiệm của các chủ thể sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số”, PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất.

Bên cạnh các giải pháp, quy định Luật Báo chí sửa đổi cần xem xét như quy định xác định, phần biệt, lượng hóa rõ ràng báo điện tử và tạp chí điện tử cũng như chế tài xử lý tình trạng gỡ bài thì đại diện Báo Thanh niên cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có quy định về quyền và trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhà báo khi tương tác mạng xã hội; hỗ trợ công nghệ kiểm soát thông tin mạng xã hội phát sinh từ các sản phẩm báo chí; phát triển công cụ duyệt bình luật Fanpage phù hợp với đặc điểm Việt Nam, phát hiện xử lý các thông tin vu khống, sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu mạng xã hội. Thêm nữa, có thể nghiên cứu, thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt của chuyển đổi số.

Lãnh đạo Báo Nhà báo và Công luận đề xuất thêm về cơ chế, chính sách để Luật mới phải được bổ sung theo hướng tạo hành lang pháp lý để xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích báo chí phát triển trên nền tảng số. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của những công cụ như trí tuệ AI sẽ có những tác động căn bản tới hoạt động báo chí, trong đó có đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung, sửa đổi Luật để báo chí hiện đại vẫn đảm bảo được tính khách quan, trung thực. Cần thiết phải sửa đổi chính sách nhằm hỗ trợ, ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí đối với cả 04 loại hình để tái đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thông tin, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị. Đây cũng là mong muốn được lãnh đạo các cơ quan báo chí bày tỏ từ Diễn đàn Tổng biên tập về Kinh tế báo chí năm 2020”, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy đề nghị.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra